Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi, nhất là khi các nước nhập khẩu đòi hỏi ngày càng cao về tính hợp pháp như hiện nay thì các làng nghề gỗ sẽ phải chủ động vượt qua nhiều khó khăn để trụ vững.
Thách thức mới
Những năm gần đây, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ khi sản phẩm đồ gỗ “made in Vietnam” đã xuất khẩu đi 120 thị trường trên thế giới, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… Theo đó, các làng nghề gỗ phải sử dụng một lượng gỗ nguyên liệu tương đối lớn. Nếu như năm 2007, các làng nghề gỗ trên cả nước sử dụng khoảng 305.600m3 gỗ quy tròn thì đến nay, nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng lên 400.000 - 600.000m3. Đáng chú ý là nguồn gỗ nguyên liệu trong nước cơ bản đã cạn kiệt, mỗi năm cả nước phải nhập khẩu khoảng 400.000m3 gỗ.
Chỉ tính riêng tại làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), hiện mỗi năm các hộ gia đình, cơ sở chế biến sử dụng khoảng 34.000m3 gỗ. Chính vì thiếu nguyên liệu mà tình trạng khai thác, buôn bán gỗ trái phép đang diễn ra khá phổ biến, thậm chí ngày càng căng thẳng và gay gắt, dẫn tới thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái.
Trong khi đó, năm 2010, Việt Nam và Cộng đồng châu Âu (EU) đã chính thức tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ của Kế hoạch hành động về tăng cường thực thi pháp luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) do EU khởi xướng. Mục đích chính của kế hoạch này là đàm phán và thiết lập các cơ chế nhằm đảm bảo sản phẩm gỗ nhập khẩu vào EU là hợp pháp. Khi Việt Nam và EU ký VPA, các sản phẩm gỗ không minh bạch về nguồn gốc có xuất xứ từ Việt Nam sẽ bị loại khỏi thị trường EU.
Cùng với FLEGT-VPA, Việt Nam cũng đang tham gia sáng kiến Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), theo đó, nước ta cam kết đưa ra các cơ chế và biện pháp hiệu quả nhằm bảo tồn được nguồn tài nguyên rừng hiện có, góp phần duy trì và làm giàu bể chứa các-bon lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững. Thực hiện REDD+ sẽ góp phần tăng cường quản trị rừng, giảm thiểu việc khai thác gỗ bất hợp pháp trong phạm vi quốc gia.
Rõ ràng, với việc tham gia thực hiện FLEGT-VPA và REDD+, hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề gỗ đứng trước khá nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các sản phẩm đồ gỗ phải được sản xuất từ nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp (từ khâu khai thác, vận chuyển cho đến chế biến), trong khi lượng gỗ nguyên liệu mà các làng nghề đang sử dụng có nguồn gốc từ rừng tự nhiên khá lớn. Điều đáng nói là cho đến nay, các làng nghề gỗ vẫn chưa tiếp cận được các thông tin có liên quan đến tiến trình thực hiện các sáng kiến FLEGT và REDD+.
Phải chủ động
Xét trên khía cạnh môi trường, tham gia FLEGT hay REDD+ sẽ góp phần giúp nước ta hạn chế được nạn khai thác gỗ lậu nhờ hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ và cơ chế giám sát độc lập. Khi đồ gỗ xuất khẩu buộc phải có chứng chỉ FLEGT, giá gỗ rừng trồng sẽ tăng và sẽ khuyến khích dân trồng rừng để có gỗ hợp pháp làm hàng xuất khẩu. Để thực hiện điều này, không thể ngày một ngày hai là xong, mà chúng ta phải thay đổi từ cách nghĩ tới cách làm, nhưng có thể chắc chắn một điều, nếu đứng ngoài chương trình hành động FLEGT, có thể Việt Nam sẽ mất đi thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm lợi thế cạnh tranh ở thị trường châu Âu, Hoa Kỳ…
Hiện, các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu mua nguyên liệu qua thương lái nên khó truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. |
Cả nước hiện có khoảng 300 làng nghề chế biến gỗ, trong đó, gần 50% làng nghề tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Một số làng nghề đã có sản phẩm xuất khẩu như Đồng Kỵ (Từ Sơn - Bắc Ninh), La Xuyên (Ý Yên - Nam Định)… Ước tính, lượng gỗ nguyên liệu sử dụng hàng năm ở các làng nghề vào khoảng 400.000 – 600.000m3 gỗ quy tròn, chủ yếu từ nguồn nhập khẩu và khai thác trong nước, trong đó có khá nhiều gỗ nhóm 1, gỗ quý hiếm. |
Minh Huệ (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn