“Năm đó tôi 16 tuổi. Buổi tối vừa ăn xong, tự dưng thấy một chiếc máy bay từ phía Đồng Lộc bay về. Một tích tắc sau, tiếng nổ rầm rầm, hàng loạt bom sát thương, bom bi đồng loạt trút xuống. Tôi nhanh chân chạy ra hầm nơi góc vườn. Mẹ bị thương, trườn ra hầm nhưng không kịp. 3 em ruột cũng tử vong ngay lúc đó” - ông Nguyễn Văn (SN 1952) nhớ lại những hình ảnh hãi hùng.
Rồi ông nhắc đi nhắc lại: “Khiếp! Khiếp! Khi đó, cả làng chạy tán loạn. Tôi sau đó chạy qua bên kia đồng về phía xã Thạch Liên, 3 - 4 ngày sau vẫn không ăn được cơm. Khi quay trở lại thì biết thêm, nhà cậu Yên (tức Thân Văn Yên - PV) cách đó 100m, chết cả 5 người, gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con. Tất cả người chết đều được đội tự vệ chôn cất”.
“Bất ngờ nghe tiếng nổ, bà nội xuống khỏi giường để chui vào hầm tròn dưới gầm giường, chị gái lao ra vườn để xuống hầm chữ A, nhưng cả bà và chị gái đều bị bom sát hại. Nhà cháy dữ dội. Cả làng lửa rợp trời, người và vật nuôi chạy tán loạn. Số chạy ra đồng, số khác chạy về phía làng Kẻ Vẹt, số lên thôn Tân Hưng (Thạch Liên), sang Can Lộc... Sau này, nhà tôi được hỗ trợ làm lại 2 gian nhà tranh” - ông Trần Đức (SN 1960) - Phó thôn Hưng Giang kể.
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Trần Văn Sửu (SN 1937) nhớ rất rõ: “Khi đó, chính tôi trông thấy máy bay bay từ hướng Đồng Lộc về. Tôi vừa ăn tối xong, ngồi chơi với mẹ bên chõng tre dưới rèm. Đùng một cái, hàng loạt bom nổ. Mẹ và đứa cháu ruột con anh trai tử vong tại chỗ. 50 năm qua, ngày 18/6 hàng năm là ngày giỗ mẹ và cháu”.
Theo ông Sửu, sở dĩ Mỹ thả bom là vì làng có bến đò, nay là chỗ gần nhà thờ giáo họ. Nơi đây mở đường tránh để bộ đội qua bến đò, hành quân ngược lên Đồng Lộc. Đường chính lúc đó Mỹ dội bom rất ác liệt. Đêm đó, nghe nói người dưới đò bật lửa soi vật gì đó, máy bay địch phát hiện được nên đồng loạt ném bom.
Đứng giữa sân nhà gần bến đò năm ấy, bà Thân Thị Lĩnh nói: “Chỉ riêng giữa sân này, bom bi phải tính bằng rổ. Giờ lấp lại, không đả động đến chứ dưới đó nhiều lắm. Hồi đó, bom nổ kinh hãi, cả nhà bác Yên 5 người chết không còn ai” (bà Thân Thị Lĩnh là cháu ruột của ông Thân Văn Yên).
Thôn trưởng Trần Văn Tuế (SN 1958) trao đổi: “Tôi vẫn khiếp đảm đến giờ. Để ghi dấu đau thương của nhân dân nơi đây, dù lương hay giáo, thôn đã họp nhiều lần, rà soát và thống kê danh sách người tử nạn. Thôn mong muốn xây dựng bia chứng tích tại khu vực gần bến đò gần nhà thờ giáo họ, nơi đây vừa trung tâm, vừa là điểm ngày trước có nhiều người bị thương”.
Hưng Giang nay đã đổi thay nhiều nhưng ký ức ngày cũ người dân còn nhớ mãi. Hiểu rõ đau thương thời chiến tranh, hơn 160 hộ dân luôn giữ gìn đoàn kết lương - giáo, đồng thuận với chủ trương các cấp để tiếp tục phát triển.
Ngoài thu nhập từ nghề nông, người dân còn giữ gìn nghề làm bánh đúc, bánh đa truyền thống, đi làm thợ xây... Thôn đã khang trang hơn nhiều từ khi thực hiện chủ trương xây dựng NTM.
Chủ tịch UBND xã Việt Xuyên Trần Sỹ Anh chia sẻ: “Cách đây 50 năm, đế quốc Mỹ ném bom xuống thôn Hưng Giang làm chết tại chỗ 48 người, nhiều người bị thương được dân làng đưa đi cấp cứu nhưng sau đó không qua khỏi. Để tuyên truyền, tố cáo tội ác và hậu quả do đế quốc Mỹ gây ra, xã đã lập tờ trình, mong muốn được xây dựng bia chứng tích chiến tranh".