Ngân hàng "chê” doanh nghiệp nên tiền chưa được tái đầu tư vào nền kinh tế Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới cho nên nền kinh tế Việt Nam cũng rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát cao. Để kéo giảm lạm phát, Chính phủ buộc phải thực hiện phương án thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên chính chính sách thắt chặt tiền tệ khiến hầu hết doanh nghiệp "khát vốn” trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Nhận thấy những khó khăn của doanh nghiệp về nguồn vốn, Chính phủ lại nới lỏng tiền tệ bằng cách giảm lãi suất. Song sau bao nhiêu chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp đến nay doanh nghiệp "khát” vẫn hoàn "khát”. Bởi, cơ hội "gặp nhau” giữa ngân hàng và doanh nghiệp chưa có sự chuyển biến tích cực. Theo hệ thống ngân hàng, khó khăn trong việc cho doanh nghiệp vay vốn hiện nay là bởi hàng tồn kho của doanh nghiệp quá lớn. Tồn kho nhiều thì khả năng trả nợ ngân hàng không khả thi. Trường hợp ngân hàng mạnh tay cho vay thì nợ xấu có thể gia tăng. Điều đó không những đe dọa đến tình hình thanh khoản mà còn ảnh hưởng đến khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng. Vì lo ngại nợ xấu nên các ngân hàng lại càng siết chặt điều kiện cho vay. Tính đến cuối tháng 8-2012, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng khoảng 1,4% so với đầu năm, trong khi vốn huy động tăng trưởng trên 10%. Dư nợ cho vay tăng trưởng thấp do kinh tế phát triển chậm, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,38%, việc tiêu thụ sản phẩm dịch vụ giảm, tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản kéo dài… Các ngân hàng khó khăn trong tăng trưởng tín dụng do khách hàng vay vốn không đủ điều kiện để cho vay theo quy định, doanh nghiệp không chứng minh được phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và khả năng trả nợ ngân hàng. Trước thực trạng doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn còn ngân hàng thì muốn quản lý đồng tiền hiệu quả hơn, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong khoanh nợ giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi tiếp cận với nguồn vốn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; nghiên cứu đẩy nhanh việc thành lập công ty mua bán nợ xấu. Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn bảo lãnh để tiếp cận với vốn vay ngân hàng”. Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ mong muốn, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp bán hàng giảm giá, miễn thuế giá trị gia tăng hoàn toàn cho các sản phẩm đang tồn kho ứ đọng; làm cầu nối để các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau, giảm thiểu nhập khẩu những nguyên liệu trong nước sản xuất được. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh phân phối bán lẻ, tiết kiệm chi phí từ việc tổ chức lại sản xuất, cắt giảm khâu trung gian đến cả tiêu hao lao động để giảm giá thành sản phẩm. Tìm các giải pháp để tiêu thụ sản phẩm, thậm chí bán sản phẩm thu đủ giá thành, còn hơn để nợ ngân hàng không thanh toán được, lãi suất ngày càng chồng chất. THANH GIANG |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn