Trong bài viết này chỉ bàn một việc, làm thế nào để công nghiệp cơ khí tham gia có hiệu quả vào cơ giới hoá sản xuất lúa gạo ở khu vực trọng điểm lúa gạo – Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm trên 80% lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Cơ giới hoá không chỉ tác động đến năng suất lao động trực tiếp mà còn làm giảm sản lượng (khoảng 12% của 25 triệu tấn) và chất lượng thóc gạo do sản xuất thủ công tạo ra. Kéo theo đó là giá bán thấp. Theo tính toán của các chuyên gia, tổng thiệt hại của bài toán cộng dồn về khối lượng và giá trị ở Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 25% sản lượng. Các chuyên gia cho rằng, nếu giảm tổn thất về khối lượng và giá trị ở mức 10% thì hằng năm, Đồng bằng sông Cửu Long có thêm 2,5 triệu tấn lúa, tương đương 14.500 tỷ đồng. Một con số không nhỏ. Thấy rõ lợi ích do cơ giới hoá đem lại cho sản xuất, trong những năm qua, cả Chính phủ và người dân đều quan tâm đến vấn đề này. Bởi vậy, cơ giới đã tham gia vào tất cả công việc đồng áng, từ làm đất, tưới nước, gieo cấy, chăm sóc (bón phân, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu,...), nhất là thu hoạch và sau thu hoạch (làm khô lúa, bảo quản, vận chuyển). Nếu như năm 2005, cả ĐBSCL chỉ có 5 máy gặt đập liên hợp và 6.000 máy sấy lúa thì năm 2012 có khoảng 9.000 máy gặt đập và 9.600 máy sấy... Lợi ích tuy thấy rõ nhưng việc mở rộng cơ giới hoá lại gặp nhiều trở ngại, đó là việc canh tác của nông dân ta vẫn trên những ô thửa chưa đủ lớn để máy vận hành thuận lợi, giao thông chưa thuận tiện để máy di chuyển từ lô này sang lô khác, đồng ruộng chưa được san phẳng... Nhưng vấn đề lớn nhất lại thuộc về công nghiệp cơ khí. Nói vậy bởi công nghiệp cơ khí nói chung, cơ khí nông nghiệp nói riêng của ta yếu về nhiều mặt. Máy móc phục vụ nông nghiệp hiện nay đa phần do người dân sáng tạo, cải tiến hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Để thực hiện nhiệm vụ “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn với khả năng cạnh tranh cao – Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020” việc ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch là nhu cầu bức thiết. Làm tốt việc này còn khắc phục được tình trạng “được mùa, rớt giá” trong sản xuất lúa gạo, nâng cao đời sống cho người trồng lúa. Để công nghiệp cơ khí đáp ứng được đòi hỏi đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí sản xuất máy nông cụ nói chung, máy gặt đập liên hợp, máy sấy nói riêng, nhất là công nghiệp địa phương. Không chỉ hỗ trợ vốn vay, lãi suất thấp mà cần hỗ trợ, tạo điều kiện trong nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện cán bộ kỹ thuật, công nhân cơ khí, đặc biệt là cơ khí chế tạo máy nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích đối với người mua máy móc thiết bị sản xuất trong nước... Hiền Anh Nguồn:kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn