PGS.TS Phạm Quang Hà |
Thưa ông, qua loạt bài “Sức khỏe” giới khoa học nông nghiệp, báo NNVN nhận được nhiều ý kiến đóng góp của rất nhiều nhà khoa học, mà chung nhất là đến lúc cần một cuộc đổi mới toàn diện trong công tác nghiên cứu khoa học hiện nay?
Chúng tôi theo dõi rất kỹ loạt bài này, cùng chia sẻ, trao đổi, góp ý với nhau, thực sự giới khoa học cực kỳ quan tâm. Với tôi, đây không thể nói là đủ điều kiện chín muồi để đổi mới nghiên cứu khoa học, mà phải nói chúng ta quá rề rà, chậm trễ. Cần bắt tay thực hiện ngay, chứ không ngồi bàn cãi nữa.
Nhà khoa học, trước hết phải là người giỏi, trong đó có những tinh hoa, cần quy tụ được tinh hoa lại phụng sự đất nước. Đã có thời kỳ đất nước đào tạo, quy tụ được rất nhiều tinh hoa, như trong lĩnh vực nông nghiệp có giáo sư Bùi Huy Đáp, các viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, Đào Thế Tuấn, giáo sư Nguyễn Vy, Phan Phải, mỗi người là một “đỉnh núi” trong lĩnh vực của mình, không lẫn vào đâu được…
Có người tự nguyện bỏ nơi làm việc ở nước ngoài nhiều đãi ngộ để về với tổ quốc như viện sỹ Lương Định Của, biết về sẽ rất khó khăn gian khổ nhưng họ hạnh phúc về điều đấy. Nói thế để thấy, để lôi cuốn khoa học, lôi kéo được tinh hoa, còn ở cách hành xử. Tôi nghĩ đa số người làm khoa học không màng nhiều đến tiền bạc, vật chất, họ chỉ cần được tôn trọng, được làm việc theo sở thích, có không gian để họ tự do tư duy sáng tạo, thế là đủ.
Đọc về cuộc sống của anh chị em nghiên cứu nông nghiệp, chúng tôi thực sự buồn, buồn vì cơm áo gạo tiền chỉ một nhẽ, cái buồn sâu xa là dường như chúng ta đang mất động lực. Sự dấn thân, khát khao hoài bão, tôi cho rằng thế hệ hiện nay không được như lớp trước. Đấy là điều đáng tiếc và thực sự đáng lo.
PGS.TS Phạm Quang Hà (bìa trái) trong một cuộc họp đánh giá các nhiệm vụ hợp tác quốc tế của Viện Môi trường Nông nghiệp |
Vậy thì làm thế nào để khơi dậy, những tinh thần khoa học Lương Định Của, Bùi Huy Đáp, Đào Thế Tuấn, Vũ Tuyên Hoàng…, hoặc như thế hệ gần đây là Tạ Minh Sơn, Nguyễn Thị Trâm…, họ không những giỏi kiến thức nền còn say sưa miệt mài ngày ngày chọn giống trên đồng ruộng?
Nền khoa học đặc biệt khoa học nông nghiệp như của nước ta không thể bị phá sản mà phải chăm sóc, xây dựng, từ thế hệ này sang thế hệ khác để phụng sự đất nước này. Chưa kể hàng chục triệu nông dân Việt Nam và cả các nhà hoạch định chính sách, các nhà máy, xí nghiệp rất cần các sản phẩm từ khoa học nông nghiệp, một phần rất lớn của khoa học sự sống. Nhìn rộng ra thế giới cũng vậy. (PGS.TS Phạm Quang Hà) |
Giờ hầu hết cán bộ nghiên cứu khoa học của chúng ta là viên chức thông thường, là nghiên cứu viên chứ không phải nhà khoa học đúng nghĩa. Nhìn thì đội ngũ hùng hậu hàng nghìn người đấy nhưng người nghiên cứu khoa học thật sự không nhiều.
Cần phải thay đổi cách tuyển dụng. Không tuyển người làm nghiên cứu khoa học như thi viên chức mà phải tuyển như nghiên cứu sinh.
Anh xác định vào đây là để nghiên cứu chứ không phải vào để sống, chạy đề tài A, B phết phẩy. Nghĩa là phải tạo được một sân chơi giống nhau, cùng đam mê cùng sở thích cùng chấp nhận con đường nghiên cứu là gập ghềnh gian khổ.
Tất nhiên, có con người tốt đến đâu mà cơ chế không thay đổi, cứ bó buộc nhau cũng không thay đổi được gì. Xã hội, tổ chức phải lo được cho đời sống của họ ít nhất ở mức trung bình khá theo nền chung.
Đánh giá khoa học là đánh giá sản phẩm trí tuệ, có những tác động cụ thể trước mắt cho đến tác động lâu dài. Muốn thế cần không gian riêng trong nghiên cứu khoa học. Lâu nay, việc chứng từ nhiều, ai cũng kêu, kêu mãi có thay đổi được gì đâu, vì quy định cứng nó thế. Tại sao chứng từ nhiều? Vì không tin tưởng nhau. Hễ đi đâu làm gì cứ phải lo cộp cái dấu cái đã.
Hồ sơ khoa học ở ta cũng không giống ai. Ở các nước, hồ sơ chỉ nói vấn đề khoa học, sau đó người ta giới hạn tài chính, chủ đề tài toàn quyền rồi đưa vào quỹ chung.
Hồi tôi làm nghiên cứu sinh ở Bỉ, trường có 1.000 giáo viên, quản lý 2.000 dự án mà chỉ 1 cô tài vụ thôi.
Vé may bay ư, cứ thế mua rồi thanh toán, theo tiêu chuẩn, làm cái nọ cái kia đều thoải mái, đàng hoàng. Còn ta thì quản lý đến từng gam hóa chất, cái lọ cái chai, hạch toán đến từng mỗi cây số công tác phí, thì thời gian đâu toàn tâm toàn ý đến khoa học.
Khoa học của chúng ta hiện nay vì yêu cầu thực hiện nên có sự nhầm lẫn giữa nghiên cứu với những yêu cầu mang tính thời vụ và khuyến nông. Khi xảy ra dịch mới sùng sục nhảy vào mà không có những nghiên cứu sâu, chủ động, đón đầu. |
Tôi lấy ví dụ một tập hồ sơ khoa học đề tài cấp nhà nước năm 2018 mới cứng của một đơn vị mà tôi đang có trong tay đây, phần báo cáo khoa học chỉ 1/3 còn 2/3 tập hồ sơ là dự toán kinh phí, như đã nói, hạch toán đến từng cây số, bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng phải ký vào đấy. Ký, nhưng ai mà đọc nổi. Rồi báo cáo tài chính lỗ lãi, cứ như doanh nghiệp. Một viện nghiên cứu quốc gia đâu thể hành xử như với một doanh nghiệp thế được. Một nền khoa học của đất nước lại càng không thể như thế.
Ở trên ông nói cần tạo cơ chế thông thoáng trong nghiên cứu khoa học, chúng tôi hiểu, đây cũng đang là suy nghĩ chung của rất nhiều nhà khoa học. Chỉ một tinh thần cởi mở, trọng người tài mới thu hút được người tài. Nếu không sửa, không thay đổi, khác gì chấp nhận tụt hậu?
Đúng vậy. Đây là thời cơ, nhiều nhà khoa học từ nước ngoài rất muốn về nước làm việc, cống hiến. Muốn thế phải thông thoáng hơn. Tất nhiên, đồng tiền của nhà nước, thóc gạo của nhân dân thì phải quản lý nhưng anh quản lý đồng tiền đầu tư trong nghiên cứu khoa học khác với đồng tiền đầu tư trong lĩnh vực khác và các viện nghiên cứu không như là doanh nghiệp.
Hồ sơ khoa học đề tài cấp nhà nước của một đơn vị, phần báo cáo khoa học chỉ 1/3 còn 2/3 là dự toán kinh phí |
Phải tổ chức lại để có một đội ngũ giỏi, người nào không đáp ứng được hãy tạo điều kiện cho họ làm việc khác. Khoa học để giải quyết vấn đề lớn của đất nước chứ không phải là nơi vui chơi dung dăng dung dẻ, đề tài xong cất tủ, chạy đề tài khác.
Mấy năm qua đầu tư cho khoa học tôi nghĩ dù chưa thật sự lớn nhưng không phải ít. Như khối VAAS (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) trung bình mỗi năm 200 tỷ, 5 năm là 1.000 tỷ, 10 năm là 2.000 tỷ, thì phải ra được sản phẩm chứ. Thời gian cứ trôi đi, đồng tiền trôi đi, mà ta không có đóng góp hay cống hiến gì thì quả thật có tội với lịch sử và chính bản thân mình. Hoài bão con người ta là từ khi còn trẻ, khi còn thời gian còn sức khỏe để cống hiến. Cần dứt khoát trao quyền cho từng trưởng bộ môn tuyển cán bộ. Công việc yêu cầu thế này, kinh phí như này, ông hãy tự tuyển đúng người sao cho được việc, sai ông phải tự chịu trách nhiệm chứ không có chuyện gửi gắm nhờ vả gì ở đây cả. |
Phải nói khoa học nông nghiệp cho đến hiện nay đã giải quyết được nhiều vấn đề căn bản trong sản xuất, trong số 10 nhóm hoặc sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì riêng ngành trồng trọt chiếm tới 7 sản phẩm. Nhiều loại dịch hại nguy hiểm như bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa Việt Nam chúng ta giải quyết rất tốt được thế giới khâm phục. Tuy nhiên trong giai đoạn hội nhập sâu, cần có chiến lược nghiên cứu tầm cỡ từ sản xuất tới thị trường, không những trong nước mà tới cấp khu vực, thế giới. Quan điểm ông thế nào?
Xu hướng chung phải vậy, ví dụ chương trình công nghệ sinh học là chương trình lớn nhà nước giao Bộ NN-PTNT thực hiện. Tương tự nhiều vấn đề lớn của đất nước cần phải được giải quyết, như nước biển dâng, sụt lún, bồi lắng trên sông Mê Kông, chống cát bay ở miền Trung, lũ bất thường ở miền núi phía Bắc… Chương trình cấp vùng như giải quyết tuyến trùng trong đất cho SXNN ở Tây Nguyên, bệnh cây hồ tiêu, khảm lá sắn, LMLM trong chăn nuôi… Cần phải tập trung được đội ngũ khoa học ưu tú chuyên tâm nghiên cứu giải quyết bằng được, đó là tương lai cho quốc gia, đừng phải để những người làm công việc đó bị phân tâm chuyện cơm áo gạo tiền, nhà nước cần chính sách đãi ngộ đặc biệt.
Một mô hình trồng lúa giảm phát thải nhà kính |
Thử nhìn ra bên ngoài, Trung Quốc, khoa học họ tiến như vũ bão, đầu tư không hối tiếc. Như Hà Lan, họ tính trước biến đổi khí hậu thì thị trường châu Âu cây gì sẽ chủ lực, tiêu dùng thế giới sẽ thế nào…
Và, với những chương trình tầm cỡ quốc gia cần một tư lệnh thật sự, phải được toàn quyền, chứ không phải vướng víu 4 - 5 Bộ quản lý thì khó thực hiện nổi.
Xin cảm ơn ông!
PGS.TS Phạm Quang Hà là một nhà khoa học được học tập và đào tạo bài bản. Ông được cử sang Vương quốc Bỉ học đại học tại trường Đại học Thiên chúa Giáo Louvain (UCL) năm 1979, tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 1985 ngành khoa học nông nghiệp về đề tài nghiên cứu đất phèn đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Ông về nước công tác tại Viện Thổ nhưỡng Nông hóa từ năm 1985, năm 1993 tiếp tục sang Bỉ làm nghiên cứu sinh, năm 1998 ông nhận bằng tiến sĩ các khoa học nông nghiệp và kỹ nghệ sinh học cũng về khoa học đất tại đại học Louvain. PGS.TS Phạm Quang Hà là thành viên của liên minh toàn cầu nghiên cứu giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp (GRA) nhóm đất lúa, thành viên sáng lập mạng lưới chống xói mòn pháp ngữ (AUF). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn