Những năm gần đây, người dân xã Nghĩa Dũng đưa cây đu đủ vào trồng theo hướng thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Chỉ với 3 sào đu đủ, không ít nông dân thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Đến thăm ruộng đu đủ của anh Lê Minh Bảy, chúng tôi ngỡ ngàng vì cây đu đủ chỉ cao khoảng 80cm, nhưng trái mọc chi chít sát gốc. Sau 6 tháng trồng và chăm sóc, ruộng đủ đủ của anh Bảy đã ra chật trái từ gốc đến ngọn. Chia sẻ về bí quyết làm lùn cây đu đủ, anh Bảy cho biết, trước đây bố anh cũng gắn bó với cây đu đủ, nhưng hiệu quả không cao. Cây chủ yếu phát triển cây và lá, cho năng suất rất thấp. Mỗi cây thường chỉ ra được vài trái, trái nhỏ. Khi hái phải bắc ghế hoặc bắc thang mới hái được.
Anh Lê Minh Bảy kiếm cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ làm lùn cây đu đủ.
Nhà có 3 sào đất trồng rau cũng là thương lái chuyên thu mua nông sản, không có nhiều thời gian chăm sóc khi trồng các loại rau ăn lá khác. Hiệu quả từ các loại rau ăn lá không cao, thường xuyên lâm vào cảnh được mùa mất giá nên anh Bảy chọn cây đu đủ vì nó ít tốn công chăm sóc. Nhưng làm thế nào để cây đủ đủ cho hiệu quả kinh tế cao là điều khiến anh Bảy luôn trăn trở?
Anh Bảy suy nghĩ nếu “hãm” được chiều cao của cây đu đủ chắc chắn cây sẽ cho ra hoa, đơm trái sớm. Bỏ thời gian mày mò, anh ươm giống cây đu đủ vào khay cho ra cây con rồi nhổ lên thấy có một rễ cọc và nhiều rễ chùm. Với vốn kiến thức của mình, anh Bảy hiểu rễ cọc cắm rất sâu vào lòng đất, đóng vai trò chủ lực hút chất dinh dưỡng giúp nuôi thân và nuôi lá, thế là anh mạnh dạn ngắt rễ cọc, để lại rễ chùm rồi mang ra trồng thử.
Kết quả đúng như mong đợi, những cây đu đủ trồng thử nghiệm bằng cách ngắt rễ cọc, giữ lại rễ chùm đơm hoa và cho quả từ khi cây chỉ cách mặt đất vài chục cm, cho năng suất và sản lượng vượt trội. Tính từ thời điểm thu hoạch lứa đầu tiên, chỉ cần 15 ngày sau cho thu hoạch lứa tiếp theo.
Dễ trồng, cho thu nhập cao
Ba năm qua, anh Bảy luôn chọn cây đu đủ là cây trồng chủ lực. Đu đủ vừa dễ trồng, ít sâu bệnh mà hiệu quả kinh tế cao. Hằng năm, cứ sau mùa lũ, thường là tháng 11 âm lịch, bắt đầu xuống giống, đến tháng 4 âm lịch thu hoạch lứa đầu tiên. Khoảng 15 ngày lại thu lứa tiếp theo, cứ thế thu hoạch đến khi lũ về.
Nhờ bí quyết cắt rễ cọc, để rễ chùm mà những cây đu đủ trong vườn gia đình anh Bảy đậu trái cách gốc chỉ hơn 40 cm.
Anh Bảy cho biết, nếu chăm sóc tốt, trái có trọng lượng từ 1,5 - 4kg, nhiều trái có trọng lượng lên đến 8kg. Trung bình, 1 sào đu đủ được hơn 10 tấn, với 3 sào đu đủ, anh thu được hơn 30 tấn, với giá bán từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi 100 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ các loại rau ăn lá trồng xen canh khi đu đủ còn nhỏ.
Ngoài số lượng đu đủ của gia đình, mỗi ngày anh thu mua khoảng 2 tấn đu đủ của bà con xuất bán trong tỉnh và nhiều tỉnh thành khác như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Bình Định…
Anh Lê Minh Nghiệp, anh trai anh Bảy cũng là một trong những người theo đuổi mô hình trồng cây đu đủ thương phẩm. Gia đình anh Nghiệp có nguồn thu nhập khá, ổn định từ vườn đu đủ. Qua thực tế, cây đu đủ cho thu nhập cao, ổn định hơn nhiều loại cây trồng khác.
Anh Nghiệp trồng 4 sào đu đủ theo cách làm này. Ít ai ngờ loài cây tưởng chừng trồng “ăn chơi” này đã cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Vụ mùa năm nay, 2 lứa đầu tiên, anh Nghiệp đã hái được hơn 2 tấn, với giá bán 5.500 đồng/kg, lãi hơn 10 triệu đồng.
Đu đủ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để cây sinh trưởng tốt, vun gốc để dễ thoát nước, không nên trồng mật độ quá dày, cần tạo lớp đất mặt tơi xốp, giàu dinh dưỡng để giúp rễ phát triển tốt. Ngoài ra cần chú ý phòng trừ rầy lưng đỏ gây hại bám vào khiến quả sần sùi, làm giảm năng suất. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn