Ông Lư Văn Tỏ, ngụ ấp So Đũa A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Gia đình tôi chuyên trồng sương sáo đã trên 50 năm. Loại cây này rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, tuy giá không cao nhưng có sản phẩm bán quanh năm và không bị “ dội chợ”. Hiện tôi đang trồng 10 công, mỗi công thu hoạch từ 1,5 đến 2 tấn lá tươi, phơi xong còn 500 ký lá khô. Với giá bán bình quân 23.000 đồng/ký, trừ hết cho phí còn lời khoảng10 triệu/công/vụ…”.
Các cơ sở thu mua, sơ chế sương sáo ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đang tất bật vào vụ.
Mỗi năm gia đình ông Tỏ thu hoạch 3 vụ, vị chi mỗi công trồng sương sáo cũng cho thu 30 triệu đồng. Như vậy với 10 công trồng sương sáo, mỗi năm gia đình ông Lư Văn Tỏ còn lời từ 280 đến 300 triệu/ năm.
Theo nhiều người trồng sương sáo ở huyện Phụng Hiệp cho biết, giá thu mua dây sương sáo năm nay cao hơn từ 15-20 % so với năm 2017 do thời tiết nắng nóng, lượng tiêu thụ sương sáo tăng đột biến. Dây, lá sương sáo khô là nguyên liệu chế biến thực phẩm, nước giải khát, các món ăn trong các nhà hàng, quán ăn; làm dược phẩm điều trị một số bệnh…
Dây sương sáo thu mua năm 2018 cao hơn năm 207 từ 15-20%, bình quân đạt 18.000-23.000 đồng/kg.
Nếu như từ năm 2017, nỗi lo nghề trồng sương sáo sẽ mai một đã hiện thị rất rõ bởi giá bán thấp, đầu ra không ổn định, thì năm 2018, nhiều nông dân đã bắt đầu quay lại với cây sương sáo. Từ đó nhiều hộ có thu nhập khấm khá từ loài cây dây nấu ra nhớt màu đen thui này.
Dù đang rất tất bật tranh thủ trời nắng gắt để phơi dây sương sáo khô, chị Võ Thị Hà, công nhân của cơ sở thu mua sương sáo Phúc Yên, ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp phấn khởi nói: “Tôi đã làm nghề phơi dây sương sáo gần 20 năm. Mỗi ký dây phơi khô được trả 700 đồng; bình quân trời nắng kiếm được từ 180.000 đến 200.000 đồng mỗi ngày; trời mưa thì ít hơn. Nghề này sống được và có việc làm quanh năm…”.
Khác với cách đây 3-4 năm, từ năm 2017 tới nay, người trồng sương sáo ở Hậu Giang có lợi nhuận khá cao do sản phẩm làm ra hút hàng.
Chị Nguyễn Thị Phúc Yên, chủ cơ sở cho biết thêm: “Tỉnh Hậu Giang hiện nay chỉ còn 4 xã còn trồng nhiều dây sương sáo với diện tích khoảng 40 ha đó là xã Thạnh Xuân, thị trấn Rạch Gòi ( huyện Châu Thành A); xã Thạnh Hòa, Tân Long ( huyện Phụng Hiệp). Một số địa phương khác tuy có nhưng trồng nhỏ lẻ, manh mún. Vào lúc cao điểm mùa nắng cơ sở của tôi còn đi thu mua dây sương sáo tận Vĩnh Long và An Giang để có đủ sản lượng giao cho khách hàng.
Dây cây sương sáo được đóng, ép thành các bánh lớn để xuất bán cho thương lái.
Hiện nay ở huyện Phụng Hiệp, giá thu mua lá sương sáo khô từ 18.000 đến 23.000 đồng/ký tuỳ thuộc chất lượng tốt, xấu; lá ít hay nhiều. Bình quân cứ 5 ký dây tươi sẽ cho ra 1 ký dây khô. Dây tươi sau khi cắt phơi từ 4 đến 5 nắng là có thể xuất bán. Cao điểm bán dây sương sáo từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 6 âm lịch năm sau. Thị trường tiêu thụ sương sáo mạnh nhất là TP. HCM, Hà Nội, Trung Quốc, Campuchia…
Ông Nguyễn Văn Học, cán bộ nông nghiệp xã Thạnh Hòa, huyện Phung Hiệp cho biết : “Hiện nay người trồng lẫn người làm thuê tại các cơ sở thu mua sương sáo rất phấn khởi vì giá mua tăng cao, sản lượng cũng gia tăng đáng kể. Nhiều lao động có thêm việc làm. Tuy nhiên chúng tôi cũng rất thận trọng không khuyến khích người dân mở rộng quá nhiều diện tích trồng sương sáo để tránh tình trạng dội chợ như những loại rau màu khác”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn