Ông Vương Tiến Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (bên phải) thảo luận kỹ thuật thu hoạch với chủ nhiệm HTX Bùi Trọng TrungChính sách tích tụ đất đai – đòn bẩy cho hợp tác xã Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ rau ôn đới, trái vụ của thị trường Hà Nội và một số thành phố lớn cũng như tiềm năng đất đai, khí hậu của Sa Pa, năm 2012, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mai Anh có ngành nghề chính là sản xuất và kinh doanh rau, hoa, củ quả được thành lập với 07 thành viên, vốn điều lệ là 800 triệu đồng, trụ sở tại thôn Giàng Tra, xã Sa Pả, huyện Sa Pa.
Khi mới thành lập, HTX gặp muôn vàn khó khăn như: Đất sản xuất manh mún, khó dồn điền đổi thửa; thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường; trình độ canh tác của xã viên chưa cao. Mặt khác theo Luật Đất đai năm 2013, điều kiện để doanh nghiệp, HTX được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án quy mô lớn trong nông nghiệp rất phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà, chưa có quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp, HTX thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của nông dân. Thời gian thuê đất không được lâu dài, thiếu ổn định, giá thuê ngày càng cao. Do vậy diện tích sản xuất ban đầu là chỉ được 03 ha, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong huyện và trong tỉnh do chưa được đầu tư bao bì, nhãn mác và chứng nhận sản xuất theo các quy trình an toàn.
Trước những khó khăn như vậy, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản xây dựng cánh đồng lớn. Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 phê duyệt quy hoạch cánh đồng lớn tỉnh Lào Cai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, rồi trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các chính sách trên như một luồng gió mới, nhanh chóng được các doanh nghiệp, HTX đón nhận. Không nằm ngoài sự vận động chung, với cách làm sáng tạo, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân HTX nông nghiệp Mai đã phối hợp với chính quyền các xã vận động các hộ tham gia vào các tổ liên kết sản xuất. Đến tháng 8 năm 2019, đã có 264 hộ dân tham gia liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 80 ha, vùng trồng mở rộng ra các xã Tả Phìn, Trung Chải, Bản Phùng (dự kiến đến hết năm 2020 HTX sẽ có quy mô lên 750 hộ, diện tích đạt 160ha) sản xuất chuyên canh. Trong đó 29,82 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất bình quân đạt trên 45 tấn/ha/năm, sản lượng ước đạt trên 3.500 tấn/năm. Toàn bộ diện tích đất trồng rau được tập trung thành các vùng trồng các cây chuyên canh có năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết sản phẩm của HTX được đóng gói, dán tem và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội, Bắc Ninh và một số tỉnh, thành phố lớn.
Với thành quả đạt được, năm 2019, vốn điều lệ của HTX là 1,5 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2012. Doanh thu qua các năm đều có sự tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu năm 2016 của HTX đạt 3,5 tỷ đồng, năm 2018 tăng lên 4,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1,5 tỷ đồng. Thu nhập của các hộ xã viên ngày một tăng, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giả. Người dân có việc làm ổn định, nhận thức được nâng cao rõ rệt, sản xuất theo tổ nhóm đã góp phần thay đổi thói quen sản xuất truyền thống của nông dân nơi đây.
Góp vốn bằng quyền sử dụng đất - mối liên kết bền chặt Từ những thành công bước đầu, với nhận thức sâu sắc rằng: Hình thức tập trung đất đai của HTX là liên kết với các hộ gia đình có đất trong vùng quy hoạch thông qua các tổ hợp tác dưới sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, như vậy người dân không lo mất đất, đây chính là tâm lý thường thấy ở người nông dân. HTX nông nghiệp Mai Anh đã từng bước tháo gỡ nút thắt này, và đây chính là mấu chốt đã quyết định thành công của HTX.
Việc HTX liên kết với người dân thông qua các tổ nhóm sản xuất là một hướng đi mới, đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình sản xuất, các thành viên trong nhóm có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra chéo lẫn nhau trong quá trình sản xuất, việc này đã giải quyết được vấn đề tồn tại nhiều năm qua của sản xuất hàng hóa, đó là chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.
Ruộng rau của HTX Mai Anh do các xã viên chăm sóc. Đánh giá về hoạt động của HTX Mai Anh, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc sở NN&PTNT cho biết: Mô hình tập trung đất đai để của HTX Nông nghiệp Mai Anh là rất hiệu quả và phù hợp với đặc thù là một tỉnh miền núi như Lào Cai, khác với việc tích tụ đất đai còn gặp nhiều khó khăn do các quy định về thủ tục chuyển nhượng, thuê đất còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp; do các quy định về hạn điền, về chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đặc biệt là khó vận động người dân dồn điền, đổi thửa, góp đất tham gia sản xuất cũng gây nhiều trở ngại khi thực hiện các mô hình sản xuất hàng hóa.
Mô hình đã giải quyết được vấn đề về đầu vào và đầu ra và liên kết tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, việc tập trung diện tích đất sản xuất nông nghiệp đủ lớn như mô hình của HTX Nông nghiệp Mai Anh là yếu tố quan trọng để giải quyết các vấn đề như: Tập trung được đất đai thông qua xã viên góp đất; áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tăng năng suất, quản lý được chất lượng sản phẩm nông sản; thay đổi nhận thức và tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội (người dân trực tiếp sản xuất, không đi làm thuê, giảm tệ nạn xã hội, tăng thu nhập); giúp người dân thấy yên tâm, thỏa mái hơn vì không sợ doanh nghiệp đến “lấy mất đất”.
Bài toán về tập trung đất đai đã có lời giải thỏa đáng, trong thời gian tới để phát huy và nhân rộng mô hình của HTX nông nghiệp Mai Anh, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần quyết liệt vào cuộc hỗ trợ các HTX từ công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia, hỗ trợ lãi suất vốn vay, giảm bớt các điều kiện, thủ tục hồ sơ vay vốn, cho vay bằng tín chấp hoặc bằng tài sản hình thành từ vốn vay… tiếp tục quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại, có đánh giá dự báo thị trường chính xác./.
Theo Hoàng Quốc Bảo/Laocai.gov.vn