Vào thời điểm sát Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ miến gạo trong dân bao giờ cũng tăng theo cấp số nhân. Thế nhưng, “công nghệ” chế biến miến gạo tại hầu hết các cơ sở tư nhân trên địa bàn huyện Đô Lương đều không đảm bảo VSATTP.
Sáng 3/2, chúng tôi về đến địa bàn xóm 11 để “mục sở thị” các cơ sở chế biến miến gạo ở địa phương này. Tôi thực sự sốc khi tận mắt chứng kiến “công nghệ” SX miến gạo mất vệ sinh một cách khủng khiếp từ A đến Z đang diễn ra hàng ngày ở đây. Đập vào mắt chúng tôi là hàng chục sạp phơi miến gạo nằm sát QL46 dài khoảng 100 m nằm ngay trước UBND xã Đà Sơn. Nhìn những sạp phơi miến gạo đang hứng bụi đất, khí thải của những chiếc ô tô, xe máy xuôi ngược xả ra mù mịt mà phát hoảng. Miến phơi, sợi thõng xuống chỉ cách mặt đất khoảng 10 - 15 cm, phía dưới là một dãy rãnh thoát nước không có nắp đậy, đen ngòm và đặc quánh bốc mùi hôi thối nồng nặc...
Thấy chúng tôi chụp ảnh, 4 chị phụ nữ đang ngồi bệt lên những cuộn miến thành phẩm vừa mới được gỡ khỏi sạp xếp thành từng lớp trên nền xi măng đen kịt được cách ly bằng một lớp bạt nhựa vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra và xua tay không cho chụp ảnh.
Phụ nữ ngồi bệt trên miến thành phẩm
Tạt sang phía đối diện, chúng tôi lại thêm một lần kinh ngạc khi nhìn thấy 4 phụ nữ dùng chân trần thi nhau dẫm đạp lên những cuộn miến đã được phơi khô rải thành từng dãy dưới nền nhà. Thấy chúng tôi bấm máy, cả 4 người vẫn không ngừng chân. Họ đang mải dùng trọng lượng của cơ thể mình để dẫm đạp cho cuộn miến đang dính vào nhau phải bung ra để kịp đóng gói trước khi giao cho khách hàng đưa ra thị trường tiêu thụ.
Dùng chân đạp cho sợi miến bung ra
Quan sát kỹ “công nghệ” chế biến miến gạo tại xã Đà Sơn chúng tôi thấy công đoạn nào cũng đều mất vệ sinh một cách khủng khiếp. Một bà lão bán quán nước chè cạnh đó nói: Trung bình lượng miến gạo các hộ này làm ra cung cấp cho các địa phương mỗi ngày bình quân 2 - 3 tấn nhưng chỉ dành cho khách nơi khác đến lấy, còn bản thân chúng tôi sống quanh đây, hàng ngày tận mắt nhìn thấy họ làm bẩn vậy thì chẳng ai đủ gan để mua loại miến gạo này về nấu ăn cả.
Mỗi công đoạn đều có 3 - 4 người cùng thực hiện. Ở công đoạn “đập bột”, một người đàn ông đổ gạo khô vào máy xay bột, gạo sau khi được máy nghiền thành bột chảy vào một túi vải hình tròn dài khoảng 1,4 m, đường kính khoảng 22 cm, thì được đổ ra xay lại cho đến khi thật mịn, cho ra thúng, chuyển bột thành phẩm sang cho một người khác nhào bột với phụ gia và nước lã rồi đổ vào những chiếc nong có đường kính 1 - 1,2 m đặt trên nền nhà để ủ. Xung quanh các nong bột đang ủ, ruồi nhặng bâu quanh; gà, chó và người làm đi qua, đi lại vô tư... Dụng cụ dùng để nhào, ủ bột làm xong vứt thành một đống bên rãnh nước bẩn, không hề được cọ rửa, ngày hôm sau lại lấy ra làm tiếp!
Phơi miến thành phẩm trên cống thoát nước bẩn
Sang công đoạn cán thành miến gạo cũng có 3 người thực hiện: Một người xúc bột cho vào khay máy cán sợi, người thứ 2 dùng tay gạt từ từ cho bột vào hộc nén trước khi chạy xuống máy cán, người còn lại ngồi phía dưới máy cán sợi dùng kéo cắt miến từ máy đùn ra.
Sau khi miến gạo thành phẩm được đưa ra, 3 - 4 nhân công khác bắt tay vào rải từng lớp sợi miến ướt lên những cây sào bằng nứa hoặc gỗ sau đó mang ra cạnh đường để hong khô. Thông thường, nếu gặp trời nắng chỉ 4 tiếng đồng hồ là có thể cho vào đóng gói. Thời tiết se lạnh mùa đông thì phải 8 tiếng mới đưa vào rồi dùng chân đạp cho sợi miến bung ra trước khi đóng gói.
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn