Giống cam Xã Đoài thơm ngon nức tiếng được du nhập lần đầu tiên vào vùng đất Nghệ An, sau đó được nhân rộng và dần "di cư" tới nhiều nơi khác, trong đó có vùng đồi Cao Phong, Hòa Bình. Mặc dù mới bén rễ ở vùng đất này khoảng 20 năm nhưng giống cam Xã Đoài trên đất đồi Cao Phong cũng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị thơm ngọt riêng.
Cam Xã Đoài trồng ở Cao Phong, Hòa Bình phân hóa thành 2 dòng mới là cam Xã Đoài cao và cam Xã Đoài lùn.Vụ cam rơi vào khoảng tháng 11, 12 Âm lịch, thời điểm cận Tết Nguyên đán.
|
Trái cam Xã Đoài thơm ngon nức tiếng trồng tạivùng đất Cao Phong, Hòa Bình. Ảnh: camcaophong. |
Khác với giống cam Xã Đoài được trồng tại khu vực Nghệ An vỏ mỏng đều, mịn và có màu vàng tươi khi chín, để lâu sẽ chuyển dần sang màu vàng sẫm, cam Xã Đoài trên vùng đồi Cao Phong khi chín có màu đỏ sậm tươi tắn, vỏ tỏa mùi thơm thoang thoảng. Mặc dù phần xơ khá nhiều nhưng ruột cam lại mọng nước, màu vàng óng, vị ngọt thanh dễ chịu.
Cam sau khi được cắt để qua ngày, lá và vỏ quả có thể bị héo nhưng chất lượng ruột và độ thơm ngon hầu như không thay đổi.Nhiều năm qua, cam Xã Đoài cùng với cam lòng vàng, cam ruột đỏ, cam Canh… đã phủ khắp vùng đồi Cao Phong trên diện gần 20.000 ha, góp phần vào tổng sản lượng 3.000 tấn cam toàn vùng mỗi năm.
Nếu trước đây, cam Xã Đoài chủ yếu được trồng và chăm sóc theo lối canh tác truyền thống thì những năm trở lại đây, nhiều hộ trồng cam đã chuyển đổi mô hình sang canh tác cam sạch, an toàn. Theo đó, cùng với nguồn cây giống chất lượng thì quy trình sử dụng phân bón, thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật cũng được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo an toàn cho sản phẩm, cho đất và cả người trồng. Đây cũng là nỗ lực không nhỏ của các chủ vườn trong việc đảm bảo chất lượng và thương hiệu cam ngon Cao Phong.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn