Ngay ngáy lo vỡ đập hồ Nước Xanh
Hồ chứa nước Khe Bò nằm lọt thỏm giữa vùng tam giác dưới chân Đèo Ngang với một bên là QL1A dẫn lên đèo, bên kia là đoạn dẫn vào đường hầm và phần còn lại là chân núi. Có diện tích lưu vực gần 6km2, dung tích 1,2 triệu m3 nước nhưng do Đèo Ngang chủ yếu đồi trọc, nguồn sinh thủy kém nên vào thời điểm này hồ đã ở mực nước chết. Bởi thế, những hỏng hóc của cống lấy nước và mái thượng lưu đập đã lồ lộ nhiều hiểm nguy.
Mái thượng lưu quanh cống lấy nước bị sập tạo thành nhiều hang hốc nguy hiểm |
Mới đây, khi cùng đoàn công tác Sở NN&PTNT “bước tới Đèo Ngang lúc bóng chưa xế tà”, phóng viên sửng sốt khi chứng kiến mái thượng lưu đập tại vị trí cống lấy nước bị sập nặng, chừng vài chục khối đất đắp thân đập quanh khu vực này bị nước xói trôi tạo thành những hang hốc lớn.
Anh Nguyễn Trung Tuần, Trưởng Ban giao thông – xây dựng xã Kỳ Nam, đồng thời là người chịu trách nhiệm vận hành cống lấy nước hồ Khe Bò cho hay: Vào thời điểm mực nước trong hồ cao, mỗi khi mở cống thì đỡ chứ đóng lại là nước trong thân đập xói ngược lên mái thượng lưu đẩy cả đất, đá trôi dạt tứ phía.
Nói về hiện tượng hơi khác thường này, ông Ngô Đức Hợi – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh nhận định: cống lấy nước của hồ Khe Bò thuộc dạng ống gang phi 40. Tuy lắp đặt khá lâu nhưng không dễ nứt, song, có thể các khớp nối đã vỡ dẫn đến rò nước xói lộng cả thân đập. May cho công trình là thời điểm này nước hồ cạn, áp lực nước thấp chứ nếu nước to mà hiện tượng này kéo dài thì không mấy chốc sẽ vỡ đập.
Không riêng gì khu vực cống, suốt chiều dài hàng chục mét đoạn giữa thân đập, phần mái thượng lưu cũng bị lún gãy trông thấy; trong khi đó, dưới chân đập phía mái hạ lưu, nước thấm rịn tạo thành một ao tù nhỏ phía hạ du. Nhìn ao nước đặc sánh màu nâu sẫm đã có thể nhận định một lượng đất nhất định trong thân đập đã bị nước lôi theo, báo hại sự mất an toàn của công trình này.
Nước rò rỉ đọng thành hồ phía chân đập |
Ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết, hồ Khe Bò được xây dựng từ năm 1982 của thế kỷ trước. Công trình đảm nhiệm tưới cho 168 ha diện tích các loại, trong đó: tưới cho lúa vụ đông xuân và nuôi trồng thủy sản khoảng 128 ha, tưới cho các loại cây trồng khác 40 ha. Hiện tượng rò rỉ nước dưới chân đập phía hạ lưu và lún mái thượng lưu suốt chiều dài 625m của đập chính diễn ra khá lâu rồi, nhưng tình trạng sập mái thượng lưu tạo thành các hang hốc lớn chỉ mới xuất hiện từ năm 2011 lại nay. Sau mùa mưa bão năm ngoái, dù ngân sách eo hẹp nhưng xã đã trích kinh phí 42 triệu đồng để làm thêm cầu công tác vận hành cống, đồng thời đổ 5 xe đất rồi đầm nện chặt và ghép đá trát vữa xi măng quanh khu vực cống.
“Mới mấy tháng thôi mà nước đã xói trôi cả rồi. Kỳ Nam vốn nghèo có tiếng nay càng khốn đốn hơn khi hàng chục ha nuôi trồng thủy sản vùng hạ du thiếu nước ngọt để sản xuất. Nếu không sửa kịp thời chưa biết chừng mùa lũ năm nay 17 hộ dân sinh sống và sản xuất hai bên QL1A đoạn dẫn lên Đèo Ngang có an toàn. Còn cả đền Công chúa Liễu Hạnh nằm cách chân đập mấy chục mét nữa... ”, ông Vin lo ngại nói.
Nhiều hộ dân và cả Đền thờ Công chúa Liễu Hanh nằm gần chân đập đang "sống trong sợ hãi" |
Theo ông Trần Quốc Hùng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, việc phát hiện tình trạng rò rỉ nước lớn ở đập Nước Xanh vào ngày 20/6 vừa qua và nay là hiện tượng sập mái thượng lưu đập chính của hồ Khe Bò tiếp tục báo động sự mất an toàn của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh ta, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ việc buông lỏng quản lý công trình của chính quyền địa phương cơ sở. Cũng như Nước Xanh, nếu sự cố ở hồ Khe Bò không được xử lý sớm trước mùa mưa bão năm nay thì không ai dám chắc về sự an toàn của công trình thủy lợi nằm dưới chân Đèo Ngang này!.
HẢI XUÂN
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn