05:13 EST Thứ bảy, 28/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Khát vọng đổi đời bên sông Hồng

Thứ bảy - 14/10/2017 18:51
Từ vùng đất hoang, cỏ, lau mọc um tùm, bãi bồi ven sông Hồng thuộc quận Long Biên, TP Hà Nội giờ đã biến thành vườn cây sum suê trái ngọt. Chủ nhân của các nông trại, trang trại ấy đến từ nhiều tỉnh lân cận Hà Nội như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Họ đã tìm ra hướng đi mới để dần dần thực hiện khát vọng đổi đời khi ra Thủ đô mưu sinh.

Anh Nguyễn Đình Tá thu hoạch chuối

 

Ra bãi bồi kiếm sống

Lao xe xuống chân đê, men theo con đường đất ngoằn ngoèo dẫn ra bãi bồi ven sông Hồng, thuộc phường Cự Khối, quận Long Biên, chúng tôi gặp một người đàn ông đang thu hoạch chuối. Qua trò chuyện, được biết, anh là Nguyễn Đình Tá, sinh năm 1979 quê ở Khoái Châu, Hưng Yên. Cuộc sống ở quê nghèo khó, ruộng đồng ngày một thu hẹp, chính vì thế năm 2008, anh ra Hà Nội mang theo chiếc xe đạp cà tàng, thuê nhà trọ đi bán hoa quả rong khắp các phố phường.

Vừa lau mồ hôi, vừa nhớ lại quá khứ, anh bảo: “Mấy năm trước mình ra Hà Nội buôn bán hoa quả, tưởng dễ dàng nhưng nào ngờ tiền lãi từ bán hàng rong chỉ đủ thuê nhà, ăn uống. Nghĩ mãi chẳng biết làm gì, may quá lúc đó có người anh họ rủ ra bãi bồi sông Hồng lập nghiệp”.

Năm 2010, anh Tá kéo cả vợ ở quê lên, ra bãi bồi sông Hồng thuê sáu mẫu đất Bắc Bộ (21.600 m2) để trồng cây ăn quả. Anh cho biết: “Thú thật, khi ấy ra nhìn khu đất cũng thấy nản lòng bởi cỏ hoang lau sậy, mọc um tùm, từng đống phế thải của người dân mang ra đổ nằm ngổn ngang. Tiền thuê đất thì đã trả mà không biết rồi có làm nên cơm cháo gì...”.

Thế rồi anh Tá cùng người vợ tảo tần bắt tay vào khai hoang vùng đất tưởng như bỏ đi ven sông Hồng. Dân bãi bồi đánh giá, gia đình anh Tá thuộc dạng liều lĩnh nhất khu. Lúc ra bãi bồi Tá đã vay hơn 700 triệu đồng, trong đó có 500 triệu đồng từ ngân hàng mà anh phải thế chấp sổ đỏ căn nhà của bố mẹ ở quê, cùng hơn 200 triệu đồng vay ngoài với lãi suất cao. Anh cho biết, riêng tiền thuê đất sáu mẫu đã hết 60 triệu đồng/năm, đóng một đợt 5 năm hết đứt 300 triệu đồng, nên phải vay vốn. Đến nay, gia đình anh đã trồng được ba mẫu chuối tây, chuối tiến vua; một mẫu ổi Đông Dư, và hơn 500 cây nhãn giống mang từ Hưng Yên lên. Diện tích còn lại anh trồng đu đủ và cây xanh cho bóng mát, ngoài ra còn nuôi thêm đàn gà vài chục con. Đất bãi bồi rất tốt, phù hợp với trồng cây ăn quả, không phải bón phân nhiều, mà nguồn nước tưới cũng thuận tiện.

Chỉ sau một năm, vợ chồng anh Tá đã khai hoang xong cả sáu mẫu, ổn định đất đai và con giống. Sau ba năm (2010-2013) trả được hết nợ, từ năm 2014 đến nay gia đình đã làm ăn có lãi. Với số cây ăn quả hiện có, hằng năm anh Tá thu về 500 đến 600 triệu đồng, có năm được gần một tỷ đồng. Trừ chi phí (thuê nhân công, mua phân bón, con giống...) mỗi năm bình quân gia đình anh lãi khoảng 400 triệu đồng.

Từ chỗ đi buôn bán hoa quả rong khắp phố phường Hà Nội, giờ đây Nguyễn Đình Tá đã có hẳn một chiếc xe tải riêng để chở hoa quả, thuê hai cửa hàng ở chợ Long Biên. Ngoài ra, anh còn thường xuyên thuê sáu lao động quản lý vườn cây và hai người bán hàng.

Bãi bồi sông Hồng giờ đã trở thành những nông trại, trang trại trù phú.
 

Những trường hợp thuê đất để canh tác và có thu nhập khá như gia đình anh Tá không phải là quá hiếm ở vùng bãi bồi ven sông Hồng. Sát vườn cây ăn quả của anh Tá là khu vườn cây ăn quả rộng bốn mẫu của ông Lê Ngọc Minh, 64 tuổi, mỗi năm thu lãi ổn định khoảng 150 đến 200 triệu đồng. Hay như bà Phạm Thị Hoa, 49 tuổi, quê ở Bắc Ninh, một phụ nữ được dân bãi bồi khâm phục bởi sức lao động bền bỉ và khát vọng làm giàu mãnh liệt. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn, năm 2012, bà Hoa từ quê ra Hà Nội thuê năm mẫu đất bãi bồi ven sông Hồng thuộc phường Long Biên, quận Long Biên để trồng trọt. Cân nhắc mãi, bà quyết định dành hơn một mẫu đất trồng quất cảnh phục vụ Tết, còn lại bà trồng ngô, đậu tương, chuối... Thu nhập của gia đình bà Hoa cũng khá ổn định, hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Tuy có một số khó khăn, vất vả nhưng anh Tá, hay ông Minh, bà Hoa đều khẳng định làm ăn ở bãi bồi vẫn dễ hơn nhiều so với việc mưu sinh tại nội thành. Làm nông ở bãi bồi quả thực trời đã không phụ lòng người. Từ năm 2016, giá thuê đất ở bãi bồi ven sông Hồng đã tăng từ 10 lên 15 triệu đồng/mẫu/năm.

Dù khó khăn vẫn mơ thành miền đất hứa

Hiện nay, thống kê sơ bộ, trên vùng đất bãi bồi sông Hồng rộng hàng chục héc-ta trải dài trên các phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Long Biên và Cự Khối của quận Long Biên có hơn 300 hộ với gần 1.300 nhân khẩu ngoại tỉnh đến thuê đất để mưu sinh. Trong số những hộ dân đã quyết định ra bãi bồi mưu sinh, không phải ai cũng được thuận lợi và thu nhập tương đối cao như anh Tá, ông Minh, hay bà Hoa. Đến khu bãi bồi thuộc phường Ngọc Thụy, chúng tôi thấy cuộc sống của những người ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Gặp chúng tôi ở dưới chân cầu Vĩnh Tuy, bà Lê Thị Hòa, quê ở Ba Vì cho biết: “Gia đình tôi ít vốn cho nên chỉ thuê được mấy sào đất, trồng ít hoa màu. Để có đồng ra đồng vào, ngày ngày tôi vẫn phải đi nhặt phế liệu để bán...”.

Ngoài trồng trọt là con đường chính để thoát nghèo thì một số hộ dân ở bãi bồi sông Hồng đã tìm ra được những hướng đi mới. Gia đình chị Lê Thị Mỹ, sống ở khu bãi bồi sông Hồng đã nhiều năm nay, tích cóp mãi, giờ đã có trong tay vài mẫu đất. Không trồng trọt hết số đất mình có, chị Mỹ đã quyết định san phẳng một khu đất làm sân bóng mi-ni cho thanh, thiếu niên thuê. Với giá thuê từ 60.000 đến 80.000 đồng mỗi giờ, một ngày gia đình chị cũng kiếm được vài trăm nghìn, thậm chí vào dịp cuối tuần đông khách, chị thu về cả triệu đồng. Hiện nay đã có hơn chục sân bóng mi-ni cho thuê như gia đình chị Mỹ, mọc lên ở khu bãi bồi ven sông Hồng.

Tuy cuộc sống đã khấm khá hơn, nhưng tất cả các hộ dân sống ở bãi bồi sông Hồng đều chỉ dựng những căn nhà tạm bợ bằng tre, gỗ, lợp mái phi-prô xi-măng. Họ dựng ngay nhà ở giữa vườn cây trái, hoa màu của mình để tiện trông nom. Ở đây không có điện lưới nên các hộ gia đình muốn dùng phải mua điện từ nhà dân trên bờ với giá từ 5.000 đến 6.000 đồng/số. Một số hộ phải sắm thêm bình ắc-quy, máy kích điện, quạt tích điện... Nước sinh hoạt và ăn uống được mua với giá rất cao từ 80.000 đến 100.000 đồng mỗi mét khối. Nhiều hộ khá giả đã đầu tư khoan giếng bơm tay phục vụ cho nhu cầu tắm rửa, giặt giũ và nấu nướng hằng ngày. Một vài hộ khó khăn vẫn phải sử dụng nước sông để sinh hoạt.

Hiện nay chính quyền địa phương ở phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Long Biên, Cự Khối... đã và đang xây dựng những con đường bê-tông chạy dài từ đê xuống các bãi bồi. Con đường mới mở đã chạy qua những vườn cây ăn trái, sân bóng mi-ni... cho thuê của các hộ dân. Không những thế một số khu vực du lịch sinh thái, câu cá thư giãn đã mọc lên ở vùng đất bãi bồi. Đó thật sự là những tín hiệu rất vui cho cư dân bãi bồi trên con đường thoát nghèo làm giàu của mình không chỉ bằng nông nghiệp, mà sẽ còn là cả bằng dịch vụ, du lịch, giải trí trong tương lai.

Theo ông Lê Văn An, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cự Khối, đất ven sông Hồng là quỹ đất dự phòng, được chia cho các hộ dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn đã có công khai hoang ngày xưa. Người lao động ngoại tỉnh thuê đất phải có hợp đồng rõ ràng với chủ sở hữu; đăng ký tạm trú và chịu sự quản lý của chính quyền phường sở tại; cam kết không vi phạm Luật Đê điều và chỉ được phép trồng trọt, chăn nuôi những hạng mục cho phép; nếu phường có dự án thu hồi thì các hộ dân phải trả lại đất bất kể hợp đồng đã hết hay chưa hết hạn.
Theo nhandan.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 227


Hôm nayHôm nay : 26897

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1227354

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72910063