Nội dung trọng điểm trong Dự án Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai tại Việt Nam lần này là hướng đến tăng cường năng lực lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch quản lý lũ tích hợp ở cấp Trung ương cũng như các tỉnh đối tượng của dự án như: Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế.
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Mặc dù đối tác chính của dự án ở cấp Trung ương là Bộ NN&PTNT, nhưng dự án cũng sẽ được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện phân tích các số liệu khí tượng thủy văn nâng cao hiệu quả ứng phó với thiên tai.
Các chuyên gia cho rằng: Dự án Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai tại Việt Nam - giai đoạn II có thuận lợi là có thể tận dụng các thành quả và bài học kinh nghiệm từ Dự án giai đoạn I từ năm 2009 đến năm 2012 - ở các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, ở giai đoạn II, dự án không chỉ chú trọng đến hoạt động ở các tỉnh miền Trung mà còn nhằm nâng cao năng lực lập kế hoạch và thực hiện quản lý lũ tích hợp ở cấp Trung ương. Do vậy, sự phối hợp giữa Trung ương - địa phương và các cơ quan liên quan là rất cần thiết.
Nhật Bản từ lâu đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với thiên tai. Để có thể nâng cao hiệu quả hợp tác của dự án này, ông Motonori Tsuno - Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tại Việt Nam cho biết: Việt Nam cần hỗ trợ phía Nhật Bản nghiên cứu tình hình, đặc điểm thiên tai ở Việt Nam để có thể áp dụng các kinh nghiệm, công nghệ từ Nhật Bản một cách hợp lý. Với mục đích đó, trong khuôn khổ của dự án, các chuyên gia Nhật Bản sẽ được cử đến Việt Nam để trực tiếp chuyển giao công nghệ và nhân sự. Bên cạnh đó, đối tác Việt Nam cũng được cử đi đào tạo ở Nhật Bản để học tập và tham khảo các mô hình đang được áp dụng tại Nhật Bản.
HỒNG NHUNG
Theo qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn