Trồng chanh dây… thu lá
Nhìn bề ngoài vườn chanh leo cành lá um tùm, nhiều người cứ tưởng vườn cây của gia đình chị Võ Thị Nhung (thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, Kon Tum) sắp trúng đậm. Nhưng thực tế khảo sát khu vườn thì hoàn toàn khác hẳn, cây chanh leo lá nhiều nhưng trái không bao nhiêu.
Anh Đại (thị trấn Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) thiệt hại nặng vì chanh leo toàn lá. Ảnh: P.V
Cũng tại Gia Lai, năm 2017 Báo NTNN đã có loạt bài “Lừa bán chanh dây dỏm” phản ánh thực trạng trên tại 2 huyện Chư Sê và Chư Pứh gây thiệt hại cho hàng chục hộ dân. Đến nay việc bán giống chanh dây dỏm lại tái diễn, với cam kết bằng lời nói, dân lại tiếp tục mắc lừa. |
Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN, chị Nhung nghẹn ngào nói: “Thông qua người quen giới thiệu, tôi mua 1.000 cây giống chanh leo, giá mỗi cây 32.000 đồng về trồng. Ban đầu họ giới thiệu giống này rất tốt, cây giống được trồng tại Việt Nam, còn mắt ghép được nhập từ Đài Loan và cam kết nếu trồng không hiệu quả sẽ bồi thường. Lúc cây bị bệnh, họ có đến vườn kiểm tra 1 lần và bán thùng thuốc giá 400.000 đồng, sau đó thì không liên lạc được nữa”.
Theo chị Nhung, vườn có quả nhưng chỉ lèo tèo, quả nhỏ không đạt yêu cầu. Ngoài vườn chanh leo 1ha tại thôn Kon Gung, gia đình chị cũng vừa nhổ bỏ 8 sào (800 gốc) chanh leo khác. Ước tính chi phí đầu tư cho 2 vườn cây không dưới 300 triệu đồng.
Tương tự, anh Nguyễn Xuân Đại (tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, Kon Tum) mua 1.500 cây giống (33.000/cây) của 1 công ty ở Gia Lai và kết quả chịu thiệt hại khá nặng nề. Trên diện tích 2ha, anh Đại đầu tư gần 500 triệu đồng nhưng thu hoạch chỉ được 1/3 so với số tiền bỏ ra.
“Tôi làm vườn cũng bài bản lắm, lúc mới trồng được một thời gian thì cây có biểu hiện bệnh phấn trắng, hoa cười. Sợ cây bị bệnh lây cho những cây khác nên tôi nhổ bỏ 100 gốc mà tình hình vẫn không thay đổi. Do mua không có hợp đồng, cam kết gì nên giờ không biết bắt đền ai”- anh Đại nói.
Theo nhiều hộ dân, mỗi ha chanh leo phải bỏ ra chi phí rất lớn, từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, nếu không may mua giống dỏm sẽ lâm cảnh nợ nần.
Mua giống này ra quả giống kia
Chung tình cảnh với nhiều nông hộ ở Kon Tum, tai tỉnh Gia Lai cũng có nhiều gia đình trồng chanh lâm cảnh khốn khó, nợ nần do mua phải giống chanh leo dởm. Nhiều hộ dân cũng lâm cảnh dở khóc dở cười vì mua giống này nhưng ra quả lại là giống kia. Hệ quả là cây có trái nhưng không có người mua.
Anh Lê Văn Hùng (thôn Dư Keo, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, Gia Lai) buồn bã nói: “Tôi mua 612 cây chanh leo, giá mỗi cây 30.000 đồng. Họ nói đây là giống chanh leo quả tím, giống thực sinh (cây trồng bằng hạt) phát triển rất mạnh, cứ yên tâm trồng. Đến mùa thu hoạch mới phát hiện giống chanh leo mình đang trồng không phải chanh leo tím mà là chanh leo vàng. Quả này rất khó bán, bán không ai mua, nếu may mắn chỉ bán bằng nửa giá chanh leo tím”.
Theo anh Hùng, anh vẫn còn lưu thùng giấy đã cũ ghi tên công ty cung cấp giống là “Nông Huy Phát”, chủng loại “chanh bông Thái” nhưng không có địa chỉ cụ thể, liên hệ không được.
Anh Võ Văn Luân (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) cho biết, thời gian qua giống chanh leo rất loạn. Chưa kể những công ty ma, chỉ cần lên mạng tìm kiếm là có rất nhiều người rao bán giống đủ loại. Vì tin tưởng người ta giới thiệu hay, anh Luân cũng mua thử 400 cây chanh leo về trồng, kết quả là chanh leo dỏm.
“Để giảm thiểu thiệt hại cho dân, tôi nghĩ cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát giống chặt chẽ, đồng thời khuyến cáo cho dân”- anh Luân đề nghị.
Tại Gia Lai, năm 2017 Báo NTNN cũng đã có loạt bài “Lừa bán chanh dây dỏm” phản ánh thực trạng trên tại 2 huyện Chư Sê và Chư Pứh gây thiệt hại cho hàng chục hộ dân. Đến nay việc bán giống chanh dây dỏm lại tái diễn, với cam kết bằng lời nói, dân lại tiếp tục mắc lừa.
Từ đầu năm 2020, nhằm đảm bảo nguồn giống chanh leo an toàn cho người dân trong niên vụ mới, Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh giống chanh leo. Và mới đây, ngày 23/3, Sở NNPTNT Gia Lai đã báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh giống chanh leo trên địa bàn tỉnh.
Theo đó diện tích trồng chanh leo tại Gia Lai là 2.390ha, hiện chỉ có 7 đơn vị tham gia nhập khẩu giống chanh leo và 2 đơn vị sản xuất, kinh doanh chanh leo (gồm Công ty CP Nafoods và Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao). Hiện nay đã sắp bước vào vụ trồng mới (khoảng đầu tháng 4 - 5), Sở NNPTNT sẽ chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành thanh kiểm tra theo đúng quy định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn