Ông Bùi Việt Minh bẻ nhãn thuê cho một chủ vườn ở cùng địa phương thuộc xã Hàm Tử. "Nhờ đi bẻ nhãn thuê, mỗi vụ tôi cũng kiếm được khoảng 5 triệu đồng, thu nhập cao gấp nhiều lần so với nghề khác", ông Minh chia sẻ.
Dù đã bước vào cuối vụ thu hoạch nhãn lồng ở Khoái Châu, song những người làm thuê này vẫn không hết việc. Từ việc trèo cây bẻ (chảy) nhãn đến nhặt cành lá, phân loại, đóng hàng, họ làm rất chuyên nghiệp và thuần thục. Các chủ vườn cũng cảm thấy phấn khởi vì luôn có đủ và kịp hàng để cung cấp cho các lái buôn đưa đi tiêu thụ.
Dù đã bước vào cuối vụ thu hoạch nhãn, song "đội quân ăn theo" vẫn làm tất bật không hết việc.
"Vào vụ nhãn, gia đình tôi phải thuê tới 15 người mới bẻ đủ nhãn và đóng hàng cung cấp cho khách đưa đi Sài Gòn. Chi phí công bẻ nhãn là 400.000 đồng/người/ngày, 200.000 đồng cho lao động nhặt, phân loại hàng, tính ra chúng tôi cũng phải bỏ ra trên dưới 5 triệu đồng/ngày", bà Đỗ Thị Tỉnh, chủ vườn nhãn ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu chia sẻ.
"Hàng ngày, chúng tôi thường bẻ nhãn thuê trong giờ hành chính, nếu làm thêm giờ thì chủ vườn sẽ có bồi dưỡng thêm", ông Phương, một thợ bẻ nhãn thuê ở xã Ông Đình, huyện Khoái Châu nói.
Bà Tỉnh cho biết, dù giá nhân công khá cao, song các nhân công được thuê cũng làm rất chuyên nghiệp nên chủ vườn cũng cảm thấy vui. "Họ rất nhiệt tình và thân thiện, vui tính nên mọi việc đều diễn ra thuận lợi, khách mua hàng cũng thấy thoải mái", bà Tỉnh nói.
Công việc nhặt, phân loại, đóng hàng nhãn phần lớn dành cho phụ nữ, với thù lao khoảng 200.000 đồng/người/ngày. "Công việc của chúng tôi chủ yếu diễn ra ngay dưới gốc cây và được chủ nuôi cơm ngày đầy đủ nên cũng không vất vả lắm", bà Thương ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu chia sẻ.
Là người đi bẻ nhãn thuê lâu năm ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, mỗi ngày ông Bùi Viết Minh có thể bẻ được trên dưới 150kg nhãn. "Dù công việc khá vất vả nhưng được cái thu nhập cao hơn gấp đôi so với nghề đi xây và phụ hồ nên mọi người theo nghề này rất nhiều nhưng không ai lo thiếu việc đâu", ông Minh chia sẻ.
Từ khi bước vào vụ thu hoạch nhãn đến giờ đã hơn 1 tháng, song đến thời điểm này "đội quân ăn theo" của ông Minh vẫn tất bật với công việc. Ông Minh cho biết, công việc thời vụ này cũng đơn giản, chỉ cần khéo léo và có kinh nghiệm là có thể làm tốt.
Bà Nguyễn Thị Tứ (82 tuổi) ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu cho hay: So với các năm trước, năm nay nhãn được mùa, người mua cũng nhiều nên đội quân làm thuê có công việc đều và thu nhập cao hơn mọi năm.
"Khi bẻ nhãn, chúng tôi không cắt, bẻ trụi hết cành lá, vì nếu cắt cuống quá dài sẽ ảnh hưởng đến các mầm ngủ phía dưới chùm quả, làm mất khả năng nảy lộc cho vụ sau. Bên cạnh đó, khi thu hái các chùm quả chúng tôi sẽ chú ý không để cành bị xước. Đặc biệt, để đảm bảo cho sản phẩm không bị hỏng, sau khi bẻ mọi người sẽ bỏ các chùm nhãn cẩn thận vào các sọt có lót lá chuối rồi dùng dây thừng thả xuống gốc cho đội phụ nữ nhặt, phân loại và đóng hàng luôn", ông Minh tiết lộ.
Cũng theo ông Minh, nghề bẻ nhãn thuê cũng gặp khá nhiều rủi ro, những chuyện ngã cây, bọ xít đái vào mắt... cũng trở thành bình thường đối với "đội quân ăn theo". "Để hạn chế rủi ro, khi trèo cây bẻ nhãn mọi người thường phải buộc chắc thân mình vào dây thừng trên các cây cao, đeo kính để tránh bọ xít đái...", ông Minh chia sẻ.
Theo lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, hàng năm khi bước vào vụ thu hoạch nhãn lồng tại các địa điểm ở "thủ phủ" đặc sản "tiến vua" trên địa bàn luôn thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh đến làm, nhờ đó nhiều người đã có thu nhập cao nhờ nghề thời vụ này.
Ông Nguyễn Thanh Oai - Chủ tịch UBND xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu cho hay: Vụ thu hoạch nhãn hàng năm thường tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong ngoài địa phương với thu nhập khá cao, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng/người/ngày, có hộ huy động nhiều thành viên trong gia đình cùng đi bẻ nhãn thuê, kiếm tới hàng chục triệu đồng/vụ.
Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của đội quân ăn theo mùa vụ thu hoạch nhãn ở xã Hàm Tử.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn