Nghĩa Phương và Huyền Sơn là 2 xã vùng cao của huyện Lục Nam, đất đai rất cằn cỗi. Trước đây, người dân chủ yếu trồng lúa. Tuy nhiên khoảng 4-5 năm trở lại đây, cây na đã phủ xanh bạt ngàn thay thế cây lúa.
|
Diện tích na mở rộng rất nhanh tại xã Nghĩa Phương, đến nay đã đạt trên 400 ha, trong đó đa số đất trồng lúa ở các chân vàn, vàn cao phần lớn đã được chuyển đổi sang trồng na (Trong ảnh: những thửa ruộng hiếm hoi còn lại ở xã Nghĩa Phương) |
|
Nếu thâm canh tốt, mỗi hecta na có thể cho năng suất từ 14-16 tấn. Với giá bán trung bình từ 30-35 nghìn đồng/kg, cho thu nhập bình quân từ 500 – 550 triệu đồng/năm. Nhờ cây na, đời sống người dân đã đổi thay từng ngày. Nông dân ví von “na đi tới đâu, nhà lầu tới đó”! |
|
Hiện nay, cây na ở vùng na Nghĩa Phương – Huyền Sơn đã được nông dân áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật về chăm sóc, bao trái quả, cắt cành tạo tán..., đặc biệt là kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho na để rải vụ. Nhờ đó, từ chỗ chỉ cho thu hoạch 1 vụ/năm, hiện nông dân có thể chủ động cho ra quả quanh năm (tối đa 3 vụ/năm), trong đó vụ chính thu hoạch vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 (Âm lịch) hàng năm. |
|
Dụng cụ để thụ phấn nhân tạo cho na khá đơn giản. Đó chỉ những chiếc ống hút nhựa, phía trong được xuyên vào một que gỗ tương tự xi-lanh. |
|
Để thụ phấn cho na, nông dân sử dụng “xi lanh” ống nhựa tiến hành gạt, thu phấn hoa vào đầu “xi lanh” ở một cây na bất kỳ. |
| Sau đó tiến hành bơm “xi lanh” để đưa phấn vào đầu nhị hoa ở một cây na khác. Cách thụ phấn này đảm bảo tỉ lệ đậu quả gần như 100%. | |
|
Ở các trà na trái vụ về cuối năm, nông dân thường chỉ thụ phấn và giữ lại mỗi cây từ 20-30 quả. Những quả na thụ phấn được chọn ở gần thân chính để đảm bảo phát triển tốt, độ đồng đều cao, trung bình 300g/quả. (Trong ảnh: Những quả na lứa 3, hiện tại đã được 2 tháng sau khi đậu quả, dự kiến thu hoạch vào tháng 11 Âm lịch năm 2019). |
|
Anh Lộc Văn Vương, một chủ vườn na kiêm đại lí thu mua na tại xã Nghĩa Phương cho biết: Na được các đại lí trong xã thu mua, đóng gói, sau đó bán cho các thương lái từ nhiều tỉnh phía Bắc. Đặc biệt các năm trước đây, có rất nhiều thương nhân Trung Quốc cùng các thương lái từ Lạng Sơn về thu mua (mỗi đại lý từ 5-6 tấn/ngày) để XK sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên năm nay, không còn có thương lái Trung Quốc và Lạng Sơn về thu mua như mọi năm. |
Không chỉ tỉnh Lạng Sơn nổi tiếng với thương hiệu na Chi Lăng, hiện nay, Bắc Giang cũng là tỉnh có nhiều vùng na tập trung rất lớn. Từ năm 2019, việc Trung Quốc siết chặt NK tiểu ngạch đối với mặt hàng trái cây chưa được phép NK vào nước này (trong đó có na) đã khiến na Bắc Giang, Lạng Sơn không còn XK được sang thị trường Trung Quốc. Cũng như Lạng Sơn, Bắc Giang đang rất mong chờ quả na sớm được XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhằm mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ. Trao đổi với NNVN, ông Dương Thanh Tùng, GĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 ha na, cho sản lượng trên 15.000 tấn/năm. Riêng vựa na thuộc 2 xã Nghĩa Phương và Huyền Sơn cho doanh thu khoảng 600 tỉ đồng/năm. Cùng với cây vải thiều, Bắc Giang cũng đã và đang sẵn sàng chuẩn bị từ khâu SX theo hướng GAP, tới các khâu tiêu thụ nhằm đáp ứng các yêu cầu để XK chính ngạch quả na sang thị trường Trung Quốc. Mới đây, hơn 30ha na dai tại xã Nghĩa Phương đã được cấp chứng nhận VietGAP... |
Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), na là một trong số 6 loại trái cây của Việt Nam (cùng với dừa, bưởi, bơ, chanh leo, sầu riêng) hiện đã được phía Việt Nam nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng phía Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đang tiến hành các thủ tục đánh giá, xem xét để sớm chấp nhận cho na Việt Nam được XK sang nước này. Cục BVTV cũng đề nghị các địa phương có diện tích na lớn (như Lạng Sơn, Bắc Giang) cần sớm xây dựng, cấp mã số vùng trồng, tuân thủ các yêu cầu về SX theo quy trình GAP để sẵn sàng các điều kiện khi phía Trung Quốc sang kiểm tra... |
Theo Lê Bền - Minh Phúc/nongnghiep.vn