Theo Liên minh HTX Việt Nam, đến nay cả nước có 9.900 HTX NN (bao gồm các ngành nông, lâm, thủy sản và nghề muối), tăng 216 HTX so cùng kỳ năm 2011. Số hộ xã viên và người lao động trong HTX có gần 7 triệu người. Hoạt động của HTX chủ yếu theo 3 hình thức, trong đó khoảng 70% HTX làm các dịch vụ, còn lại là HTX dịch vụ kinh doanh tổng hợp và HTX chuyên ngành… Đối với hình thức dịch vụ kinh doanh tổng hợp, bên cạnh tổ chức các dịch vụ sản xuất nông nghiệp, một số HTX còn mở rộng phát triển nhiều ngành nghề khác như sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, kinh doanh thương mại, dịch vụ điện, tín dụng nội bộ, vệ sinh môi trường, quản lý chợ… Số HTX này chiếm hơn 20% tổng số HTX và là mô hình được đánh giá hoạt động có hiệu quả nhất thời gian qua. Còn HTX chuyên ngành, xuất hiện một số loại hình như HTX chăn nuôi, trồng hoa, cây cảnh, rau sạch, trái cây hay HTX chuyên về sản xuất thủy sản.
|
Nông dân HTX dịch vụ nông nghiệp Đa Tốn (huyện Gia Lâm) chăm sóc rau vụ xuân. Ảnh: Khánh Nguyên |
Thực tế đã xuất hiện một số HTX năng động, thích ứng với cơ chế mới. Tiêu biểu như HTX Dương Liễu (Hoài Đức - Hà Nội) kinh doanh dịch vụ tổng hợp, với doanh thu năm 2012 đạt 21 tỷ đồng, nộp ngân sách 598 triệu đồng và thu nhập người lao động bình quân 2,4 triệu đồng/tháng; HTX Thanh Tâm (Bình Dương) ước doanh thu năm 2012 đạt 11,2 tỷ đồng, thu nhập người lao động bình quân 2,5-3 triệu đồng/tháng và tham gia hỗ trợ nhiều chính sách an sinh xã hội địa phương…
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều HTX NN hoạt động kém hiệu quả, gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng. Một số HTX thành lập mới không được bao lâu như HTX NN vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long)... đã bế tắc trong mọi hoạt động và đang chờ phá sản. Nguyên nhân do nhiều đơn vị chậm chuyển đổi theo cơ chế kinh tế thị trường, khó khăn về nguồn vốn, chất lượng cán bộ thấp. Ngoài ra, các HTX còn đối mặt với nhiều khó khăn khác như không có điều kiện xây dựng trụ sở làm việc, hoặc xây dựng nhà sơ chế đóng gói sản phẩm... Cả HTX và xã viên đều phải tự xoay xở lo nguồn vốn để duy trì hoạt động nhưng bế tắc vì khó vay vốn ngân hàng. Đồng thời, khi HTX không bảo đảm được quyền lợi cho xã viên thì xã viên xin ra khỏi tổ chức, dẫn tới HTX bị giải thể sau một thời gian thành lập. Hiện tại số HTX kinh doanh có lãi rất ít, tỷ lệ HTX thua lỗ chiếm trên 25%. Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An cho rằng: HTX NN phổ biến có quy mô nhỏ, rất lúng túng trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động hình thức, chưa thực chất, xã viên không gắn bó với HTX trong khi một số HTX NN mới thành lập cũng chưa tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc cố hữu trước đó nên hoạt động kém hiệu quả.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Đào Xuân Cần khẳng định: HTX NN có vai trò quan trọng và chiếm số lượng lớn. Để giải quyết những khó khăn tồn tại, thúc đẩy HTX ngày càng phát triển, cần tuyên truyền rộng rãi nhằm thu hút nông dân. Các HTX phải đổi mới phương thức hoạt động, điều hành để phục vụ, dịch vụ, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, quy trình sản xuất nhằm tăng giá trị nông nghiệp. Các HTX cần liên kết trong các khâu từ sản xuất tới tiêu thụ để giảm giá thành đầu vào, đa dạng kinh doanh các mặt hàng dịch vụ khác để tăng nguồn thu; sắp xếp tổ chức lại mô hình hoạt động hiệu quả nhất.
Bên cạnh việc triển khai đưa Luật HTX sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013 vào cuộc sống, Liên minh HTX Việt Nam chỉ đạo các địa phương, trong đó đi đầu là Hà Nội, tập trung xây dựng những mô hình HTX tiêu biểu, làm cơ sở nhân rộng ra toàn quốc. HTX NN sẽ là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu để củng cố toàn diện trong thời gian tới, theo đúng các quy định mới của Luật HTX để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường.