"Kịch bản" mới cho cây ăn trái
Ít ai ngờ rằng diện tích trồng, sản lượng tiêu thụ chuối tăng rất cao trong những năm gần đây, trở thành nhóm đứng đầu trong các loại cây ăn trái chủ lực của cả nước và được dự báo còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
1. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), diện tích trồng cây ăn trái cả nước và các vùng miền nhìn chung có xu hướng tăng liên tục trong những năm gần đây (thống kê đến cuối năm 2016 đạt hơn 857.000 ha, tăng hơn 122% so với năm 1996).
Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều địa phương đã chuyển một phần đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn trái, rõ nét nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đồng bằng sông Hồng.
Chưa kể, nhờ tác động của tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất theo hướng chuyên canh và trình độ canh tác của nhà vườn được nâng lên, nên năng suất và sản lượng cây ăn trái cũng tiếp tục tăng trưởng từ 5% - 6%/năm.
Đến thời điểm hiện tại, năng suất bình quân của tất cả các loại cây ăn trái đạt hơn 10 tấn/ha, tăng hơn 25% so với năm 2005 và tăng gần 10% so với năm 2010.
Nếu chỉ tính trong nhóm 15 loại cây ăn trái có diện tích lớn nhất (khoảng 10.000 ha/loại), hiện chiếm 86% trên tổng diện tích, chuối trở thành một “hiện tượng” khi có diện tích trồng lớn nhất (khoảng 138.000 ha, chiếm 16% tổng diện tích), tiếp theo là xoài, nhãn, cam, vải, bưởi…
Khi đề cập về tiềm năng của trái chuối, tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất, XK trái cây do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Tiền Giang gần đây, ông Võ Quan Huy người được mệnh danh là “vua” chuối đặt vấn đề: Khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng Việt Nam nhưng tại sao Philippines XK chuối hàng đầu thế giới?
Từ đó, ông đầu tư vốn cải tạo hàng chục ha đất phèn để trồng chuối. Gặt hái được không ít thành công từ trang trại hơn 40 ha trồng chuối tại tỉnh Long An, gần đây ông tiếp tục đầu tư hơn 70 ha trồng chuối tại huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) để tạo nguồn nguyên liệu phục vụ XK.
Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, ông xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ giống, chăm sóc cho đến đóng gói đưa vào kho lạnh tại trang trại.
Bắt đầu trồng chuối từ cuối năm 2014, giữa năm 2015 ông Huy đăng ký thương hiệu chuối Fohla. Hiện tại, chuối Fohla có chỗ đứng vững chắc ở các siêu thị của Nhật Bản, được khách hàng Nhật ưa chuộng nhờ vào quy trình sản xuất sạch.
Thời gian gần đây, ông đã mở rộng khai thác thị trường tiêu thụ rất tiềm năng là Trung Quốc. Nhờ những bước đầu tư trong thời gian qua, năm 2017 ông đã XK được khoảng 10.000 tấn trái chuối.
“Nhìn từ thực tế, tôi nhận thấy rằng, ở nước ta cây chuối có vai trò quan trọng trong kinh tế nông nghiệp. Chưa kể, theo Đề án quy hoạch phát triển đến năm 2020 của Bộ NN-PTNT, chuối được xác định là cây chủ lực ở nhiều địa phương. Bộ Công thương cũng xem chuối là mặt hàng XK quan trọng do có nhiều lợi thế về thị trường tiêu thụ. Do vậy, tiềm năng mở ra cho cây chuối còn rất lớn” - ông Võ Quan Huy cho biết.
2. Trong bức tranh chung về cây ăn trái, ĐBSCL được xem là vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực lớn nhất, chiếm đến 38% diện tích cả nước. Chưa dừng lại ở đó, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, năng suất trung bình của nhóm cây ăn trái chủ lực tính đến năm 2015 đã tăng gấp 2 lần so với năm 2000 và gấp 1,5 lần so với năm 2005.
Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, diện tích trồng cây ăn trái trên cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng, hiện vẫn còn phân tán, khó khăn trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật và công nghệ, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Trong bức tranh chung đó, trên thực tế hiện chỉ có thanh long, vải, chuối, cây có múi, dứa, chanh dây… mới từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung trên quy mô khá lớn.
Thế nhưng, nếu nhìn một cách tổng thể vào thực tế và tiềm năng trong chặng đường tiếp theo, cơ hội để phát triển nhiều loại trái cây vẫn còn rất lớn. Điểm sáng đầu tiên là trái thanh long.
Nếu soi rọi vào thực tế chỉ tính từ năm 2009 đến năm 2016, diện tích, sản lượng thanh long tăng rất nhanh; từ chỗ chỉ hơn 13.000 ha đã tăng lên hơn 44.000 ha, sản lượng từ 282.000 tấn đã tăng đến 819.000 tấn.
Chưa dừng lại ở đó, Việt Nam đã trở thành nước có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất châu Á và cũng là nước XK thanh long hàng đầu thế giới. Một trong những dấu ấn khác là cây chuối.
Đây là loại cây ăn trái có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn trái cả nước, với tốc độ tăng trưởng khá ổn định và liên tục. Việt Nam cũng trở thành một trong 11 nước có diện tích và sản lượng chuối lớn nhất thế giới, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về diện tích trồng và sản lượng thu hoạch.
Để khai thác tiềm năng và lợi thế cây ăn trái, quy hoạch của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới đã chú trọng đến 12 cây ăn trái chủ lực gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối…
Theo đó, tổng diện tích trồng cây ăn trái chủ lực tập trung đến năm 2020 là 557.000 ha; trong đó vùng ĐBSCL hơn 185.000 ha. Xoài là loại trái cây được trồng tập trung lớn nhất với 46.000 ha, tiếp đó là nhãn với 30.000 ha, chuối 29.000 ha…
Quy hoạch của Bộ NN-PTNT cũng đặt ra hai mục tiêu là xây dựng ngành hàng trái cây chủ lực ở Nam bộ phát triển theo hướng hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh; đồng thời phát triển bền vững cây ăn trái chủ lực nhằm góp phần tái cơ cấu ngành Trồng trọt, đáp ứng tiêu dùng trong nước cũng như XK và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nằm trong bức tranh chung của cả nước, theo đánh giá của Sở NN-PTNT, trái cây Tiền Giang đứng đầu ĐBSCL cả về diện tích và sản lượng nhưng quy mô sản xuất chủ yếu của nông hộ nhỏ.
Để khắc phục thực trạng này, theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Văn Hóa, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã khẳng định, sản xuất cây ăn trái phải thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp, từng bước đưa lên quy mô lớn, tập trung theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng cao; trong đó chú trọng đến thổ nhưỡng, khí hậu, tiềm năng và lợi thế vùng…
Theo đó, Tiền Giang xác định ngành hàng xoài, sầu riêng, khóm, thanh long, mãng cầu Xiêm là lợi thế để tập trung phát triển...
Cây sầu riêng giúp đổi đời
Những năm qua, cây sầu riêng trên địa bàn Tiền Giang đã giúp cho nhiều hộ dân làm giàu nhờ đầu ra tương đối ổn định. Anh Nguyễn Văn Phương (ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) cho biết, gia đình anh được cha mẹ cho 7.000 m2đất trồng lúa từ năm 1987. Năm 1997 anh chuyển đổi giống cây trồng, cải tạo lại đất, đắp mô lên liếp trồng cây sầu riêng giống khổ qua, do giống này dễ trồng, chi phí đầu tư ban đầu thấp.
Sau đó, anh tìm hiểu và được biết giống sầu riêng cơm vàng hạt lép có giá bán cao gấp 3 lần so với giống sầu riêng khổ qua do giống này chất lượng không ngon, hạt to, vị đắng nên chuyển sang trồng giống sầu riêng Ri6, Monthong. Năm 2006, anh mua thêm 7.000 m2 đất và tiếp tục trồng sầu riêng Ri6, chuồng bò, Monthong và bắt đầu tính đến việc xử lý vườn sầu riêng cho hoa nghịch vụ, vào đầu tháng 4 đến cuối tháng 10 thu hoạch. Năm đầu tiên xử lý nghịch vụ, anh thu được 15 tấn sầu riêng, bán được giá 37.000 đồng/kg.
Năm 2012, anh Phương tiếp tục xử lý ra hoa nghịch vụ trên toàn bộ diện tích 14.000 m2 và thu được 20 tấn trái, với giá bán 35.000 đồng/kg, thu được 700 triệu đồng. Sau đó, mỗi năm sản lượng sầu riêng thu hoạch tăng 2 tấn, giá sầu riêng vụ nghịch thường ở mức 55.000 - 60.000 đồng/kg nên thu nhập của anh cũng tăng dần. Năm 2016, anh thu hoạch được 23 tấn trái sầu riêng, với giá bán bình quân 68.000 đồng/kg, số tiền thu được hơn 1,5 tỷ đồng. “Sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm gia đình tôi thu lãi bình quân từ 800 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng.
Đồng thời, gia đình còn giúp cho 7 lao động có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”- anh Nguyễn Văn Phương cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn