Xác định việc lệ thuộc vào kháng sinh, vaccine nhập khẩu là khâu yếu, trong 2 năm qua, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp đã tập trung dồn sức để Việt Nam có thể chủ động sản xuất được vaccine.
Sở dĩ nói việc sản xuất vaccine ở nước ta đã có nền tảng bởi, bởi hiện, Việt Nam hoàn toàn tự chủ làm được phần lớn những vaccine thông dụng trong nước. Thời gian qua, Cục Thú y cũng cấp giấy chứng nhận sản xuất lưu hành vaccine cúm gia cầm và vaccine heo tai xanh sản xuất tại Việt Nam. Các loại vaccine này trước khi được cấp phép sản xuất lưu hành trong nước đã được cơ quan quản lý nhà nước về thú y kiểm nghiệm, thử nghiệm đạt chất lượng và được Hội đồng khoa học chuyên ngành thuốc thú y đánh giá đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn và hiệu quả. Hiện các công ty trong nước đã sản xuất được trên 371 triệu liều vaccine cúm gia cầm và trên 1,5 triệu liều vaccine heo tai xanh “made in Việt Nam”.
Như vậy, với hệ thống nghiên cứu, cơ sở kỹ thuật của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước hiện nay việc sản xuất vaccine không hề khó.
Trong năm qua, nước ta đã có những thành tựu to lớn mang tính đột phá, với vaccine mang thương hiệu “made in Việt Nam”. Cụ thể, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm hơn 200.000 liều vaccine phòng bệnh tai xanh đạt yêu cầu vô trùng và an toàn tuyệt đối với thời gian bảo vệ là 4 tháng. Dự kiến trong năm 2018, sản phẩm này sẽ được đưa ra thị trường.
Không những thế, một tin vui nữa đặc biệt tạo đột phá cho ngành là năm 2018, Việt Nam sẽ tự chủ sản xuất vaccine lở mồm long móng trên gia súc. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết tại Lễ công bố và chuyển giao giống virus lở mồm long móng cho các doanh nghiệp dùng để sản xuất vaccine diễn ra ngày 11/12/2017. Cụ thể đây là virus thuộc tuýp O với tên gọi “RAHO6/FMD/O-135” thuộc bản quyền của Chi cục Thú y vùng VI, trực thuộc Cục Thú y. Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: “Đây là bước đột phá để chủ động sản xuất vaccnie tuýp Ô từ quý I năm 2018. Với công suất của 3 công ty có thể sản xuất được 60 triệu liều như vậy năm 2018 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, thậm chí còn xuất khẩu. Điều quan trọng là khi đã sản xuất được vaccine thương phẩm lở mồm long móng tuýp Ô, trong tương lai gần có thể tiếp tục nghiên cứu sản xuất “vaccine đa giá” tuýp A, và ASEAN, nhị giá và tam giá. Các loại lở mồm long móng trong tương lai gần bằng phương pháp này chúng ta có thể chủ động khống chế hoàn hoàn”.
Có thể nói, nhờ chủ trương của Bộ NN&PTNT nhằm tăng cường chỉ đạo, gắn kết “3 nhà” giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học để đẩy nhanh tiến độ nội địa hóa vaccine trong thời điểm này chính là yếu tố tạo nên thành quả cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, để sản xuất vaccine thực sự mạnh, cần tạo nên những “cánh cửa” thông thoáng hơn nữa. Vì vậy, cơ chế của cơ quan quản lý nhà nước nên tạo điều kiện cho đơn vị nghiên cứu cũng như doanh nghiệp, không nên quá cầu toàn. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước phải có những hướng dẫn cụ thể, rà soát, rút gọn thủ tục và tạo điều kiện để cơ quan nghiên cứu, doanh làm hồ sơ đăng ký đơn giản để sản phẩm sớm được đưa ra thị trường.
“Việt Nam sẽ là cường quốc về nông nghiệp, trong đó có hai thế mạnh là thủy sản và chăn nuôi. Đã chăn nuôi thì không có lý do gì không phòng bệnh. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung chăm lo nhiều ở khu vực này, để không chỉ đáp ứng cho sức sản xuất của 6 triệu tấn thịt Việt Nam mà tiến tới phải xuất khẩu vaccine”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. |
Nguồn: nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn