Tập trung đổi mới công nghệ
Theo ông Bùi Quang Hải - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho nhân dân, Hà Nội đã đẩy mạnh chăn nuôi tương đối nhanh và toàn diện. Nổi bật là từ 2009, Hà Nội đã đưa Chương trình cải tạo đàn bò thịt cao sản BBB đã triển khai rất mạnh tại các huyện thị xã. Đến nay, đã phối được 170.000 bò cái và đã sinh ra trên 40.000 bê BBB với khối lượng sơ sinh đạt 28-35 kg/con. Bê sinh ra sinh trưởng phát triển nhanh đạt trung bình 25 kg/tháng. Đặc biệt, nuôi bò BBB tại Hà Nội cho lượng thịt lớn, tỷ lệ thịt tinh đạt rất cao (58%), phù hợp với điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tại các hộ dân. Chính vì điều này, số hộ dân nuôi bò BBB ngày càng tăng. Thời gian qua, nhiều tỉnh thành đã tổ chức cho người chăn nuôi đến tham quan học tập kinh nghiệm phát triển bò BBB tại Hà Nội.
Mô hình chăn nuôi ứng dụng nhiều kỹ thuật đang được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng. ảnh: Lê San
Hay như mô hình chăn nuôi của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Hoàng Long. Năm 2010 với 10 thành viên HTX, đến nay có quy mô 650 nái, 6.000 lợn thịt/lứa, một cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm, với diện tích 5ha trong đó 2ha khu chăn nuôi, giết mổ, 3ha xử lý chất thải và nuôi trồng thủy sản. Điểm đáng chú ý là HTX đã sử dụng được một loại men, công thức phối trộn, ủ phù hợp, tạo ra chất lượng thịt thơm, ngon, nước luộc trong, ăn mỡ giòn, ít ngấy, an toàn cho người sử dụng. Năm 2015, HTX xây nhà giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm, có cơ sở vật chất đồng bộ, trang thiết bị tiên tiến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng khu xử lý chất thải chăn nuôi, giết mổ ở ngoài khu chăn nuôi, cùng hệ thống hộp hút và thông gió. Vì vậy, môi trường chăn nuôi, giết mổ được bảo đảm trong lành, đến nay sản phẩm của HTX đã được phân phối trên thị trường nội ngoại thành được người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm khi sử dụng.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống như HTX Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) với tổng đàn lợn trên 35.000 con, HTX Dịch vụ và chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây) với gần 200.000 con. Trang trại Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Việt Hưng (thị xã Sơn Tây) nuôi 1.000 con giống (ông bà, bố mẹ) và 10.000 lợn thịt. Các cơ sở, HTX chăn nuôi hiện nay 100 % đã đầu tư trang thiết bị tiên tiến hiện đại đặc biệt việc xử lý môi trường trong chăn nuôi vừa để đảm bảo chất lượng chăn nuôi vừa đảm bảo môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm.
Mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ
Muốn chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả, dứt khoát phải chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Đến nay, Hà Nội phát triển được 23 chuỗi (11 chuỗi thịt lợn, 8 chuỗi gia cầm, 1 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi sữa bò tươi và 2 chuỗi tổng hợp). Các chuỗi này thu hút gần 3.000 hộ và gần 100 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia. Hàng ngày, chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 25,4 tấn thịt lợn, 0,35 tấn thịt bò, 13,3 tấn thịt gia cầm, gần 300.000 quả trứng gia cầm và 78 tấn sữa”. Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội |
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Văn Đức - Trưởng ban Khoa học- Công nghệ, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, người đã dầy công nghiên cứu tình hình chăn nuôi của TP.Hà Nội cho rằng, thực tế các trang trại chăn nuôi trên địa bàn TP mới chỉ ứng dụng công nghệ cao một tỷ lệ nhỏ. Đối với chăn nuôi bò sữa chỉ có 78% sử dụng hệ thống chống nóng; 85% trại sử dụng máy vắt sữa; 40% trang trại lợn và 35% sử dụng hệ thống chuồng kín, làm mát. Theo lý giải của ông Đức, có thể là do chi phí đầu tư để ứng dụng CNC phải cần đến nguồn vốn lớn, trình độ nguồn nhân lực phải cao, am hiểu được kỹ thuật công nghệ cao.
Mặt khác, thành phố đã đầu tư thêm nhiều xí nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhưng hiện nay mới chỉ hoạt động 15 – 20% công suất. Trong cùng điều kiện, TP.HCM có đến 80% gia súc, gia cầm được giết mổ tại các xí nghiệp giết mổ, thịt lợn được gắn mã ghi rõ nơi sản xuất sản phẩm được kiểm định an toàn.
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Huy Ðăng, tới đây ngành chăn nuôi sẽ được hoạch định với nhiều giải pháp đồng bộ để phù hợp với chăn nuôi CNC. Trước mắt, sẽ đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch gắn nghiên cứu thị trường, từng bước hạn chế chăn nuôi theo phong trào, tự phát. Từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ đưa CNC vào một số cơ sở quy mô lớn như: 6 khu chăn nuôi gia cầm, 111 trại chăn nuôi gà, 3 cơ sở sản xuất giống gà, 3 cơ sở chế biến sản phẩm thịt gà và trứng gà… Nhằm đưa giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng KT-CNC đạt 45% tổng giá trị chăn nuôi trên địa bàn; chú trọng việc ứng dụng KT-CNC trong chăn nuôi, trong giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi; xây dựng cơ chế chính sách về quảng bá, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác cho các sản phẩm chăn nuôi CNC chủ lực trên cơ sở Nhà nước đồng hành DN và người chăn nuôi. /.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn