Từ 6 quả na Chi Lăng được đấu giá 100 triệu
Vùng đất Chi Lăng được ưu ái bởi có cánh cung Bắc Sơn, dãy núi Cai Kinh với đất frelarit trên đá vôi cộng với tiểu khí hậu rất phù hợp, giúp cây na phát triển tốt. Quả na nơi đây vì thế rất khác so với các vùng khác, khác ngay cả na trên núi đá và na trồng ở chân núi khu vực đất phù sa. Na trên núi bao giờ cũng có vị ngọt sắc hơn.
Ngoài ra, thiên nhiên cũng ưu đãi cho Chi Lăng hướng địa hình là hướng Bắc - Nam nên cây quang hợp rất tốt. Nhờ vậy quả na Chi Lăng có hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao, cùi dày, ít hạt, được người tiêu dùng ưa thích.
Cây na giúp người dân Chi Lăng, Lạng Sơn có thu nhập cao mỗi năm. Ảnh: L.C
Năm nay, huyện Chi Lăng tổ chức lễ hội na lần thứ 3 với mục đích tôn vinh những người trồng, chăm sóc na, những doanh nghiệp đã và đang đồng hành cũng bà con trong chăm sóc và tiêu thụ na. Ngoài quảng bá, xúc tiến tiêu thụ mở rộng thị trường, lễ hội còn mang thông điệp tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người trồng na trong sản xuất hàng hóa nhưng phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo theo tiêu chuẩn, đặc biệt đối với vấn đề an toàn thực phẩm. |
Để tiếp tục giữ vững thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, tỉnh Lạng Sơn đang đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Đặc biệt, người tiêu dùng cả nước càng chú ý tới sản phẩm na Chi Lăng khi gần đây, tại khu trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tổ chức tại TP.HCM, đã có sự góp mặt của na Chi Lăng. 6 quả na được tuyển chọn khắt khe, trọng lượng mỗi quả nặng tới trên 1kg. Sau thời gian trưng bày, Ban tổ chức thực hiện đấu giá và một doanh nghiệp đã mua với giá 100 triệu đồng.
Kết quả này cho thấy, chất lượng và giá trị na Chi Lăng đã được nâng tầm và ngày càng được đánh giá cao.
Chia sẻ về giống cây ăn quả trồng trên núi đá giúp dân đổi đời này, ông Vi Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Tại địa phương hiện có 2 loại na là na bở và na dai. Na bở là giống bản địa, na dai là của bà con huyện Hoài Đức (Hà Nội) đưa về đây trồng từ cách đây hơn 30 năm.
“Chính cây na đã giúp người dân Chi Lăng đổi đời, giá trị kinh tế mấy năm gần đây tăng liên tục. Năm 2017, huyện tổ chức lễ hội na lần đầu tiên và giá trị kinh tế từ na đạt hơn 400 tỷ đồng; năm 2018 tăng lên 600 tỷ đồng và năm 2019 ước tính đạt trên 600 tỷ đồng. Hiện nay Chi Lăng có 8 xã trồng na với tiềm năng vẫn còn rất lớn” - ông Trung đánh giá.
Được biết, toàn huyện Chi Lăng có 1.800ha trồng na, trong đó na đã cho thu hoạch là hơn 1.500ha. Cây na cũng được coi là loại cây ăn quả lâu năm vì tuổi thọ khoảng 50 năm. Nếu trước đây, năng suất na phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên thì gần 10 năm trở lại đây, bà con trồng na đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc như bẫy bả ruồi vàng, cắt tỉa cành, thụ phấn để đậu quả ở cành khỏe cho quả na to và đều hơn.
Sản phẩm na Chi Lăng hiện đã có tem truy xuất nguồn gốc.
Để bảo vệ và giữ vững thương hiệu cho sản phẩm, vụ na năm 2019, huyện Chi Lăng tiếp tục hỗ trợ hơn 50.000 tem truy xuất nguồn gốc và hơn 20.000 hộp giấy (có in nhãn mác sản phẩm Na Chi Lăng) cho các hộ trồng na, các cơ sở kinh doanh, các HTX và doanh nghiệp cung ứng sản phẩm na. Qua khảo sát và tính toán, sản lượng na năm nay ước đạt trên 18.000 tấn (tính cả sản lượng na gối vụ), tăng khoảng 2.000 tấn so với vụ na năm 2018.
Trồng na đảm bảo an toàn thực phẩm
“Từ 30/6/2019, huyện đã chỉ đạo các xã trồng na dùng bẫy bả ruồi vàng đồng loạt. Mục tiêu của huyện là nâng tầm, tăng diện tích sản xuất sang trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch của Bộ NNPTNT, hướng tới sản phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn phải đảm bảo an toàn thực phẩm” - ông Vi Quang Trung nói.
Đối với thị trường tiêu thụ, những năm gần đây tỉnh Lạng Sơn cũng như huyện Chi Lăng cùng bà con nông dân tìm hướng mở rộng thị trường liên kết với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và một số doanh nghiệp ở Trung Quốc. Riêng na tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc hiện chiếm 30-35% sản lượng, còn lại là thị trường trong nước.
Người dân bọc na cho vào thùng để đem đi tiêu thụ.
Na có một có hạn chế trong bảo quản, đó là khi chín vỏ dễ bị thâm đen, dập nát, ảnh hưởng đến mẫu mã và chất lượng nên việc xuất khẩu đi các nước xa về địa lý rất khó khăn.
“Nếu để trong thùng đông lạnh, bảo quản sẽ được lâu hơn nhưng quả na sẽ bị thâm lại, xấu quả, vì thế na hiện chỉ xuất đi được nước gần như Trung Quốc. Tuy nhiên, na chưa phải là nông sản được xuất khẩu chính ngạch nên tỉnh cũng đã đề xuất lên Bộ NNPTNT để đàm phán với phía Trung Quốc” - ông Trung cho hay.
Theo ông Trung, thị trường trong nước ngày càng khó tính hơn, vì mức sống của người dân nâng cao nên yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng ngày càng tăng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, na Chi Lăng đã có khoảng 200ha trồng theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, còn lại hơn 1.000ha được trồng theo tiêu chuẩn an toàn.
Ngoài việc hỗ trợ bà con tem truy xuất nguồn gốc, huyện cũng liên tục tổ chức các lớp tập huấn trồng na theo mô hình nông nghiệp tốt (GlobalGAP, VietGAP) cho các hộ, giúp bà con chuyên nghiệp dần từ khâu cắt tỉa, chăm sóc, phòng trừ sâu hại đến thụ phấn, thu hái…
http://danviet.vn/nha-nong/len-doi-na-chi-lang-theo-chuan-vietgap-globalgap-1004843.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn