Vụ mùa năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Loan ở thôn Đông, xã An Vĩnh cùng với hàng trăm hộ trồng hành, tỏi ở đảo Lý Sơn lo lắng khi giá cát trắng tăng chóng mặt. Mỗi sào đất trồng hành tỏi phải cần từ 2-3 xe cát mới để cải tạo đất. Mỗi khối cát trắng san hô giá hơn 200.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Loan cho biết, cát năm nay hiếm hơn mấy năm trước nên giá đắt hơn. Những năm tới sợ rằng không có cát để dùng. Người dân rất lo lắng, nếu không có cát trắng thì ở đây không trồng hành, tỏi được”.
Giá cát trắng tăng cao nhưng muốn mua cũng không dễ. Nhiều hộ nông dân phải đặt trước vài ngày mới có đủ cát để cải tạo ruộng trồng hành, tỏi. Cứ sau mỗi vụ, nông dân phải dùng cát mới thay thế lớp cát cũ phủ lên bề mặt ruộng hành, tỏi.
Ông Bùi Thanh Hồng ở thôn Tây, xã An Hải cho rằng, để hành, tỏi đạt năng suất cao và mang hương vị đặc trưng, khâu cải tạo đất rất quan trọng: “Sử dụng đất mới để cho mát mặt, cây trồng mới phát triển. Đất cũ bị nóng. Đất nóng thì cây trồng không phát triển. Làng quê Lý Sơn không có đất mới thì không trồng được hành, tỏi”.
Để cải tạo hơn 300ha đất trồng hành, tỏi trên huyện đảo Lý Sơn cần khoảng 1 triệu m3 cát trắng. Nguồn cát dưới đáy biển ở khu vực ngày càng cạn kiệt, giá cát liên tục tăng cao. Việc khai thác cát vùng ven biển còn gây ra nguy cơ sạt lở bờ biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để hạn chế tình trạng này, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn nghiên cứu triển khai dự án trồng tỏi không cần thay cát trắng: “Đây là vấn đề huyện rất quan tâm. Chúng tôi đã yêu cầu tỉnh và các sở ngành về Lý Sơn để nghiên cứu mô hình trồng tỏi không dùng cát trắng. Như vậy sau này, huyện Lý Sơn sẽ phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái biển”./.
Theo kinhtenongthon.vn