Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, xuất khẩu thô, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu chưa cao… đang là những rào cản lớn cho việc gia tăng giá trị xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu.
|
|
Hiện nay đa số doanh nghiệp xuất khẩu thiếu vốn nên việc đẩy mạnh đầu tư cũng là thách thức không nhỏ. Bởi thế, theo Bộ Công Thương, cần có chiến lược tái cơ cấu từng ngành sản xuất để thực hiện chiến lược xuất khẩu bền vững trong dài hạn.
Những gót chân Asin
Theo Vụ Thống kê Thương mại dịch vụ, Tổng Cục Thống kê, ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2012 đạt 9,75 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt trên 53 tỷ USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2011. Trong số này, nhóm hàng nông, lâm, thủy, sản đạt giá trị xuất khẩu 9.208 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ; nhóm mặt hàng than đá, dầu thô, xăng dầu, hóa chất, cao su đạt 8,3 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, mặt hàng dệt may có mức tăng trưởng chậm, chỉ đạt gần 6,8 tỷ, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương cho rằng, thời gian qua, nếu xem xét cơ cấu xuất nhập khẩu theo ngành thì thấy khu vực nông lâm thủy sản luôn xuất siêu nhưng chủ yếu xuất thô. Khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ luôn nhập siêu do phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu và sản phẩm phụ trợ. Để gia tăng hàm lượng trị giá các sản phẩm nông lâm thủy sản, vấn đề khó khăn không phải là công nghệ sản xuất thực phẩm hoặc hàng chế biến mà chính là khó khăn về khâu tiếp thị và phát triển thị trường, đặc biệt là xây dựng và quản trị hệ thống phân phối đến người tiêu dùng. Nông nghiệp đang là ngành tạo ra ngoại tệ để phục vụ hoạt động của các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, giá nông sản trên thị trường thế giới liên tục giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Chủ yếu xuất thô nên khi không được lợi về giá thì giá trị xuất khẩu nông sản bị ảnh hưởng mạnh. Đến hết tháng 5/2012, trong số 7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính là gạo, tiêu, điều, cà phê, cao su... thì chỉ còn duy nhất hạt tiêu là có giá cao hơn cùng kỳ 2011; các mặt hàng còn lại đều có mức giá thấp hơn, đặc biệt là cao su giảm đến hơn 30% về giá.
Các mặt hàng dệt may, dày dép, điện tử được xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu và các sản phẩm hỗ trợ nên phần được lợi từ xuất khẩu không nhiều. Thêm vào đó, nếu tăng xuất khẩu các ngành hàng này thì nhập khẩu phụ kiện cũng gia tăng tương ứng. Các mặt hàng muốn chuyển từ phân đoạn bán sản phẩm mang tính gia công với chi phí thấp sang sản phẩm khác biệt hóa, có thương hiệu trực tiếp tại thị trường nhập khẩu sẽ vô cùng khó khăn và đòi hỏi đầu tư lớn mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp toàn cầu. Điều này là không thể đối với quy mô và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Nhưng nguy hiểm hơn nữa là tình trạng lệ thuộc vào sản phẩm đầu vào từ nước ngoài sẽ dẫn đến hậu quả Việt Nam không có quyền tác động đến mức giá và khối lượng đầu vào từ nguồn cung. Trong trường hợp nguồn cung tăng giá và bị hạn chế số lượng sẽ phá vỡ mô hình sản xuất dựa trên lao động giá rẻ của Việt Nam.
Định hướng vào mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng
Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, cần tăng hàm lượng công nghệ của khu vực xuất khẩu, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ gắn với mạng lưới sản xuất và chuyển giao công nghệ toàn cầu. Hiện nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp hàng đầu của thế giới đang có mặt ở Việt Nam như Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, Intel của Mỹ để yêu cầu họ trong quá trình xây dựng các cơ sở chính ở Việt Nam phải cùng Việt Nam phát triển các cơ sở vệ tinh. Hiện nay, các tập đoàn này cũng đã có rất nhiều cơ sở linh kiện, phụ tùng cho điện thoại di động ở tỉnh Bắc Ninh. Đây mới chỉ là những biện pháp bước đầu và được thực hiện trong thời gian ngắn nhưng nếu kiên trì và quyết tâm thực hiện theo hướng này thì bức tranh công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sẽ có bước cải thiện hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, để mở rộng thị trường và tìm kiếm những đơn hàng mới cho doanh nghiệp xuất khẩu, mới đây, Bộ Công Thương đã liên tiếp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại một số thị trường của EU như Pháp, Đức… Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh hàng Việt thâm nhập sâu các thị trường EU, đặc biệt là vào siêu thị lớn. Theo nhiều chuyên gia, đây là những hoạt động tích cực và là hướng đi mới giúp doanh nghiệp trực tiếp tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa của thế giới và nâng cao thương hiệu hàng Việt. Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành hàng nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh để định hướng cho doanh nghiệp tập trung đầu tư; đổi mới công nghệ các ngành hàng sản xuất có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn như cơ khí, đồ gỗ, dệt may; phát triển các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng cao như vật liệu xây dựng và sản phẩm hoá dầu.
Có thể việc đầu tư lớn để đổi mới, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và hàng xuất khẩu Việt Nam trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay là chưa khả thi. Nhưng đây là vấn đề cần được tính đến và làm sớm để nâng giá trị cho xuất khẩu của Việt Nam.
Nguồn : tamnhin.net