Đây là các gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, có nhiều sáng kiến, ý tưởng và áp dụng các mô hình mới, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua các mô hình và đầu tư hoạt động có hiệu quả, các thanh niên không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thanh niên, người dân tại địa phương. Qua đó, cổ vũ thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, đóng góp tích cực cùng địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Trong số đó, có các gương điển hình như: anh Bùi Minh Thắng (huyện Củ Chi) làm giàu với trại cung cấp phôi nấm cho thị trường. Bên cạnh việc mở rộng quy mô trại nấm từ diện tích 100 m2 ban đầu lên 700 m2, anh Thắng đầu tư thêm nhiều trang thiết bị mới để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng nấm như: máy phun sương, máy tự động điều chỉnh nhiệt độ nhà trại, lò hấp phôi, lò áp suất, phòng nuôi cấy meo giống…
Mỗi ngày trại nấm của anh Thắng cho ra lò khoảng 3.000 túi phôi, nhờ áp dụng kỹ thuật và máy móc hiện đại nên tỷ lệ phôi hư giảm từ 5% thời gian đầu xuống còn 3%/1.000 phôi. Như vậy, mỗi tháng trại nấm xuất ra thị trường khoảng 70.000 - 80.000 túi phôi.
Doanh thu đạt được 350 triệu đồng/tháng, trong đó lợi nhuận là 150 triệu đồng. Cơ sở của anh Thắng cũng tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Từ việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp đến ứng dụng tốt kỹ thuật vào nuôi trồng đã giúp anh Lâm Hải Sơn (huyện Củ Chi) đạt được những thành công nhất định khi lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Anh Sơn khởi nghiệp từ năm 2006 từ 3 con bò sữa, dần dần anh đã đầu tư phát triển đàn bò lên 20 con.
Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục lựa chọn và đầu tư trồng thêm lan mokara trên mảnh đất vườn có sẵn. Dù thất bại ngay từ khi trồng 700 gốc lan đầu tiên, nhưng không nản chí anh tiếp tục đầu tư trồng mới thành công 800 gốc lan và đến nay, vườn lan đã phát triển lên 1.500 gốc.
Song song đó, anh còn đầu tư chăn nuôi lợn và trồng 3.000 m2 cây cao su. Từ những mô hình mà anh thực hiện đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, trung bình mỗi tháng anh lãi từ 20-30 triệu đồng, tạo thêm việc làm cho 2 thanh niên tại địa phương, với thu nhập mỗi tháng từ 3-4 triệu đồng/người.
Chị Lê Thị Mỹ Nữ (huyện Hóc Môn) bắt đầu sản xuất kinh doanh bánh tráng từ năm 2016 đến nay. Sau hơn một năm hoạt động, cơ sở sản xuất của chị mở rộng quy mô diện tích lên 6.000 m2, sản xuất sản phẩm phân phối tại chợ và các tiểu thương bán lẻ. Doanh thu tại cơ sở của chị Nữ đạt khoảng 600 triệu đồng/năm, sau khi trừ các chi phí còn lợi nhuận là 360 triệu đồng.
Đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, đặc biệt góp phần cùng thành phố thực hiện các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua tổ chức Đoàn – Hội Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên nông thôn làm kinh tế, từ học nghề, tập huấn kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật cho đến trợ vốn sản xuất kinh doanh…
Từ đó khuyến khích, hỗ trợ thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều thanh niên đã mạnh dạn đầu tư thực hiện những mô hình mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nuôi trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao./
Theo báo bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn