Thực hiện theo chủ trương của ngành nông nghiệp, vụ lúa đông - xuân năm nay, nông dân tỉnh Kiên Giang đã chuyển 70% diện tích sang trồng lúa chất lượng cao.
Thế nhưng, đến mùa thu hoạch rộ, các thương lái và DN chỉ thu mua lúa chất lượng thấp. Nghịch lý này đang khiến hàng ngàn nông hộ điêu đứng...
Thấp thỏm chờ người mua
Những ngày này, đi về các địa phương trồng lúa tỉnh Kiên Giang, dễ bắt gặp nỗi buồn não ruột của bà con. Anh Phan Văn Hiền (ấp Kênh 9, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp) cho biết, vụ đông xuân năm nay, nhiều bà con trong ấp chuyển sang trồng lúa chất lượng cao Jasmine. Lúa đã thu hoạch từ nhiều ngày trước, chất đống ngoài sân nhưng không bán được, các thương lái chỉ đến hỏi mua lúa IR50404. Đến hơn cả tuần sau mới có một số hàng xáo đến gạ mua nhưng với giá rất thấp chỉ 4.600đ/kg. Nhiều người đành phải bán tháo bán đổ để trang trải nợ nần đầu vụ.
Vụ đông xuân này, huyện Tân Hiệp xuống giống 36.655ha, trong đó, khoảng 40% diện tích trồng lúa phẩm cấp thấp IR50404, còn lại, bà con trồng lúa chất lượng cao Jasmine và lúa hạt dài theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Ngặt một nỗi, lúa IR50404 rất dễ bán, nhưng lúa chất lượng cao lại rất khó tiêu thụ. Ông Nguyễn Minh Nghĩa - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hiệp - cho biết, nhiều hộ dân đã tỏ thái độ bất bình với ngành nông nghiệp. Bà con cho rằng họ đã tuân thủ theo chủ trương trồng lúa chất lượng cao, nhưng khi thu hoạch lại không bán được, phải gánh chịu đủ đường thua thiệt.
Có khoảng 70% trong tổng số 300.439ha lúa đông xuân của tỉnh Kiên Giang được người dân trồng các loại lúa chất lượng cao như: Jasmine, lúa hạt dài... Ông Huỳnh Văn Gành - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang - nói: “Tỉnh phát động bà con làm lúa chất lượng cao, nhưng đến kỳ thu hoạch lại không tiêu thụ được, dẫn đến nợ nần, đây là vấn đề vô cùng bức xúc”.
Khó từ trong ra ngoài
Lý giải về tình trạng lúa chất lượng cao khó tiêu thụ, ông Nguyễn Quang Bình - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu và HTKTQT - Sở Công thương tỉnh Kiên Giang - phân tích, năm nay tình hình xuất khẩu gạo của các DN gặp rất nhiều khó khăn. Giá gạo xuất khẩu của các quốc gia cạnh tranh như: Ấn Độ, Pakistan... thấp hơn giá gạo của Việt Nam từ 35-40USD/tấn.
Thêm vào đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường truyền thống giảm mạnh. Do không ký được hợp đồng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao nên các Cty chỉ tìm mua các giống lúa có phẩm cấp thấp để chế biến xuất khẩu theo đơn đặt hàng.
“Vài ngày tới, một diện tích lớn lúa Jasmine sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, nhưng hiện tại, cả 7 DN trên địa bàn tỉnh được giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo vẫn chưa có kế hoạch thu mua loại lúa này” - ông Bình nói.
Ông Trần Quang Củi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang - cho hay: Ngoài tác động của thị trường, khó khăn nhất hiện nay là cung cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ của các DN. Chưa chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu hạt gạo, xây dựng các vùng nguyên liệu, kế hoạch xuất khẩu lâu dài, dẫn đến khó tìm được nguồn tiêu thụ ổn định.
Ông Nguyễn Quang Bình cho biết thêm: Mới đây, lãnh đạo các Cty thu mua tạm trữ lúa gạo đã đề xuất tỉnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ lúa chất lượng cao. Nhưng đến nay, vẫn chưa có giải pháp khả quan nào để giải quyết vấn đề này.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, với tình hình các DN ký hợp đồng xuất khẩu như hiện nay, dù tỉnh đã triển khai mua tạm trữ, nhưng giá lúa chẳng tăng được bao nhiêu. Hiện tại giá lúa IR50404 khoảng 4.100-4.300đ/kg, lúa chất lượng cao khoảng 4.500-4.600đ/kg. Với mức giá này, nông dân không thể lãi 30% như mong đợi.
Theo laodong.com.vn