15:08 EST Thứ bảy, 28/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Hiện tượng nông dân trả ruộng ở Hải Dương: Thách thức và cơ hội

Thứ tư - 03/07/2013 03:18
"Người cày có ruộng” là mục tiêu của cách mạng dân chủ nhân dân, Nhà nước thực hiện Quốc hữu hóa ruộng đất của địa chủ để chia cho dân nghèo. Vậy mà nay, ruộng đất đã giao cho nông dân, nhưng lại có hiện tượng xin trả lại, tại sao?

 
Trồng lúa không có lãi, nhiều nơi bà con nông dân
 chuyển sang trồng màu
 
Tin nông dân xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, Hải Dương xin trả lại ruộng canh tác được giao đăng trên một số báo trong thời gian gần đây đang được nhiều người quan tâm. Trước hết phải nói rằng, đây là hiện tượng có thật và rải rác trong mấy năm gần đây ở một số địa phương trong tỉnh Hải Dương, nhưng không phải là phổ biến, số liệu sau đây cho thấy: trong tổng số 148 ha đất canh tác ở 37 xã thuộc 8 huyện bị bỏ hoang (có thể 1 vụ, hoặc cả 2 vụ) trên toàn tỉnh so với tổng số 62 ngàn ha đất canh tác cả tỉnh thì không phải là lớn (= 0,2%). Riêng ở xã Lam Sơn có 7 hộ làm đơn xin trả một phần ruộng đều là những trường hợp đặc biệt do không có sức lao động và chiếm tỷ lệ nhỏ trong số lao động trong xã. 
 
Nguyên nhân tình trạng này do đâu? 
 
Nguyên nhân đầu tiên là do hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp ngày càng thấp, sản xuất lúa không có lãi. Thực tế cho thấy, nhưng năm đầu sau khi giao ruộng 03, những hộ dân không có sức lao động hoặc họ có việc làm khác có thu nhập cao hơn, họ cho hộ khác "cấy rẽ” và lấy về 80-100 kg thóc/vụ (tức là khoảng 40-50% sản lượng), vậy mà không có hiện tượng bỏ hoang. Dần dà, tỷ lệ này cứ giảm dần (tùy từng nơi), và cho đến nay hầu hết nông dân không muốn nhận ruộng "cấy rẽ” của hộ khác nữa, nhiều nơi cho không ruộng. Mặt khác, khi giao ruộng 03 ở mỗi địa phương có từ  3% đến 5% tổng diện tích được xã để lại làm ruộng công điền, diện tích này cũng được giao khoán cho các hộ nông dân có nhiều sức lao động nhận sản xuất và trả hoa lợi cho ngân sách xã, lúc đầu còn "tranh nhau” nhận, nhưng nay cũng đang trả lại dần hoặc mức trả hoa lợi cho xã thấp dần đi. Điều đó cho thấy, sản xuất lúa ngày càng không có lãi, dẫn đến người nông dân không thiết tha với đồng ruộng.
 
Nguyên nhân thứ hai, sức lao động trong nông nghiệp ngày càng thiếu. Nguyên nhân này thoạt đầu nghe có vẻ vô lý, nhưng đó lại là sự thật. Ngày nay, tỷ trọng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghịêp ngày càng cao, đã có máy làm đất thay trâu gần 100%, máy tuốt lúa 100%, máy gặp liên hợp ngày một nhiều, máy cấy đã bắt đầu xuất hiện, tưới tiêu chủ động, kỹ thuật canh mới cũng giảm nhiều công lao động, như gieo mạ  trên sân, gieo sạ trực tiếp, diệt cỏ bằng thuốc,...tất cả nhưng điều đó dẫn đến công lao động trực tiếp trong sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích giảm đi đáng kể. Và như vậy lao động trong khu vực nông thôn ngày càng dư thừa. Vậy mà lại nói là thiếu lao động. Đúng như vậy, hiện nay chưa có số liệu điều tra chính thức, nhưng trên thực tế về nông thôn mới thấy, lao động nông nghiệp đến 90% là nữ và người lớn tuổi, còn lao động nam hoặc nữ trẻ tuổi hầu như đi làm những việc khác "phi” nông nghiệp, như: đi "làm công ty”, đi làm thợ xây dựng, các công việc khác, thậm chí nhiều vùng còn đi vào miền Nam, Tây Nguyên làm thuê, thuê nương rẫy làm cà phê, thuê đất nuôi tôm, cá,... nói chung là có rất nhiều hình thức mà lao động nông nghiệp ở Hải Dương có thể đi làm ngoài quê hương mình. Do đó, trên thực tế lao động nông nghiệp đang thiếu, nhất là lúc thời vụ một số công việc phải thuê người làm với giá cao, dẫn đến chi phí sản xuất cao, không có lãi.
 
Nguyên nhân thứ ba, do biến động lao động, sau 20 năm giao ruộng đất cho nông dân, nhiều người không còn trong độ tuổi, không còn khả năng lao động nhưng vẫn có ruộng, một bộ phận lao động trẻ lại đi làm những việc phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn. Vì thế họ không mặn mà với đồng ruộng, có chăng chỉ là sản xuất để có hạt gạo cho chắc ăn, còn chi tiêu đều trông chờ vào thu nhập của lao động bên ngoài.
 
Nguyên nhân thứ tư, ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến chi phí sản xuất cao. Ở Hải Dương, sau khi giao ruộng 03 cũng đã một lần vận động nông dân dồn ô đổi thửa để số thửa trên một hộ ít đi (từ 7-10 thửa, xuống còn 3-4 thửa/hộ), nhưng trên thực tế những thửa rộng nhất cũng chỉ vài ba sào (rất ít có thửa ruộng hàng mẫu). Mà diện tích nhỏ lẻ, manh mún như vậy thì không thể nào sản xuất có hiệu quả cao được. Thực tế sản xuất nông nghiệp trên thế giới đã chứng minh, chi phí sản xuất tỷ lệ nghịch với quy mô diện tích đất đai. Nghĩa là quy mô sản xuất càng lớn, chi phí sản xuất càng nhỏ.
 
Nguyên nhân thứ năm, tư tưởng ích kỷ còn đè nặng ở không ít nông dân, đó là không làm được nhưng chẳng muốn ai hơn. Lẽ ra mình không có sức lao động thì hoặc cho bà con khác mượn ruộng, hoặc cho thuê lại với giá phải chăng, nhưng không- thà bỏ hoang còn hơn cho mượn, cho thuê làm hỏng ruộng. Dẫn chứng là đã có nhiều nơi, nhiều lao động trẻ muốn mượn hay thuê ruộng tạo thành một vùng tập trung để trồng cây vụ đông, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhưng không thể vận động cùng lúc hàng trăm hộ dân cho mượn hay thuê để có vài chục mẫu ruộng được. Hoặc có một chủ danh nghiệp người nước ngoài muốn thuê 30 đến 50 ha đất trong vòng 5 năm để sản xuất tập trung một loại cây, và họ thuê lại lao động tại chỗ, nhưng đàm phán mãi cùng không thành và cứ đòi giá thuê rất cao.
 
Có thể nói, hiện tượng nông dân trả lại ruộng là một "thách thức” đối với các cấp ủy Đảng,  chính quyền không chỉ ở Hải Dương. Nếu không có giải pháp nó sẽ trở thành phổ biến gây nên những hệ lụy xã hội không nhỏ ở nông thôn.
 
Cơ hội và những giải pháp
 
Bên cạnh những thác thức là những cơ hội, là thời cơ để đưa ra những giải pháp tích tụ ruộng đất, dồn ruộng cho những người có sức lao động, có vốn, có kiến thức làm nông nghiệp để sản xuất ra những nông sản hàng hóa với giá thành hạ. Tôi cho rằng cần sớm có những giải pháp sau đây:
 
- Thứ nhất, thực hiện việc dồn điền đổi thửa tạo vùng sản xuất tập trung. Hiện nay, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, yếu tố khách quan đặt ra cần phải tiếp tục dồn đổi ruộng để có thửa ruộng to hơn, thuận tiện canh tác. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần vận động và tổ chức để thực hiện cùng với việc quy hoạch lại đồng ruộng, hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng. Ở một số nơi đã làm tốt việc này, điển hình là xã Hùng Sơn, Thanh Miện, nhân dân nhất trí cao dồn đổi ruộng (thực chất là chia lại nhưng vẫn theo số khẩu cũ) và họ đồng tình việc mỗi định xuất ruộng bỏ ra một thước ruộng (24m2) để làm quỹ đất mở rộng đường giao thông nội đồng (thực chất là việc hiến đất).
 
- Thứ hai, vận động nông dân thực hiện các hình thức tích tụ ruộng đất như: cho mượn ruộng, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng có thời hạn, chuyển nhượng một lần,...Những hình thức này đều được pháp luật về đất đai công nhận tính pháp lý. Tuy nhiên, như phân tích nguyên nhân thứ năm trên đây, cần phải có sự tuyên truyền, vận động tích cực của cấp ủy Đảng, đảng viên, các tổ chức chính trị- xã hội, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện để có những vùng sản xuất tập trung thâm canh cao. Tập trung ruộng đất cho những người thật sự có nhu cầu sản xuất, có lao động, kinh nghiệm, có tiền vốn để tổ chức sản xuất, còn những người có việc làm khác, hoặc không còn khả năng lao động thì sử dụng một trong các hình thức chuyển đổi như trên. Đây là một việc làm khó, nhưng có tính cách mạng và phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, do vậy đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
 
Ở một số địa phương đang thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng là một hình thức tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa có chất lượng cao với giá thành hạ.
 
- Thứ ba, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Như phân tích trên đây, do ruộng đất ít, nhỏ lẻ, manh mún nên giá thành sản xuất cao. Muốn nâng cao hiệu quả sản xuất thì ngoài việc tích tụ, tập trung ruộng đất, Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ nông dân thiết thực hơn nữa, từ việc kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp để đảm bảo chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây con,... việc này tự nông dân không thể làm được. Đến việc hỗ trợ về vốn vay, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ. Tức là Nhà nước phải có những chính sách thật "căn cơ” cho khu vực nông nghiệp, nông thôn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp- nông dân - nông thôn.
 
- Thứ tư, tiếp tục tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp, giảm bớt lao động trong nông nghiệp. Trong nhiều giải pháp Nhà nước đang thực hiện, cần chú ý đến giải pháp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, để họ có tay nghề vững vàng họ mới dám "bỏ ruộng” để đi làm việc khác.
 
Hy vọng rằng, những hiện tượng nông dân xin trả ruộng không trở thành phổ biến, và sẽ có những cánh đồng sản xuất lớn với giá thành sản phẩm nông nghiệp ngày càng thấp.
Lương Anh Tế - 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương
 Theo Báo Đại đoàn kết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 136


Hôm nayHôm nay : 43147

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1246766

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72929475