Thú y có vai trò quan trọng nhất
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám khẳng định, để phát triển chăn nuôi bền vững và hướng đến xuất khẩu (XK) sản phẩm chăn nuôi, trong đó có xuất khẩu thịt lợn, cần khống chế thành công dịch lở mồm long móng trên gia súc. Theo đó, ngành thú y đóng vai trò quan trọng nhất.
Nhân viên thú y tiêm phòng vaccine cho đàn lợn của người dân. Ảnh: K.B
"Lĩnh vực thú y cần chủ động lấy mẫu giám sát dịch tễ để giám sát sự lưu hành của virus đối với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản, nhất là đối với bệnh lở mồm long móng và cúm gia cầm. Qua đó, khuyến nghị các địa phương và người nuôi chủ động mua vaccine tiêm phòng chống dịch để tiết kiệm chi phí, dập dịch ngay. Đồng thời, thực hiện nghiêm Luật Thú y, vai trò của chính quyền cơ sở trong phát hiện dịch và ngăn chặn kịp thời cần được đề cao hơn nữa" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Về việc tạo thêm chính sách, cơ chế hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở và các vùng ATDB phục vụ XK, ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong năm 2018, ngành sẽ triển khai thực hiện chương trình quốc gia giám sát bệnh cúm gia cầm, tập trung vào chuỗi sản xuất gia cầm XK, nhằm đảm bảo ATDB đối với cúm gia cầm, đáp ứng yêu cầu XK để đưa thịt gà chế biến của Việt Nam đến nhiều thị trường hơn.
Đồng thời sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các DN đẩy mạnh XK sản phẩm chăn nuôi (thịt gà, trứng gà, thịt lợn, lợn sữa...) sang một số thị trường trọng điểm. Đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với heo, tập trung vào chuỗi sản xuất thịt lợn XK nhằm đảm bảo ATDB đối với bệnh lở mồm long móng, dịch tả... Hướng dẫn các địa phương, tổ chức xây dựng cơ sở ATDB.
Kinh nghiệm hay với 4 “mắt xích” của Philippines
Năm 2015, Philipines đã được OIE công nhận là quốc gia sạch bệnh LMLM không tiêm phòng.
Năm 1996, Chính phủ Philipines đã thực hiện Kế hoạch quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM với chiến lược tập trung vào 4 mắt xích.
Chính phủ Philipines đã chi cho chương trình thanh toán bệnh LMLM hàng chục triệu USD. Ảnh: I.T
Thứ nhất, triển khai hệ thống giám sát dịch bệnh, trong đó giám sát định kỳ huyết thanh học; đánh giá nguy cơ tập trung vào các vùng có nguy cơ cao với LMLM; giám sát lâm sàng; giám sát, xét nghiệp, cấp chứng nhận ATDB cho các trang trại với bệnh LMLM.
Thứ hai, tăng cường nhận thức cộng đồng bằng cách thực hiện cam kết của các bên liên quan; vận động người tiêu dùng; nghiên cứu/khảo sát đánh giá nhận thức, thái độ và hành vi của cộng đồng để điều chỉnh các kế hoạch truyền thông.
Thứ ba, áp dụng chiến lược tiêm phòng vaccine đại trà tại các khu vực nguy cơ cao: Áp dụng chính sách tiêm phòng triệt để cho toàn bộ gia súc ở các khu vực có nguy cơ cao. Ngừng tiêm phòng vào năm 2009.
Thứ tư, thắt chặt quản lý vận chuyển gia súc bằng cách thiết lập 53 trạm kiểm dịch chiến lược dọc đất nước. Chương trình quốc gia được lên kế hoạch thực hiện cụ thể, chi tiết, tập trung vào từng khâu then chốt trong kế hoạch, được phân tích và đưa ra những biện pháp cụ thể cho mỗi khâu. Kết quả là năm 2005 không có ổ dịch lâm sàng nào được phát hiện. Hai biện pháp can thiệp chủ yếu được áp dụng đó là: 1, tiêu hủy chọn lọc gia súc mắc bệnh và không hỗ trợ cho chủ chăn nuôi; 2, Tổng tiêu độc khử trùng chuồng trại, phương tiện vận chuyển.
Áp dụng phương pháp phân vùng theo lộ trình 2002-2009
Philippines xây dựng vùng an toàn dịch bệnh LMLM nhằm: Cô lập dịch bệnh tại khu vực nhất định; Nâng cấp tình trạng của khu vực từng vùng bị nhiễm bệnh đến vùng được bảo vệ bằng các biện pháp tương ứng (dựa trên 4 hợp phần), đặc biệt kiểm dịch vận chuyển chặt chẽ để ngăn ngừa nhiễm bệnh trở lại; Nâng cấp dần theo lộ trình từ vùng được bảo vệ đến vùng sạch bệnh (có hoặc không tiêm phòng) với các biện pháp áp dụng nghiêm ngặt theo lộ trình chăn nuôi.
Năm 2009 ngừng tiêm phòng vùng Luzon để chuẩn bị cho OIE công nhận. Đến năm 2015, Philipines đã được OIE công nhận là quốc gia sạch bệnh LMLM không tiêm phòng.
Được biết, Chính phủ Philipines đã chi cho chương trình thanh toán bệnh LMLM hàng chục triệu USD.
Theo Thiên Ngân/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn