HTX Nông nghiệp Hương Việt (TP Uông Bí), một trong 6 HTX nông nghiệp của tỉnh bước đầu ứng dụng một phần sản xuất công nghệ cao. Trong 288 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện chỉ có khoảng 52 HTX có ứng dụng kỹ thuật canh tác, công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, căn cứ tiêu chí phân loại ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo quy định của Bộ NN&PTNT thì chưa có HTX nào đáp ứng được các tiêu chí mà chỉ có 6 HTX bước đầu ứng dụng một phần sản xuất công nghệ cao. Bởi lẽ, các HTX mới chỉ áp dụng KHCN ở một số khâu, như: Sử dụng giống mới, giống chất lượng có nguồn gốc xuất xứ; dùng màng phủ ni lông; cơ giới hóa khâu làm đất; ứng dụng công nghệ nhà lưới; tưới tiết kiệm nước; bảo quản sản phẩm áp dụng máy móc bán tự động.
Không chỉ yếu về công nghệ, các HTX còn yếu cả trong khâu tiêu thụ. Hiện chỉ có một số HTX thực hiện ký hợp đồng liên kết trong sản xuất với doanh nghiệp, như: HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều); HTX Nông nghiệp Hồng Hải và HTX Nông nghiệp Hà Tân (TP Hạ Long); HTX Phát triển Đình Trung (huyện Bình Liêu); HTX Thương mại dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Đức Thịnh (huyện Đầm Hà); HTX DVNN tổng hợp Trường Sơn (huyện Đầm Hà)... Những doanh nghiệp đã mạnh dạn nghiên cứu thị trường, chủ động kết nối với các doanh nghiệp để tiếp thị sản phẩm. Ngoài những đơn vị trên, số HTX nông nghiệp có hoạt động liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rất ít, dẫn đến việc tiêu thụ có lúc còn bấp bênh, giá cả hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường. Trong khi đó, việc đưa các sản phẩm vào những doanh nghiệp có kênh tiêu thụ rộng lớn, ổn định như: Vinmart, BigC thì gần như không có. Nguyên nhân chủ yếu là các HTX chưa có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán hợp đồng, thiếu phương tiện vận chuyển thích hợp để thu mua sản phẩm tại đồng ruộng và không có kho để dự trữ, bảo quản.
Khách hàng tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP của tỉnh tại siêu thị Big C Hạ Long. Bà Phạm Nữ, Giám đốc Trung tâm thương mại BigC Hạ Long, cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao sản phẩm nông sản của tỉnh, nhất là những sản phẩm đạt sao của chương trình OCOP. Tháng 8/2019, BigC Hạ Long đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội nghị kết nối để thu mua thêm 89 sản phẩm OCOP vào tiêu thụ tại hệ thống BigC Việt Nam. Tuy nhiên, qua làm việc trực tiếp với đại diện các HTX cho thấy, năng lực của các HTX rất yếu, không chủ động hoàn thiện hồ sơ, tem nhãn sản phẩm nên gần như các quy định liên quan đến quy cách sản phẩm không đủ điều kiện để đưa vào tiêu thụ tại hệ thống. Tính đến thời điểm này, mới có 5/89 sản phẩm hoàn thiện hồ sơ để đưa hàng vào hệ thống.
Trong khi đó, theo Kế hoạch số 228/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao và HTX liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp, đến năm 2020, toàn tỉnh có 30 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ nông sản. Trong đó, mỗi địa phương có ít nhất 3 HTX ứng dụng công nghệ cao và trên 30% HTX ứng dụng các công nghệ 4.0, công nghệ sinh học; xây dựng ít nhất 8 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; các HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả trên 90%...
Ông Dương Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), cho biết: Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đồng ý cho thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 6 HTX nông nghiệp; ban hành chính sách khuyến khích phát triển hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2017-2020; huy động nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển HTX... Tuy nhiên, các HTX không nên quá trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà cần xác định trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu không có sự liên kết sẽ không có chỗ đứng, không có sự đầu tư về công nghệ sẽ không có khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý và chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm thì các HTX sẽ không tránh khỏi việc “dậm chân tại chỗ” và đối mặt với nguy cơ thất bại.