Lựa chọn các ngành hàng chủ lực của quốc gia và địa phương để thúc đẩy việc thành lập hợp tác xã chuyên ngành nhằm tổ chức lại sản xuất từng ngành hàng.
Lựa chọn ngành hàng chủ lực thúc đẩy thành lập hợp tác xã chuyên ngành. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2017 - 2020 cần phải thành lập mới 5.200 hợp tác xã nông nghiệp để hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao. Từ đó, lựa chọn các ngành hàng chủ lực của quốc gia và địa phương để thúc đẩy việc thành lập hợp tác xã chuyên ngành nhằm tổ chức lại sản xuất từng ngành hàng. Theo đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, thành lập mới các hợp tác xã để tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ xuất khẩu và nội tiêu. Đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ cần phải thay đổi phương thức tổ chức theo hướng tổ chức lại các hoạt động dịch vụ thiết yếu, mở rộng các dịch vụ mới ở địa phương, liên kết với các doanh nghiệp để chuyển các hoạt động sản xuất truyền thống sang tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, các hợp tác xã mới được thành lập xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa như lúa giống, lúa chất lượng cao hoặc có thể chuyển một phần diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao... Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần lựa chọn các tổ hợp tác đang hoạt động tốt để vận động nâng cấp thành các hợp tác xã. Hợp tác xã chuyên ngành sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long huy động vốn để mua tài sản, phương tiện và tổ chức các hoạt động cung ứng dịch vụ đầu vào, thu hoạch, áp dụng tiến bộ kỹ thuật... Các tỉnh có diện tích cà phê lớn lựa chọn các chủ trang trại có diện tích lớn, khả năng tổ chức sản xuất tốt có uy tín đối với cộng đồng để làm sáng lập viên vận động thành lập hợp tác xã trồng cà phê. Các hợp tác xã mía đường cần tổ chức lại sản xuất trên cơ sở quy hoạch tập trung vùng sản xuất mía của các hộ thành viên để đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu làm đất, trồng, thu hoạch; phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông nội vùng; ký hợp đồng với doanh nghiệp hoặc cơ sở chế biến đường để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Tập trung phát triển các hợp tác xã chăn nuôi đại gia súc ở các tỉnh có đầu đàn gia súc lớn và phát triển hợp tác xã chăn nuôi lợn, gia cầm ở các tỉnh thông qua vận động các tổ hợp tác nâng cấp thành hợp tác xã hoặc những chủ trang trại, người sản xuất giỏi, có kinh nghiệm và uy tín với cộng đồng lám sáng lập viên vận động thành lập các hợp tác xã chăn nuôi. Đối với lĩnh vực thủy sản cần rà soát lại các hộ nuôi nhỏ lẻ, các tổ hợp tác nuôi thủy sản tuyên truyền, vận động thành lập hợp tác xã; vận động các tổ hợp tác nâng cấp thành hợp tác xã hoặc những chủ hộ nuôi có khả năng tài chính, uy tính đối với các hộ nuôi thủy sản làm sáng lập viên vận động thành các hợp tác xã nuôi thủy sản. Khuyến khích thành lập các hợp tác xã phục vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ sản phẩm ứng dụng công nghệ trong sản xuất khai thác, thu mua, bảo quản thủy sản. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc phát triển các hợp tác xã trồng, bảo vệ, sơ chế, dịch vụ giống, vật tư và tiêu thụ sản phẩm là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp và phát triển bền vững ngành lâm nghiệp. Trong năm 2018 thực hiện thí điểm xây dựng 1-2 hợp tác xã làm mô hình điểm sau đó tuyên truyền nhân rộng phá triển những năm sau..../. Theo Thành Chúng/bnews.vn