Báo cáo tại hội nghị cho biết, hoạt động khuyến nông gắn liền với công tác xây dựng các mô hình trình diễn, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật… Nhiều mô hình khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư, nên việc nhân rộng các mô hình khuyến nông tiên tiến gặp không ít khó khăn.
Từ thực tiễn đó, ngày 27.2.2002, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 26/2002/QĐ-UB ban hành “Quy chế về quản lý và sử dụng Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội”.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Thủy (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) được vay vốn 200 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội để chăn nuôi 30 con bò sữa, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
Quỹ ra đời đã tạo thêm một kênh tài chính ưu đãi, giúp cho các chủ trang trại, các hộ sản xuất được vay vốn với mức phí thấp để đầu tư mở rộng sản xuất. Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 6.2017, Quỹ đã giải ngân cho 3.095 lượt hộ vay, với số vốn quay vòng là 507,860 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay để phát triển chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất với 49,66% tổng số hộ vay và 50,88% tổng số vốn đã giải ngân. Ngành trồng trọt có tỷ lệ hộ vay vốn thấp nhất, chiếm 9,95% tổng số hộ vay vốn và chiếm 12,03% tổng số vốn đã giải ngân.
Những năm qua, hoạt động của Quỹ đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của người dân. Tạo việc làm thường xuyên cho 9.000 lao động nông thôn với mức thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng, đồng thời, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường. Đáng chú ý, từ nguồn vốn vay ưu đãi của quỹ đã góp phần tạo ra 4.999 tỷ đồng giá trị sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.
Hình thành nhiều mô hình thu nhập cao
Cũng theo bà Hương, thời gian qua, hoạt động của Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã góp phần khai thác các tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề, tiềm năng về khoa học kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng các mô hình khuyến nông có hiệu quả thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung cho giá trị thu nhập từ 250 – 450 triệu đồng/ha/năm.
Anh Nguyễn Duy Hưởng (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì) dẫn đoàn cán bộ khuyến nông thămmô hình nuôi thủy sản của gia đình. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
Điển hình như một số mô hình tại vùng trồng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Đông Ngạc, Đại Mỗ (Nam - Bắc Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, đặc biệt vùng chuyển đổi chăn nuôi - thủy sản xã Liên Châu, huyện Thanh Oai… Đáng chú ý, đã có một số mô hình điểm cho thu nhập tới 400 triệu đến trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Trong những năm tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tiếp tục nâng hiệu quả hoạt động Quỹ Khuyến nông; tăng cường các khoản cho vay phát triển cơ giới hóa, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu các mô hình vay vốn từ quỹ đạt giá trị sản phẩm hàng hóa bình quân từ 300 - 350 triệu đồng/ha canh tác/năm; xây dựng những mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha canh tác/năm. |
Phát biểu tại hội nghị, TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao những thành tích Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội đã đạt được trong 15 năm qua.
Bà Hạnh khẳng định, đây là địa chỉ vay vốn tin cậy của bà con nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và lưu ý, trong thời gian tới cần có các cơ chế thuận lợi hơn nhằm giúp người dân tăng nguồn vốn trong sản xuất, tăng cường các khoản cho vay phát triển cơ giới hóa, ưu tiên các mô hình áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; các chuỗi liên kết sản xuất, mô hình chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch…
Bên cạnh đó, cần quan tâm, hỗ trợ cho vay đối với nhóm đối tượng nghèo và cận nghèo, chứ không chỉ tập trung cho vay đối với những hộ nông dân, chủ trang trại có tiềm lực, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có thể được hưởng lợi từ nguồn vốn quỹ. /.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn