Hiện, Lâm Đồng đang có khoảng 6.800 ha diện tích dâu tằm, chiếm gần 70% diện tích cả nước. Hàng năm, sản lượng đạt gần 124.700 tấn lá dâu, 9.000 tấn kén, và chế biến gần 1.200 tấn tơ.
Nhiều nông hộ ở Lâm Đồng đã chủ động đưa giống dâu năng suất, chất lượng vào trồng. Ảnh V.Việt
Đặc biệt, công nghệ chế biến tơ lụa Lâm Đồng đã được đầu tư, nâng cấp với 50 dãy ươm tơ tự động, đạt 80% sản phẩm tơ cấp cao và 20% tơ thủ công.
Công nghiệp dệt lụa, dệt may từ tơ tằm, đạt bình quân 5 triệu mét và 200.000 sản phẩm/năm. Ước có hơn 14.000 nông hộ trồng,dâu. nuôi tằm, cung cấp ổn định cho khoảng 150 cơ sở thu mua kén, 22 cơ sở ươm tơ dệt lụa.
“Nghề trồng dâu nuôi tằm của Lâm Đồng đã khôi phục, và có chiều hướng phát triển nhanh về diện tích, sản lượng kén tằm, tơ lụa. Chất lượng kén được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu ươm tơ chất lượng cao, phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Hiệu quả ngành dâu tằm Lâm Đồng tăng cao so một số cây trồng, vật nuôi khác, bởi vốn đầu tư ban đầu thấp, vòng quay nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi…”- Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng đánh giá.
Cũng theo Sở, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng đang phát triển quy mô hàng đầu của cả nước, góp phần lớn trong XDNTM, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Song, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là công tác quản lý nhà nước, kinh doanh trứng giống tằm chưa thực sự phát huy. Phần lớn trứng giống tằm nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch thiếu kiểm soát chất lượng.
Trong khi việc nghiên cứu sản xuất trứng tằm giống trong nước nói chung, và Lâm Đồng nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng bệnh hại trên cây dâu, con tằm còn xảy ra nhiều nơi, gây tổn thất lớn cho năng suất lá dâu và sản lượng kén tằm.
Sản phẩm dâu tằm tơ chủ yếu tiêu thụ tự phát, thiếu mô hình liên kết quy mô lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ. Nguồn vốn hạ tầng cơ sở ngành dâu tằm tơ còn hạn hẹp, phần lớn huy động từ xã hội hóa, dẫn đến thiếu đồng bộ, để tạo ra đột phá.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, Lâm Đồng xác định 5 nhóm giải pháp trong 5 năm tới gồm: Chủ động nguồn giống trứng tằm, chuyên môn hóa cơ sở nuôi tằm con, ưu tiên chuyển đổi giống dâu được công nhận tại Việt Nam như: S7-CB, TBL-03, VA-201, TBL-05.
Mở rộng liên kết, phát triển vùng nguyên liệu gắn với nhà máy ươm tơ, dệt lụa, phát triển làng nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với du lịch để quảng bá sản phẩm.
Thu hút các thành phần kinh tế có năng lực, để đầu tư vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định; hỗ trợ chuyển đổi diện tích đất lúa 1 vụ, đất trồng cây công nghiệp dài ngày kém hiệu quả, sang trồng dâu tằm; hỗ trợ các đơn vị xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước.
Theo đó, Lâm Đồng phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2023: ổn định 8.500 ha diện tích dâu lai, 2.000 ha dâu ứng dụng công nghệ cao, tổng sản lượng 210.000 tấn lá dâu.
Cung cấp đầy đủ nguồn giống tằm chất lượng cao, trong đó chiếm ít nhất 30% nguồn giống trong nước. Sản lượng tơ tằm 1.900 tấn, kén tằm 14.500 tấn.
Hình thành ban đầu 3 mô hình liên kết liên huyện, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ ở Đức Trọng - Lâm Hà - Đam Rông, Di Linh - Bảo Lâm - thành phố Bảo Lộc và Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên.
Hy vọng, những giải pháp phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ 5 năm tới, đạt và vượt chỉ tiêu nêu trên, làm điểm xuất phát mới, để xây dựng Lâm Đồng sớm trở thành trung tâm sản xuất dâu tằm tơ cả nước.
Di Linh: Vườn rẫy đa cây con, thu nhập cao
Hiện, nhiều hộ đồng bào DTTS đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Ông K’Nhôr, thôn Lộc Châu 3, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (Lâm Đồng), là một trong những người đi đầu ở Tân Nghĩa.
Mô hình vườn của ông K’Nhôr cho hiệu quả cao. Ảnh L.Phương
Trước đây, ông K’Nhôr sống ở thôn K’Brạ, do không có ruộng lúa nước, chỉ dựa vào vài sào lúa rẫy, đến năm 1985 mới chuyển sang trồng cà phê.
Cùng với một số hộ xã Tân Nghĩa, ông K’Nhôr được chính quyền địa phương đánh giá cao là người chịu khó học hỏi, tích cực tham gia các lớp khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.
Từ 2,2 ha cà phê, ông K’Nhôr đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng giống mới 1,2 ha, chuyển đổi 3 sào cà phê sang trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, trồng xen 200 gốc sầu riêng, 1.000 gốc hồ tiêu, theo mô hình đa cây.
Ngoài ra, ông còn đầu tư gần 100 triệu đồng để khoan giếng, đào ao với diện tích khoảng 90 m2, vừa tích nước chống hạn, vừa thả cá trê, rô phi, cải thiện bữa ăn. Đến nay, mô hình kinh tế của K’Nhôr phát triển tốt, bước đầu đã nâng cao thu nhập.
K’Nhôr chia sẻ: “Là người dân chân lấm tay bùn, tôi nhận thấy nguyên nhân bà con trong thôn nói riêng, và một số thôn trên địa bàn nói chung còn nghèo, cuộc sống khó khăn.
Ngoài nguyên nhân khách quan, một phần do không xác định được hướng phát triển kinh tế. Bà con chỉ chăm lo những cái lợi trước mắt, chưa có tư duy sản xuất lâu dài, bền vững, tạo nhiều nguồn thu”.
Vẫn xác định cà phê là cây chủ lực, bình quân, hàng năm ông Nhôr thu 12 tấn cà phê nhân, và một số cây trồng khác. Đặc biệt, khoảng một năm nay, ông K’Nhôr đã có thêm 3,5 triệu đồng/tháng, từ trồng dâu nuôi tằm, nên chủ động chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Đến nay, mô hình kinh tế của ông K’Nhôr đã đem lại hiệu quả khá cao, thu hút bà con trong xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Với bà con trong vùng, ông K’Nhôr luôn niềm nở, nhiệt tình chia sẻ cách làm, kinh nghiệm hay để cùng phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Đắk Lắk: Thoát nghèo trên vùng đất bỏ hoang
Trước đây, gia đình anh Trần Hữu Thân, thôn 3, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, có hoàn cảnh rất khó khăn. Con đông, phải bươn chải làm ăn để nuôi con học hành và tích lũy mua đất sản xuất.
Trồng xen chuối trong vườn hồ tiêu của anh Thân
Có ít vốn, anh Thân mạnh dạn mua lại mảnh đất dốc, sỏi, bạc màu, sình lầy của người dân bỏ hoang, và cải tạo để trồng trọt, chăn nuôi.
Phía trên hơn 2 ha đất đồi dốc, cằn cỗi, vợ anh phát dọn, cuốc xới, mua phân bò về cải tạo để trồng cà phê, hồ tiêu; bên dưới là vùng đất sình lầy mọc đầy cỏ dại, anh cải tạo để cấy lúa, đổ đất màu trồng ngô lai; phần đất dốc trồng cây ăn quả.
Đến nay, anh Thân đã có hơn 1.000 cây cà phê, 270 trụ hồ tiêu, 3 sào ruộng lúa, đều đang cho thu hoạch. Nhờ chăm sóc tốt, nên mỗi năm thu được khoảng 2,5 tấn cà phê nhân, hơn 8 tạ hồ tiêu và 3 tấn lúa. Anh còn trồng xen nhiều loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, hồng xiêm, mận… Riêng vụ sầu riêng vừa qua, chỉ có hơn 20 cây, nhưng vẫn thu được hơn 20 triệu đồng.
Cách đây 5 năm, thấy đất trong vườn phù hợp cây chuối, anh Thân mạnh dạn trồng 8 sào. Thấy hiệu quả cao, năm 2017, anh đổ đất màu trồng tiếp 4 sào, và trồng xen chuối với hồ tiêu.
Hiện, anh có khoảng 1,4 ha chuối; thu nhập gần 50 triệu đồng/năm. Anh còn bán được hàng trăm cây chuối giống.
Ngoài trồng trọt, anh Thân còn nấu rượu, chăn nuôi, đào 2 ao cá rộng hơn 3.000 m2, vừa làm thức ăn, vừa bán. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định trên vùng đất cằn.
Người phụ nữ tiên phong trồng sâm ở Măng Ri
Căn nhà sàn đơn sơ bằng nứa, gỗ được vợ chồng Y HLạng dựng lên 4 năm nay.
Chị Y H Lạng với sản phẩm sâm dây Ảnh: TN
Ngày trước, đây là nơi cán bộ thường ghé qua; có hôm nghỉ lại, mỗi lần về Măng Ri công tác.
Gần đây, nhà chị còn là nơi tìm tới của du khách, để tìm hiểu, trải nghiệm về cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng, vùng căn cứ kháng chiến, nơi trước đây, Tỉnh ủy Kon Tum đóng quân.
Hôm nay lại có khách, họ muốn tìm hiểu về sâm dây và mua về sử dụng.
Nếu sâm Ngọc Linh là loài “thuốc giấu” quý hiếm, chỉ mọc dưới tán rừng vùng sâu, địa hình đặc thù; thì sâm dây “dễ tính” hơn, vì mọc lan trên đồi rẫy, đất trống, cần nhiều ánh nắng để quang hợp.
Ngày trước, sâm dây mọc nhiều ở rẫy cao, không cần chăm sóc. Năm 2014, sâm dây hoang dã được đưa về trồng trên rẫy, trong vườn làng Pu Tá (xã Măng Ri).
Chính Y HLạng là người đi đầu, tạo ra một “cuộc cách mạng” trong sản xuất của đồng bào Xơ đăng; tuy chưa to tát, lớn lao, nhưng thực sự có ý nghĩa.
Được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ, Sở Khoa học và Công nghệ, Y HLạng mạnh dạn thí điểm. Vừa làm vừa học, chẳng màng nhọc nhằn, vườn sâm dây của chị đã đem lại kết quả tốt.
Thành công của chị là cơ sở để Hội Phụ nữ tỉnh rút kinh nghiệm, nhân rộng, hỗ trợ chị em Măng Ri, Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông và Ngọc Linh, Mường Hoong, huyện Đăk Glei.
Hiện, vườn sâm dây 1ha của Y HLạng, lần đầu tiên thu 1,5 tạ củ sâm dây tươi/1 sào, 2 năm gần đây, năng suất tăng 2,5-3 tạ/sào. Với giá bán 60 -100.000 đồng/kg (củ tươi) và 350 -500.000 đồng/kg (củ khô). Với giá như trên, người trồng sâm dây yên tâm chuyển hướng đầu tư trên đất rẫy.
Ngoài ra, sâm dây còn giúp chị thu nhập ổn định, trên 100 triệu đồng/năm, đồng thời, còn là nguồn giống đáng kể, để hỗ trợ bà con trong buôn.
Giờ đây, Măng Ri đã có 2ha sâm Ngọc Linh, gần 40ha sâm dây. Thu nhập của các hộ được nâng cao, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo. Riêng thôn Pu Tá, hộ nghèo giai đoạn 2012- 2018 giảm từ 54% xuống 45%.
https://kinhtenongthon.vn/lam-dong-dua-nganh-dau-tam-to-dung-dau-ca-nuoc-post29176.html