Nhà xưa, chia mà không cắt
Nhà ở truyền thống là một thành phần trong tổng thể cấu trúc không gian làng quê. Làng đậm chất tĩnh, ngôi nhà vì thế nhỏ bé, khuất lấp. Chẳng phải ngẫu nhiên, ngôi nhà, hàng cau, bờ dậu lại trở thành hình ảnh về làng quê thanh bình, rất đặc trưng của nông thôn Việt Nam. Nếp nhà truyền thống, xuất phát từ nhu cầu trú ngụ và sinh hoạt nên rất phong phú, đa dạng, mỗi vùng miền thường có một số kiểu cấu trúc riêng. Tuy nhiên, 2 kiểu kiến trúc phổ biến nhất là kiến trúc hình thước thợ (gồm một gian chính, một gian phụ) và kiến trúc hình chữ môn (nhà chính ở giữa, 2 nhà phụ hai bên). Không chỉ phục vụ mục đích sinh tồn, ngôi nhà còn gắn với quan niệm thẩm mỹ, vì thế, cấu trúc nhà xưa thường 3 hoặc 5 gian. Coi trọng ứng xử, ngay cả ứng xử với không gian ngôi nhà, nên cha ông đã phân chia thành “chính” và “phụ” khá rõ rệt: nhà chính - nhà phụ; nhà trên - nhà dưới, gian chính - gian phụ.
Nhà ở TP. Hà Tĩnh được quy hoạch hình thái đô thị gắn với đặc điểm tự nhiên cũng như tính chất của từng khu vực |
Nhà chính thường có bố cục gian lẻ và 2 chái; nhà phụ bố cục đơn giản, chỉ thuận theo sinh hoạt và kinh tế mà xây dựng. Đối với nhà chính, gian giữa được xem là nơi vượng khí, là trái tim của ngôi nhà. Bởi thế, gian này luôn dùng để thờ cúng tổ tiên và tiếp khách. Để tôn lên vẻ đẹp của gian chính, chủ nhân thường thiết kế, bài trí công phu, trên các cột, kèo đều có chạm trổ hoa văn tinh tế, cửa chính thường được thiết kế rất rộng, đôi khi có liếp che. Cái đáng nói của gian nhà chính là sự phân chia không gian mang tính tương đối, thể hiện rõ ứng xử của chủ nhân ngôi nhà. Gian chính vừa linh thiêng, thiên về tĩnh (để thờ cúng), lại vừa gắn với sinh hoạt quan trọng, thiên về động. Sự hòa hợp của những quan niệm khác nhau trong một không gian đã chứng tỏ tính động và mở của cấu trúc gian nhà, rộng hơn là ngôi nhà.
So với cấu trúc hôm nay, nhà Việt truyền thống có kích thước nhỏ. Kích thước này thể hiện quan niệm thẩm mỹ của cha ông. Trước hết, nếu đặt gian nhà trong tương quan với kiến trúc đình làng, cổng làng, đền, miếu…, tất cả đều nhỏ bé, khuất lấp. Đây là điều rất quan trọng. Cha ông xưa thường lấy cái duyên và vẻ đẹp kín đáo để khoe thầm với người đời nên gian nhà cũng thường khuất lấp trong tổng thể kiến trúc khu vườn. Vì nhỏ bé nên mọi thứ trở nên duyên dáng, xinh xắn, đấy là nét thẩm mỹ mang phong cách Á Đông.
Nói đến nhà xưa không thể không đề cập đến nét đẹp tuyệt vời trong sự hài hòa với tự nhiên. Nhà ở lúc này như một vật ký gửi tâm tình của con người đối với ngoại giới, cụ thể hơn, đấy là con người với tự nhiên. Xưa, cha ông quan niệm, con người là tiểu vũ trụ, luôn nằm trong đại vũ trụ là thế giới bên ngoài. Ngôi nhà được thiết kế thoáng, rộng vừa chia mà không cắt giữa các gian và giữa ngôi nhà với bên ngoài. Mùa đông, ngôi nhà nằm im lìm cho gió lùa qua nóc, lướt qua khu vườn.
Mùa hè, ngôi nhà thoáng rộng, có trăm nơi để hướng lấy khí trời (ngạch, cửa chính, rèm, cửa phụ…), đón nhận những ngọn gió mát lành đi qua khu vườn. Bước trong khu nhà, đôi chân trần mồ hôi nhễ nhại chạm lên nền nhà đất vừa mát, vừa thể hiện sự hòa hợp, trao đổi với tự nhiên. Từ những lý do đó mà hình ảnh được xem là phong lưu, tự tại trong mắt người xưa ấy là: buổi sáng ngồi ở gian chính thưởng thức ly trà hoặc chè xanh; buổi trưa mắc võng giữa 2 hàng cột để nghỉ; buổi chiều, cả nhà quây quần; buổi tối, mang chiếc chõng tre ra sân ngắm trời sao, hóng gió. Đấy là niềm vui tao nhã của hương thôn mà ngày nay đang trở thành xa xỉ.
Trong bối cảnh xã hội nông nghiệp, ngôi nhà là sự phản ánh cuộc sống vất vả nhưng rất nghĩa tình một thời. Nhà được làm từ các vật liệu của nghề nông như: tre, lá cọ, gỗ trong vườn (hoặc ở rừng), lạt mây, lạt tre, vách bằng đất, nền bằng đất… Tất cả là các vật liệu tự có, không tốn kém về kinh phí. Đời sống cha ông rất vất vả nên việc tậu được gian nhà gỗ thường là một tài sản quý. Ngôi nhà, bởi vậy trở thành cơ nghiệp được truyền từ nhiều đời, qua hàng trăm năm.
Điều này còn phản ánh một khía cạnh khác, rất đẹp của tâm tình người Việt, ấy là sự hội tụ tâm sức, tài hoa, quan niệm của nhiều thế hệ trong một kết cấu vật chất. Người kế thừa thường sống trong sự trân trọng với quan niệm thế hệ đi trước. Sự kế thừa này đã làm cho ngôi nhà truyền thống bền vững suốt hàng nghìn năm, ngay cả khi ngôi nhà được làm mới, thì quan niệm cũ vẫn được gìn giữ. Thì đấy, mái ngói âm dương tuy đơn sơ, không chút cầu kỳ, hàng cột hiên khiêm nhường và đơn giản nhưng tất cả đều ẩn chứa bên trong cội nguồn và truyền thống. Chính từ đây có thể gọi, ngôi nhà là một mảnh tâm hồn, là ký ức, là tình cảm gia đình vun vén từ bao đời của người Việt.
Nhà nay, những giá trị bị quên lãng
Cũng như ngôi nhà truyền thống, nhà ở hiện đại phải đặt trong cấu trúc không gian tổng thể của khu vườn, rộng hơn, của cộng đồng. Thế nhưng, vườn thì thu hẹp, đất được chia bằng lô có diện tích cụ thể, trong khi cấu trúc nhà ở thì đa dạng, thiếu thống nhất. Hệ quả của điều này là sự lộn xộn, phản ánh một cái gì đó thiếu thống nhất trong quan niệm thẩm mỹ, thiếu tính cách chung, tâm trạng chung của con người hiện đại. Có vẻ như, điều kiện kinh tế càng phát triển, xu hướng thâu nhận giá trị cá nhân ngày càng hiện rõ nên ngôi nhà cũng tự mình thu lại, tồn tại là chính nó chứ không kết nối với bên ngoài; từng gian nhà cũng trở nên bị cô lập với nhau, thiếu sự đóng - mở tinh tế như ngày trước. Cũng phải thôi, không gian nhà ở của thời kỳ hiện đại gắn với đời sống từng nhà, chia cắt hơn, còn gắn với đời sống từng người, từng lứa tuổi trong một gia đình.
Sau khi cụ ông Nguyễn Văn Lý qua đời, ngôi nhà 3 gian do cụ tạo dựng, nuôi con cháu sinh thành (ở Thạch Điền - Thạch Hà) đã được con cháu gìn giữ, làm nơi sum họp mỗi dịp giỗ, tết. |
Rõ là hình ảnh đời sống nông nghiệp truyền thống với tính đại đồng, tính chung đã dần phai nhạt khi nhịp sống đô thị (không gian của con người cá nhân) đang hối hả từng ngày. Chia cắt về không gian, ngôi nhà hiện đại cũng chia cắt thành cấu trúc khác nhau với từng phòng ở, gian ở. Ngôi nhà được gắn với óc duy lý nhiều hơn là duy cảm, vì thế, công năng được con người hiện đại tính toán chi li, miễn sao phát huy hiệu quả sử dụng nhất. Ngôi nhà lúc này trở thành nơi tồn tại của nhiều chức năng, phân chia thành từng mảng tính cách trong một con người và từng cá nhân trong một không gian ở: cùng một người nhưng ăn ở phòng ăn, xem phim phòng khách, nghe nhạc ở phòng riêng, nghỉ ngơi ở phòng ngủ… Tính duy lý tạo nên sự hợp lý. Thế nhưng, sự đời là thế, mọi sự hợp lý đều đánh mất vẻ tự nhiên, làm rơi rớt phần hồn và nét duyên dáng.
Ngôi nhà là sự phản chiếu tính cách mà tính cách thì đa dạng. Bởi thế, nhà ở hiện đại cũng có hàng trăm kiểu. Điều đáng nói ở đây là ở thành phố, kiến trúc nhà còn chưa thống nhất, không có kiểu nhà tạm gọi là nhà mẫu, trở thành quy định chung; ở nông thôn, sao chép mô hình nhà ở đô thị, mà cứ ngỡ đấy là đẹp. Theo đại diện Sở Xây dựng khi chúng tôi trao đổi, việc cấp phép xây dựng nhà ở là để đảm bảo chung về quy hoạch chứ không quy định về kiểu nhà. Mặc dù để đảm bảo quy hoạch chung, nhưng cách kiến trúc nhà ở thiếu hợp lý, không đồng bộ về hạ tầng như giao thông, hệ thống thoát nước, khoảng không gian ngăn cách giữa các ngôi nhà… Bởi thế, việc tranh chấp từng centimet đất giữa các gia đình là có thật, dầu đôi khi chỉ là để cùng làm một cái mương thoát nước.
Nói về nhà ở hiện đại, bất cập nhất hiện nay là nhà ở nông thôn. Sự tùy tiện của các chủ nhân ngôi nhà, cùng với đó là tâm lý “hơn đời”, những ngôi nhà thiết kế lạ lẫm đã được xây dựng, có nhiều nhà cao 3, 4 tầng. Nếu như ở thành thị, đất chật, nhà được nhìn ở không gian chiều cao thì ở nông thôn, lẽ ra, nhà phải nhìn ở chiều rộng và phải phù hợp với không gian làng. Nếu trước đây, ngôi nhà của cha ông dầu dễ rủi ro trước bão tố, song, gần gũi với tự nhiên, khuất lấp trong tự nhiên, cụ thể là vườn nhà với “chuối đằng sau, cau đằng trước”… thì giờ đây, nhà ở nông thôn hiện lên trên đất một cách khá vô hồn như một khối hộp, trong đó, mẫu nhà chủ yếu là nhà ống, vuông, phẳng tứ bề. Khối hộp đó càng vô duyên hơn khi được chồng lên giữa nền bê tông bao bọc như ở một số làng khi quan niệm sai về hiện đại hóa. Nơi tụ khí của ngôi nhà theo thiết kế này cũng trở nên bị phân tán, không nằm ở phòng khách, cũng không phải ở phòng lồi. Nhiều gia đình chú ý xây dựng nhà và chỉ chú trọng mỗi nhà là đủ, không chú trọng tới sự liên kết với không gian, cảnh quan, cấu trúc khu vườn. Điều này càng làm cho ngôi nhà trở thành nơi tích tụ nhiệt, khó thoát ra bên ngoài. Vì thế, mùa hè thì nóng nực, mùa đông thì ẩm thấp.
Theo kiến trúc sư Hoàng Anh - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Tĩnh: “Lựa chọn nhà ống là một sai lầm. Ở đô thị có mô hình nhà vườn thì cớ sao ở nông thôn mô hình này lại bỏ. Bởi thế, nhà vườn cần phải duy trì nhằm tạo nên sự thông thoáng, giảm năng lượng nhân tạo, làm nên sự điều hòa tự nhiên. Việc đẩy mạnh phong trào xây dựng mô hình vườn mẫu, khu dân cư mẫu hiện nay là một chủ trương rất đúng, làm giảm các bức xạ nhân tạo ra môi trường”. Ông Hoàng Anh tỏ rõ quan điểm “Nhà ở hiện đại phải tìm về mô hình kiến trúc xanh truyền thống”.
Đoái nhìn lại cha ông, có thể thấy, nhà là sự phản chiếu nếp nghĩ, cách sống. Phần cứng kiến trúc và phần mềm cuộc sống đan bện với nhau. Bởi thế, những cột, kèo, vì, cửa, gian chính, gian phụ… trở thành nơi của tâm tình, cho thấy ứng xử thầm kín, chừng mực của chủ nhân. Suy đến cùng, cái ở, cái ăn bao giờ cũng cốt ở sự chừng mực. Phải chăng, đó là nguyên lý để con người hiện đại điều chỉnh phần nào sự thiên lệch, từ đó, có quan niệm thẩm mỹ phù hợp với truyền thống, thích ứng với hiện tại (ít nhất là trong điều kiện quỹ đất hẹp) để có được các mẫu nhà phù hợp với thiên nhiên, tích tụ nhiều vượng khí, có lợi cho sức khỏe và hài hòa giữa nét đẹp truyền thống – hiện đại.
Nguyễn Mạnh Hà
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn