Kiểm soát nguồn cung trước khi đưa vào giết mổ
Lợn khi đưa đến điểm giết mổ được phun tiêu độc, khử trùng lại
một lần nữa để đảm bảo vệ sinh và an toàn dịch bệnh.
Thời gian gần đây, DTLCP liên tục lan rộng, diễn biến khó lường nên nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý e ngại sử dụng sản phẩm từ thịt lợn. Để tháo gỡ "nút thắt" này, cơ quan chức năng cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường công tác kiểm soát từ nguồn cung đến khâu tiêu thụ trên thị trường nhằm tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.
Tại thị trấn Cẩm Xuyên – địa phương đầu tiên xuất hiện DTLCP, công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn thường xuyên được quan tâm, đôn đốc.
Lợn được đưa vào giết mổ cần đảm bảo nguồn gốc, có xác nhận của chính
quyền địa phương, không có dấu hiệu bất thường như ốm, sốt, đi lại nặng nề...
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Xuyên Nguyễn Anh Đức cho biết: Từ khi dịch cơ bản được khống chế, sức tiêu thụ thịt lợn tại địa phương đã tăng trở lại. Mỗi ngày, có khoảng 15 - 17 con lợn được đưa vào giết mổ tập trung. Trong thời điểm này, việc xem xét nguồn gốc, sức khoẻ đàn lợn càng trở nên quan trọng.
"Lợn được đưa vào giết mổ chủ yếu là có nguồn gốc tại thị trấn Cẩm Xuyên và các địa phương lân cận, có phiếu xét nghiệm âm tính với DTLCP hoặc xác nhận của chính quyền cấp xã" - ông Đức thông tin thêm.
Các tiểu thương chú trọng việc kiểm tra nguồn gốc, sức khoẻ của lợn, giữ lại
phiếu biên lai kiểm dịch để cung cấp cho người tiêu dùng nếu cần.
Bên cạnh đó, các tiểu thương cũng hết sức quan tâm đến vấn đề lựa chọn và tìm mua nguồn lợn giữa “bão dịch”. Chị Nguyễn Thị Thủy - tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh, chia sẻ: “Chúng tôi lựa chọn mua lợn đang khoẻ mạnh, không xuất hiện dấu hiệu bất thường, có xác nhận từ hộ chăn nuôi và chính quyền cấp xã, giết mổ tại điểm giết mổ tập trung, sau đó mới đem đi tiêu thụ. Nguồn thịt có đảm bảo thì người tiêu dùng mới yên tâm sử dụng, người kinh doanh cũng yên tâm phần nào”.
“Siết” lò mổ, đưa thịt lợn sạch đến người dùng
Lợn tiếp tục được kiểm tra kỹ da, thịt, đầu, phủ tạng, bảo đảm không có yếu tố
bất thường mới được đóng dấu và cấp phiếu kiểm dịch để xuất đi các chợ.
Cùng với việc kiểm soát nguồn gốc lợn, cơ quan chức năng và các lò mổ cũng quan tâm hơn đến khâu tiêu độc khử trùng, kiểm dịch, lăn dấu xác nhận sau khi tiến hành giết mổ nhằm mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thịt lợn an toàn.
Theo anh Nguyễn Chính Nhật (cán bộ kiểm dịch tại lò mổ tập trung xã Thạch Đồng - TP Hà Tĩnh), quy trình kiểm soát đúng theo quy định, lợn đưa vào lò mổ trước 6 tiếng, xuất trình chứng từ hợp lệ thể hiện xuất xứ, kiểm dịch tại nguồn và lưu lại không quá 48 tiếng để theo dõi sức khỏe, kiểm tra lâm sàng cho đến khi đưa đi giết mổ.
Anh Nhật cho biết: "Nhận kíp trực từ 21h tối hôm trước đến 9h sáng hôm sau, cán bộ thú y phải trực tiếp tham gia kiểm soát trong quá trình giết mổ. Lợn tiếp tục được kiểm tra kỹ da, thịt, đầu, phủ tạng... bảo đảm không có yếu tố bất thường mới được đóng dấu và cấp phiếu kiểm dịch để xuất đi các chợ".
Công tác kiểm soát tại lò mổ được quan tâm hơn, đảm bảo
nguồn thịt an toàn đến người tiêu dùng.
Đối với ông Nguyễn Đình Giang - cán bộ thú y huyện Cẩm Xuyên phụ trách kiểm dịch tại lò mổ thuộc thị trấn Cẩm Xuyên, công tác kiểm soát tại lò càng được quan tâm hơn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. “Nguồn thịt lợn đảm bảo được ra tiêu thụ thì người dân mới yên tâm sử dụng, người chăn nuôi cũng đỡ lao đao trước dịch bệnh lần này”, ông Giang chia sẻ.
Sau một thời gian dài "ảm đạm", thị trường thịt lợn tại Hà Tĩnh đang có dấu hiệu
ấm dần lên nhờ sự nỗ lực tuyên truyền, phòng chống dịch, kiểm soát giết mổ...
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng cho biết: “Có thể khẳng định, việc thực hiện tốt các khâu từ kiểm soát nguồn cung đến giết mổ và tiêu thụ trên thị trường đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có thể an tâm sử dụng thịt lợn đã qua kiểm dịch.
Bên cạnh việc tăng cường giám sát tại điểm giết mổ gia súc tập trung, các cơ quan chức năng ở địa phương nghiêm cấm việc giết mổ heo nhỏ, lẻ tại gia đình và các cơ sở khác khi chưa được cấp phép; đồng thời, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát việc buôn bán thịt heo tại các chợ, siêu thị, cơ sở phân phối thịt lợn”.
Theo Thái Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn