Cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn huyện Bình Liêu thực hiện đóng gói sản phẩm miến dong Bình Liêu. Huyện Bình Liêu hiện có 26 sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực nằm trong chương trình OCOP. Trong đó, có một số sản phẩm chủ lực đã có thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng, như: Miến dong, mật ong, rượu men lá, tinh dầu bưởi...
Để hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn, huyện Bình Liêu đã nhanh chóng khởi động chương trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Trong đó, chú trọng thành lập Ban điều hành OCOP, vận động nhân dân tham gia chương trình, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và chất lượng của địa phương. Đồng thời, chủ động vận dụng, áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất, như: Ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ phát triển sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đầu tư xây dựng trung tâm và điểm bán hàng OCOP; xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông phẩm của huyện...
Ông Lục Mạnh Thường, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bình Liêu, cho biết: Hiện nay, cùng với phát triển sản phẩm miến dong, tiến tới phát triển bền vững thành sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, huyện cũng quan tâm phát triển, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm từ cây sở. Đồng thời, khai thác vẻ đẹp tự nhiên của rừng sở mùa nở hoa để tạo thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Bình Liêu. Huyện cũng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển các sản phẩm nông sản địa phương, nhằm tăng gia sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường, tạo năng lực cạnh tranh hội nhập cho các sản phẩm...
Huyện Bình Liêu đang tập trung tạo nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm "Mật ong Bình Liêu". Ngoài ra, huyện cũng đã phối hợp với Sở Du lịch, Sở Công Thương kêu gọi các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn sử dụng nông sản của địa phương; tiếp tục mở rộng điểm bán lẻ, bán buôn, đưa các sản phẩm địa phương tham gia các hội chợ, tuần lễ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP...
Mới đây, huyện đã phê duyệt nhiệm vụ tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Bình Liêu” và “Dầu sở Bình Liêu" và phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ khảo sát, tạo lập nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Mật ong Bình Liêu” và “Dầu sở Bình Liêu”...
Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Thời gian qua, huyện đã triển khai đồng loạt các quy trình hỗ trợ, tạo lập nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản. Qua đó, nâng cao được nhận thức của tổ chức, cá nhân về xác lập, khai thác, quản lý và phát triển thương hiệu, tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản hàng hóa của huyện phát triển theo hướng bền vững và có điều kiện tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Thời gian tới, huyện tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản bằng việc chủ động đưa công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo thương hiệu cho sản phẩm địa phương và góp phần tạo điều kiện cho người sản xuất thu được giá trị cao, bền vững.