Đất lúa ở miền Bắc manh mún hơn miền Nam, gây khó khăn cho mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”. Ảnh: D.H
Rõ nét hiệu quả kinh tế
“Cánh đồng mẫu lớn” thực chất là một bước cụ thể hóa của chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức hợp đồng, quy mô sản xuất lớn. Khởi xướng từ Cần Thơ, sau đó lan rộng ra 11/13 tỉnh ĐBSCL và Tây Ninh với tổng diện tích hơn 54.000ha, “Cánh đồng mẫu lớn” còn huy động được 6 tỉnh, thành phía bắc tham gia với khoảng 7.000ha (riêng vụ hè thu và vụ mùa năm nay, miền Bắc đang có 8.000ha triển khai theo chương trình). Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), chương trình đã ổn định vật tư đầu vào về giá cả và chất lượng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo một gói có quy trình đồng nhất. Phó Cục trưởng Phạm Đồng Quảng cho biết: “Mô hình góp phần nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc thay thế các hoạt động đơn lẻ bằng hoạt động công như cày bừa, làm đất, gieo cấy, thu hoạch, phun thuốc... làm nâng cao hiệu quả lao động và chất lượng cây trồng – quy trình mà từ trước đến nay vốn manh mún, gây tốn kém sức lao động. Hiệu quả kinh tế rõ nét nhất là lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ khoảng 2,2 – 7,5 triệu đồng/ha”.
Cũng theo Cục Trồng trọt, mô hình đã khá thành công trong việc huy động một lực lượng không nhỏ DN kinh doanh vật tư nông nghiệp cùng tham gia với nông dân. Các “ông lớn” trong ngành vật tư nông nghiệp như Cty phân bón Bình Điền, Cty Gentraco, Cty CP thuốc bảo vệ thực vật An Giang... đều nhiệt tình hưởng ứng với nhiều hình thức: Bán sản phẩm giá gốc, hỗ trợ chi phí vận chuyển sấy và lưu kho trong 30 ngày hoặc cho nông dân nợ tiền hàng 4 tháng. “Do kiểm soát được nguồn vật tư đầu vào, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định nên giá lúa của nông dân trong mô hình được thu mua cao hơn thị trường từ 100 – 200đ/kg, lợi nhuận theo đó tăng hơn 1,5 – 2 triệu đồng/ha” – ông Quảng nói.
Thừa đầu vào, thiếu đầu ra
Trong bối cảnh hàng tồn kho của DN còn quá nhiều, khâu đầu vào của mô hình được các DN hưởng ứng nhiệt tình là điều dễ hiểu bởi đơn giản, họ nghiễm nhiên bán được hàng với số lượng ổn định. Cty phân bón dầu khí Cà Mau thời gian qua sản xuất hơn 250.000 tấn sản phẩm, trong đó riêng cung ứng cho nông dân tham gia chương trình gần 200.000 tấn. Tuy nhiên, so với DN đầu vào, Cục Trồng trọt thừa nhận DN tham gia tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một vài DN làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân song với giá thu mua chênh lệch rất “khiêm tốn” như Cty Gentraco thu mua lúa với giá cao hơn từ 0 – 150đ/kg, Cty Angimex từ 200 – 300đ/kg và Cty lương thực Long An từ 100 – 150đ/kg.
Cũng theo Cục Trồng trọt, một trong những điểm khá đau đầu nữa chính là quỹ đất nông nghiệp phía bắc quá manh mún. GS-TS Đỗ Kim Chung – khoa Kinh tế nông nghiệp – ĐH Nông nghiệp - dẫn chứng: “Nếu ở miền Nam tập trung 2 – 5ha cho mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” cần khoảng 10 – 15 hộ, thì miền Bắc, khoảng diện tích này phải cần đến... hơn 60 hộ”. Cũng theo GS Kim Chung, đất ruộng ở miền Bắc hạn chế hơn rất nhiều so với miền Nam ở khâu thổ nhưỡng, địa thế nên để đồng loạt trồng một loại giống, bón một loại phân là điều khó khả thi. Ngoài ra, theo GS Chung, để hút DN tham gia tiêu thụ lúa thì cần bổ sung thêm cơ chế hoạt động cho thương lái theo tính chuyên nghiệp: Có đăng ký kinh doanh và có quản lý, đồng thời giữa bà con và DN cần bàn với nhau xem thị trường đang chuộng giống lúa gì để theo đó tập trung sản xuất, phù hợp với nhu cầu của thị trường và tăng liên kết giữa DN và nông hộ.