Chất chà bắt chuột đồng ở biên giới An Giang. |
Nghề chất chà chuột ngoài đồng đem lại hiệu quả cao, bắt chuột được số lượng lớn mà khỏe công.
Anh Nguyễn Văn Phước (Út Phước) ở ấp Phú Quới, xã Phú Hữu, huyện An Phú có gần 10 năm gắn bó với nghề chất chà bắt chuột đồng, cái nghề không chỉ góp phần bảo vệ mùa màng mà còn giúp gia đình anh có thêm thu nhập hàng ngày.
Cánh đồng xã Phú Hữu sáng trời còn đẫm sương. Tay gọng, lưới, lọp, anh Út Phước cùng vợ và con trai bắt đầu rời khỏi nhà, băng qua cây cầu khỉ, men theo con kinh nhỏ một đoạn thì các đống chà chuột dần hiện ra trước mắt.
Nhanh tay dọn cỏ, đặt lợp và mắc lưới xung quanh, gia đình anh Phước bắt đầu cho buổi mưu sinh với nghề dỡ chà bắt chuột. Tay vạch đường cỏ, anh Út Phước kinh nghiệm chỉ chúng tôi đường chuột đi vào đống chà và mạnh miệng nói sẽ có nhiều chuột.
Những cây ớt khô cứ thế được đưa sang vùng đất trống bên cạnh, mùi ớt khô cay cay mũi, bụi bay tứ tung. Cứ thế đống chà vơi dần, chỉ còn cụm nhỏ khoảng 4m2. Đây là thời điểm quan trọng mà dân dỡ chà chuột gọi là “khép vòng vây”. Nhanh tay kéo và khép mảnh lưới bao tròn, những con chuột cùng đường đâm vào lưới, chạy lòng vòng rồi gom thành một nhóm kêu chí chóe.
Đây là thời điểm quan trọng mà dân dỡ chà chuột gọi là “khép vòng vây”. |
Những cây ớt cuối cùng được đưa ra ngoài, đám chuột cùng đường chạy tứ tung, rồi mệt lả, co cụm thành từng nhóm. Cứ thế, những con chuột được bắt bỏ vô gọng. Khoảng 30 phút, đống chà đã dỡ xong, gia đình anh Út Phước gom dụng cụ, di chuyển qua đống chà khác. Quy trình cứ thế lặp lại, hết từ đống chà này đến đống chà kia và gọng chuột đầy dần lên.
Mặt trời lên cao, nắng càng thêm gay gắt, tranh thủ phun nước làm mát cho chuột, anh Út Phước cho biết: Đây là kinh nghiệm được rút ra những lần đi bắt chuột. Nếu không làm mát chuột, để chuột nằm trong gọng phơi nắng lâu làm chuột chết, bán mất giá vả lại thương lái không chịu mua coi như "xong" luôn. |
Gần 10 năm làm nghề dỡ chà bắt chuột, những kinh nghiệm giúp anh Út Phước hiểu được cách chọn vị trí, mồi dụ chuột và cả cách chọn loại chà phù hợp để chuột vào trú ngụ nhiều.
Anh Út Phước kể anh sinh ra và lớn lên tại Campuchia. Năm 1988, gia đình anh trở về quê An Giang lấy vợ với hành trang là căn nhà nhỏ cặp tuyến đê xã Phú Hữu và 7 công đất ruộng. Đất ít, gia đình 5 miệng ăn luôn gặp cảnh thiếu trước hụt sau. Lúc này, anh làm đủ nghề kiếm sống, nhất là vào mùa nước nổi thì đánh bắt cá...
Anh Út Phước cho biết: Vùng này chuột nhiều vì giáp biên giới Campuchia. Đặc biệt lúc nước lên hay vào vụ lúa chín chúng thường xuất hiện nhiều tôi nảy sinh ý định dùng chà dụ chúng vô để bắt. Lúc đầu tôi dùng cây bắp, cây điên điển để chất thành đống chà để dụ chuột vào ở nhưng không hiệu quả vì chúng nhanh hoai mục.
Sau đó, trong xóm có ruộng ớt đến cuối kỳ người ta bỏ, tôi xin nhổ phơi khô chất thành đống, không ngờ chuột vô quá nhiều. Vậy là có kinh nghiệm và theo luôn nghề chất chà bắt chuột.
Theo anh Út Phước, để có được đống chà tốt, trước đó dân chuyên nghề chất chà chuột phải tìm những ruộng ớt hết chu kỳ thu hoạch xin nhổ cây về phơi làm chà. Rồi người thợ chất chà phải đi tìm những nơi gò cao, có cỏ, chất cây ớt thành từng đống khoảng 25-30m2. Trong năm, họ thường tranh thủ tìm mót bắp trái dạt bỏ khô trên ruộng về tách ra phơi khô trộn với lúa làm mồi nhử chuột.
Bắt chuột bỏ vào gọng. |
Tùy theo số lượng ớt cây đi xin được mà mỗi năm anh Út Phước chất từ 10-15 đống chà. Cứ khoảng 15-20 ngày đi dỡ một vòng (các đống chà chuột) gia đình anh đã kiếm được 2-3 triệu đồng.
Tại vùng biên giới An Giang, hầu hết những người chất chà bắt chuột đều thuộc gia đình khó khăn, ít hoặc không có đất sản xuất. Anh Huỳnh Văn Viễn ở ấp Phú Quới, là một ví dụ. Anh Viễn cho biết, do gia đình không có đất, anh mướn 5 công đất trồng lúa nhưng giá lúa bấp bênh, có vụ còn lỗ nên anh em trong nhà đi làm đủ nghề kiếm sống. Lúc thì đi cắt lúa thuê, dặm lúa, khi lúa xanh trên đồng thì vào mùa đi phun thuốc, rải phân mướn cho bà con trong vùng.
Để cải thiện thu nhập, hằng đêm anh còn đi đặt rập bắt chuột bán. Cách đây 3 năm, thấy anh Út Phước chất chà bắt chuột “có đồng vô đồng ra” nên học nghề theo. Anh Viễn nói, nghề chất chà chuột đồng khá đơn giản, không có nhiều chi phí và công nhiều. Mùa khô trong lúc đi làm, anh em tôi để ý tìm xin cây cây ớt của người ta bỏ về phơi khô.
Theo anh Viễn, cái khó nhất hiện nay của những người chất chà chuột là tìm cây ớt. Anh em trong nghề đã thử qua nhiều loại chà nhưng chỉ có cây ớt là chất hiệu quả nhất. Đâu phải lúc nào bà con trong vùng cũng trồng ớt nên cây rất khan hiếm.
"Có năm anh em chúng tôi phải qua Campuchia tìm ớt xin nhổ mang về mới có cây chất chà. Năm nào cũng vậy, nhờ chất chà chuột mà anh em chúng tôi có thêm vài chục triệu đồng xoay sở trong nhà. Nếu không có nghề này chẳng biết lấy gì sắm sửa quần áo, tập vở cho các con ăn học và lo cái Tết năm nay", anh Viễn chia sẻ.
Chuột hiện có giá từ 80.000 – 90.000 đồng/kg. |
Năm nay, anh Viễn cùng người em tên Tài chất được 12 đống chà. Cứ thế xoay vòng, một tuần các anh dỡ 1-2 đống kiếm từ 7-15kg chuột. Theo anh Tài, dỡ chà chuột trúng nhất vào những tháng nước lũ về, có khi một đống chà bắt được hơn 50kg chuột. Chuột bắt xong chỉ cần điện thoại thương lái đến tận nhà cân mua nhưng vẫn không đủ bán.
Ông Trình Văn Đắng, Phó trưởng ấp Phú Quới, xã Phú Hữu cho biết: Nghề chất chà bắt chuột góp phần cùng cộng đồng tiêu diệt loài vật gây hại này. Hiện cả ấp có khoảng 20 hộ chuyên chất chà bắt chuột. Đa phần là những hộ còn khó khăn nên nghề này giúp họ có thêm thu nhập trong năm...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn