Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện nay toàn tỉnh có hơn 21,3 nghìn ha chè, trong đó hơn 18,7 nghìn ha đang trong quá trình thu hoạch với năng suất bình quân đạt 112,66 tạ/ha. Riêng năm 2016, sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh đạt 211.244 tấn, tăng 4,4% so với năm 2015. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; có 63 mô hình sản xuất chè VietGAP đã được chứng nhận với diện tích 735 ha và hơn 2.100 hộ tham gia; sản lượng chè búp tươi đạt hơn tám nghìn tấn. Qua thống kê, sản xuất theo quy trình VietGAP có giá trị sản xuất và thu nhập cao hơn so với trồng thông thường từ 15 đến 20%. Các sản phẩm chè chế biến tại Thái Nguyên ngày càng có uy tín và đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm chè chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chè Thái Nguyên đang được tiêu thụ rộng rãi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và một phần xuất khẩu ra nước ngoài. Năm 2016, sản lượng tiêu thụ trong nước đạt 38.200 tấn chè thành phẩm, chiếm hơn 90% sản lượng chè chế biến. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã xuất khẩu được 3.800 tấn chè thành phẩm sang các nước: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh…
Nhằm nâng cao giá trị cây chè, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân như chuyển đổi giống chè; đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học; chứng nhận sản phẩm. Vì vậy, giá trị thu nhập trong sản xuất chè ngày càng tăng cao. Nếu như năm 2011,
1 ha trồng chè cho thu nhập khoảng 82 triệu đồng, thì nay đã tăng lên 118 triệu đồng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng làng nghề chè đặc sản nổi tiếng như: Tân Cương, Phúc Thuận, Khe Cốc, Tức Tranh, La Bằng… Việc phát triển làng nghề chè cùng chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, việc sản xuất chè ở tỉnh Thái Nguyên cũng đang gặp nhiều khó khăn do sản xuất chè chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, diện tích nhỏ; diện tích chè sản xuất theo hướng VietGAP thấp; cơ sở hạ tầng vùng sản xuất nguyên liệu hạn chế; chưa xây dựng được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến trên địa bàn chưa có vùng nguyên liệu riêng nên bị động trong sản xuất và quản lý chất lượng. Hiện nay, việc chế biến truyền thống bán cơ giới vẫn là chủ yếu; tỷ lệ chế biến công nghiệp chưa cao; sản phẩm chủ yếu là chè xanh tiêu thụ trong nước chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm của người tiêu dùng. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc sử dụng nhãn hiệu chè Thái Nguyên đã được bảo hộ như một lợi thế trong việc mở rộng đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc liên kết theo chuỗi giá trị để phát triển ngành chè chưa chặt chẽ, chủ yếu vẫn là người trồng tự chế biến và tiêu thụ. Mặc dù, chè Thái Nguyên được xuất khẩu sang nhiều nước, nhưng chủ yếu là nguyên liệu thô với giá bán trung bình chỉ bằng 60% so với giá bán của mặt hàng này trên thị trường thế giới. Các mặt hàng chè chế biến chưa thật sự đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã; có ít doanh nghiệp đầu tư vào thương hiệu, đóng gói nhằm gia tăng giá trị cũng như đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Cẩm Long cho biết, để khắc phục những hạn chế nêu trên hướng đến nâng cao giá trị cho cây chè, thời gian tới, tỉnh sẽ quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi phù hợp cơ cấu loại sản phẩm đối với từng địa phương, gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, sản xuất chè hữu cơ và theo hướng hữu cơ với diện tích khoảng năm nghìn ha; từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao... Trong đó chú trọng việc tập huấn sản xuất chè theo quy trình VietGAP, sản xuất chè hữu cơ; đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao kiến thức, năng lực thị trường cho người sản xuất, kinh doanh thông qua công tác khuyến công, khuyến nông, phát triển hệ thống cung cấp thông tin thị trường, các hoạt động nghiên cứu thị trường; hình thành hệ thống giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm có sự hỗ trợ của Nhà nước; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để đẩy mạnh việc xuất khẩu đối với các sản phẩm chè trên địa bàn…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 22 nghìn ha chè, tỷ lệ chè giống mới chiếm 80%; phấn đấu năng suất chè búp tươi đạt 115 tạ/ha; sản lượng 230 nghìn tấn; bình quân thu nhập đạt 170 triệu đồng/ha trở lên; giá trị sản xuất chè búp tươi đạt 3.400 tỷ đồng. |