ĐBSCL là vùng SX lúa quan trọng nhất của cả nước, nhưng lại chưa có những giống chiến lược, chưa xây dựng được thương hiệu lúa quốc gia
NNVN có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Văn Dư (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt về vấn đề này.
Thưa ông, ĐBSCL đang tồn tại một thực tế là có quá nhiều giống lúa được sử dụng nhưng lại không có những giống vượt trội hẳn lên? Thực ra, ĐBSCL hiện đã có một số giống lúa thơm, lúa hạt dài nổi bật về chất lượng. Về lúa thơm, có thể kể ra các giống rất tốt như Nàng hoa 9, các giống ST, giống lúa VND 95-20… Trong đó, gạo xay ra từ lúa Nàng hoa 9 đã được nhiều chuyên gia, khách hàng đánh giá là không thua kém giống Khao Dawk Mali nổi tiếng của Thái Lan. Còn lúa hạt dài, chúng ta cũng có những giống tốt như OM 4900, OM 6976… đang được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Sắp tới, sẽ có thêm một số giống lúa mới cũng sẽ cho gạo có chất lượng rất ngon. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo những giống lúa mới tốt hơn, có thể đem lại giá trị thương mại gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi những giống hiện nay và đáp ứng được các yêu cầu canh tác như khả năng kháng sâu bệnh tốt, thích ứng biến đổi khí hậu... Nếu đã có những giống tốt như thế, tại sao đến nay chúng ta vẫn chưa có giống nào nổi bật hẳn lên về diện tích, sản lượng để trở thành giống chiến lược? Những giống tốt đó đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng vùng SX. Mà nguyên nhân chính là ở khâu thị trường do thiếu sự tham gia của DNXK. Lẽ ra, khi trong nước đã có những giống lúa tốt, cho gạo chất lượng cao như thế, DNXK gạo phải nắm cơ hội, tích cực tìm kiếm thị trường cho gạo ST, gạo Nàng Hoa 9, gạo VND-20… đồng thời gắn kết với nông dân để hình thành và mở rộng các vùng nguyên liệu SX những giống lúa tốt này. Nói tóm lại, sự tham gia, gắn kết của DN với SX của nông dân sẽ là yếu tố quyết định để phát triển các giống lúa tốt. Chính vì vậy, trong cuộc họp bàn về tình hình XK gạo vào ngày 15/4 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thực hiện lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết SX và tiêu thụ thóc, gạo của DNXK giai đoạn 2015-2020. Qua chỉ đạo này cho thấy Chính phủ cũng coi vai trò của các DN là yếu tố quyết định trong việc hình thành các vùng nguyên liệu SX lúa gạo. Nhưng để có được sản phẩm gạo chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, ATTP của thị trường NK, DN không nên thu mua theo kiểu được chăng hay chớ mà phải tham gia thực sự, trước hết là cung ứng cho nông dân hạt giống chất lượng tốt được SX ở cơ sở đáng tin cậy. Kèm theo đó là quy trình SX đảm bảo cho ra sản phẩm đạt chất lượng và ATTP. Còn nếu DN chỉ tham gia mỗi khâu thu mua lúa, phó mặc cho nông dân trong vùng nguyên liệu tự mua giống, tự SX theo kinh nghiệm thì rất khó để có sản phẩm đạt chất lượng tốt... Việc hình thành nhiều vùng nguyên liệu với sự tham gia, gắn kết thực sự của DN cũng sẽ góp phần quan trọng để giảm bớt số lượng giống lúa sử dụng trên đồng ruộng. Bởi ở mỗi vùng nguyên liệu chỉ có thể sử dụng một vài loại giống nhằm đảm bảo sự đồng nhất về quy trình SX, chất lượng sản phẩm. Có một thực tế là nhiều giống lúa tốt được đưa vào SX ở ĐBSCL, nhưng sau một thời gian ngắn đã nhanh chóng bị thoái hóa do công tác nghiên cứu, chọn tạo chưa tốt hay do nguyên nhân nào khác? Nguyên nhân chính là ở tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực giống. Hiện nay, có tình trạng nhiều DN không có trong tay bản quyền một giống lúa nào đó, tức là không có hạt giống siêu nguyên chủng trong tay, nhưng vẫn công khai tổ chức SXKD giống lúa ấy.
Ảnh minh họa
Khi không có bản quyền thì đương nhiên DN không thể nắm được hết những đặc tính của giống lúa. Do đó, hạt giống thương mại do họ SX ra chắc chắn không thể đạt chất lượng tốt. Đây là vấn đề mấu chốt khiến nhiều giống lúa khi mới ra đời thì rất tốt, nhưng chỉ sau một thời gian không lâu đã bị thoái hóa. "Cần chấm dứt ngay SX lúa vụ XH ở nhiều địa phương bởi hiệu quả kinh tế thấp, lại dễ gặp rủi ro và là cầu nối sâu bệnh từ vụ ĐX sang vụ HT. Vụ HT tuy là vụ chính ở ĐBSCL nhưng cũng cần giảm bớt về diện tích bởi hiệu quả kinh tế từ vụ này là không cao. Khi bỏ SX lúa XH, giảm diện tích vụ HT, đương nhiên phải có phương án thay thế bằng cây trồng khác. Việc thay thế cần được tính toán cẩn thận, phải có sự tham gia, gắn kết của DN để đảm bảo đầu ra, hiệu quả kinh tế cho nông dân" (PGS.TS Phạm Văn Dư). Có thực trạng nói trên là vì công tác thanh kiểm tra SXKD giống nói chung và giống lúa nói riêng ở nước ta chưa được làm tốt như nhiều nước khác. Vì thế, trong thời gian tới, hệ thống thanh kiểm tra SXKD giống phải làm thật mạnh, xử phạt nặng những Cty vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực giống. Có như vậy, mới đưa việc SXKD giống thương mại vào quy củ, qua đó, khắc phục được tình trạng các giống lúa tốt không sớm bị thoái hóa. Một hạn chế lớn của lúa gạo VN hiện nay là chưa có thương hiệu quốc gia. Cần có những giải pháp nào để thực hiện được điều này? Khi đưa hoạt động SXKD giống lúa vào quy củ thì cũng là tiền đề để hình thành thương hiệu lúa gạo quốc gia vì chúng ta sẽ ổn định và phát huy được chất lượng của những giống lúa tốt đã có. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng ngay bộ tiêu chuẩn gạo thơm XK và gạo trắng XK, kèm theo đó là quy trình SX đảm bảo chất lượng gạo XK. Đây là những cơ sở để xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo VN. Khi đã xây dựng được thương hiệu, những Cty nào tổ chức SX, thu mua lúa gạo đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy trình nói trên thì sẽ được sử dụng thương hiệu quốc gia. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo VN cũng đang được sự quan tâm của Chính phủ. Trong cuộc họp về tình hình XK gạo vào ngày 15/4, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển thương hiệu gạo XK của VN, trong đó lưu ý những giải pháp về xây dựng bộ tiêu chuẩn, chất lượng gạo XK, quy trình SX lúa bảo đảm các yêu cầu chất lượng... Song song với việc xây dựng thương hiệu quốc gia, cần tập trung nâng cao hiệu quả trong SX lúa gạo, mà trước hết là giảm giá thành SX. Để làm được điều này, Sở NN-PTNT các tỉnh cần chỉ đạo mạnh mẽ việc SX lúa theo phương châm “1 phải, 5 giảm”, trong đó đặc biệt chú trọng tới giảm lượng giống và giảm thuốc trừ sâu. Hiện lượng giống bình quân sử dụng trong SX ở ĐBSCL vẫn còn khá cao và nông dân vẫn nhiều lần phun xịt thuốc trừ sâu một cách không cần thiết. Cứ tiếp tục làm như thế, vừa làm tăng giá thành SX lại không đảm bảo được chất lượng lúa gạo. Xin cảm ơn ông!
THANH SƠN
Theo nongnghiep.vn