Ảnh: VGP/Thành Chung
Luật HTX 2012 có hiệu lực ngày 1/7/2013 đã tạo khung pháp luật cơ bản thúc đẩy phát triển HTX. Sau hơn 4 năm triển khai, KTTT mà nòng cốt là HTX bước đầu chuyển biến về chất lượng, hiệu quả; hệ thống văn bản pháp luật cơ bản được Chính phủ, các bộ ngành ban hành để hướng dẫn thi hành luật; các địa phương ban hành nhiều văn bản triển khai thi hành luật và bổ sung cơ chế đặc thù nhằm phát triển KTTT; nhận thức về bản chất HTX dần được khẳng định; sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về KTTT được nâng cao...
Vấn đề triển khai chính sách hỗ trợ HTX như: chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, xúc tiến thương mại - thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; chính sách ưu đãi HTX nông nghiệp... được quan tâm.
Năm 2016, Liên minh HTX Việt Nam phát động cuộc thi Tìm hiểu Luật HTX 2012 và mô hình HTX kiểu mới. Kết quả, 63/63 tỉnh, thành tham gia với trên 100.000 bài dự thi, trong đó Hà Tĩnh, Kon Tum... có hàng vạn bài tham gia.
Tính đến 31/12/2016, cả nước có 19.569 HTX, 43 liên hiệp HTX với 6.252.416 thành viên. Theo báo cáo có 15.606 HTX phải chuyển đổi lại theo Luật HTX 2012 và hiện 13.094 HTX đã chuyển đổi, đăng ký lại (đạt 83,9%), 338 HTX đã chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác, còn 2.036 HTX chưa chuyển đổi. Từ 2013 đến 31/12/2016, cả nước thành lập mới 5.641 HTX, giải thể 4.832 HTX...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung
Do điều kiện khác nhau nên tình hình phát triển, chuyển đổi HTX giữa các vùng không đồng đều. Vùng đồng bằng Sông Hồng tập trung nhiều HTX nhất, vùng Tây Nguyên tập trung ít nhất; một số tỉnh miền núi phía Bắc tỷ lệ chuyển đổi chưa cao trong khi một số tỉnh, thành miền Nam, Tây Nguyên đã cơ bản hoàn thành...
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương cũng phân tích những tồn tại như: khu vực KTTT còn nhiều khó khăn, phong trào KTTT phát triển chưa tương xứng tiềm năng; một số quy định chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc hướng dẫn nhưng chưa khả thi nên khó triển khai; Luật HTX 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP quy định 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX nhưng thực tế các chính sách đi vào cuộc sống không nhiều; việc tuyên truyền, phổ biến luật HTX chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; một số địa phương không có chính sách hỗ trợ HTX; chưa xây dựng nhiều mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn; đa số HTX vốn ít, thiết bị lạc hậu, quy mô nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết; một số HTX đăng ký lại còn hình thức; bộ máy QLNN về KTTT còn phân tán...
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ban, ngành cần nghiên cứu, khắc phục những bất cập các quy định trong Luật HTX 2012 để phù hợp với thực tiễn; tiếp tục triển khai tốt Luật HTX 2012, đưa luật đi sâu vào cuộc sống.
Ảnh: VGP
Theo đó, Bộ KH&ĐT cần xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cơ sở thông tin quốc gia về HTX, xây dựng chiến lược phát triển KTTT, HTX đến 2030 để có định hướng, chính sách tổng thể lâu dài; Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi về thuế riêng cho các HTX; Bộ NN&PTNT trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách hỗ trợ liên kết hợp tác sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ngân hàng Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho HTX vay vốn; Bộ KH&CN nghiên cứu, đề xuất cơ chế riêng để HTX tham gia chương trình hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Bộ TN&MT nghiên cứu cơ chế, chính sách để các HTX được hỗ trợ về đất và cấp GCNQSDĐ cho các HTX...
Ngoài ra, cần tuyên truyền sâu rộng về Luật HTX 2012, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thi hành luật HTX 2012; nâng cao hiệu quả QLNN với HTX gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX; xây dựng mô hình HTX mới; nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong phát triển KTTT; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong phát triển KTTT.
Sau hội nghị, giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp, tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn thiện báo cáo để gửi Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, đơn vị.
Thi hành Luật HTX 2012, Hà Tĩnh đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách chỉ đạo triển khai kịp thời, đồng bộ. Hà Tĩnh hiện có 4 liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.310 HTX; có 120 HTX sản xuất chuỗi giá trị. Công tác chuyển đổi HTX được Hà Tĩnh triển khai quyết liệt. Tỉnh có 600 HTX thành lập trước 1/7/2013, trong đó 154 HTX phải chuyển đổi sang loại hình khác. Có 446 HTX cần chuyển đổi, trong đó đã chuyển đổi 430 HTX (đạt 96,4%), còn 16 HTX chưa chuyển đổi. Từ 2013 đến nay, Hà Tĩnh giải thể 228 HTX, có 69 HTX ngừng hoạt động đang chờ làm thủ tục giải thể, 1 HTX không giải thể được do nợ tồn đọng và xử lý tài sản... Thời gian tới, tỉnh sẽ ban hành Đề án phát triển KTTT tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo, trong đó rà soát bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển KTTT đảm bảo thiết thực, hiệu quả; rà soát, phân loại, đánh giá toàn diện hoạt động các HTX, kiên quyết giải thể hoặc chấm dứt hoạt động các HTX yếu kém; xác định các HTX kiểu mới, điển hình để nhân rộng; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; đổi mới nhận thức về phát triển KTTT, tiếp cận theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả làm thức đo, không chạy theo số lượng... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn