Nếu vẫn tiếp tục trích quỹ bình ổn khi giá đang lỗ thì người dân vừa phải gánh mức tăng giá bán lẻ, vừa phải chấp nhận giá đắt hơn một khoản bằng chính khoản trích quỹ.
Giá tăng vẫn phải đóng phí bình ổn Trưa 22/4, giá xăng dầu tăng nhẹ từ 130 đến 210 đồng/lít. Các mức tăng giá này chính là mức lỗ giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu trước đó. Lỗ dẫn tới phải tăng giá, song các DN vẫn phải trích lập quỹ bình ổn giá với mức đồng loạt 300 đồng/lít,kg cho cả 4 mặt hàng. Nói cách khác, người dân vừa phải trả thêm một khoản cho cú tăng giá vừa qua, vừa phải trả trước một khoản dự phòng cho tương lai. Ngày 6/3, các doanh nghiệp xăng dầu lỗ. quỹ bình ổn được xả ra để bù như xăng bù 300 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải tiếp tục phải đóng tiền cho quỹ như thường lệ. Lỗ mà vẫn phải trích quỹ, hoặc vừa xả, vừa trích là nghịch lý bấy lâu nay của cơ chế vận hành quỹ bình ổn xăng dầu. Song, tới đây, nếu như dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương soạn thảo được thông qua thì có thể, nghịch lý này sẽ chấm dứt. Nguyên tắc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu được Bộ Công thương quyết “xốc” lại cho phù hợp hơn với quy luật thị trường. Theo Bộ này đề xuất, quỹ bình ổn giá sẽ chỉ trích khi giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ, nghĩa là khi giá xăng dầu có lãi. Ngược lại, quỹ cũng sẽ chỉ được sử dụng khi tình hình kinh doanh xăng dầu bị lỗ, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ. Đặc biệt, việc trích - xả quỹ cũng phải căn cứ theo từng trường hợp biến động giá thành xăng dầu thay vì vận hành một cách tùy tiện như hiện nay. Cụ thể, khi giá thế giới giảm, các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở giảm từ 12% trở lên so với giá bán lẻ hiện hành, quỹ bình ổn mới được trích lập. Khi giá thế giới tăng, các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng từ 7% trở lên so với giá bán lẻ hiện hành thì quỹ bình ổn giá mới được phép sử dụng. Điều này cũng có nghĩa, trong phạm vi 7% trở lại, doanh nghiệp sẽ tăng giá mà không được phép xả quỹ để bù. Xăng dầu lãi lớn nhưng vẫn chưa giảm giá Với giá bán hiện tại, xăng đầu đang có lãi từ 390 đồng đến 450 đồng/lít, tuy nhiên việc giảm giá vẫn phải chờ xem xét theo đúng kỳ hạn trong 10 ngày tới. Theo Bô Công thương, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những công cụ nhằm ổn định giá bán lẻ xăng đầu trong nước và chỉ nên sử dụng trong trường hợp giá xăng dầu biến động, ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô. Cần giảm bớt gánh nặng cho dân Theo Bộ Tài chính, hết quý I, số dư Quỹ có hơn 842 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền trích quỹ đạt tới hơn 1.043 tỷ đồng và số tiền đã xả ra để bù lỗ chỉ có hơn 370 tỷ đồng. Đây thực chất là số tiền của người dân đóng góp, nhưng lại được để trong tài khoản của DN và do Bộ này quyết định việc sử dụng. Trình lên Thủ tướng bản dự thảo mới về Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã bày tỏ, việc tạo nguồn cho quỹ bình ổn giá là cần thiết. Nhưng nếu như giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ, nghĩa là giá đang lỗ, dẫn tới phải tăng giá bán lẻ mà vẫn trích lập quỹ bình ôn giá thì mức giá bán lẻ điều chỉnh sẽ tăng thêm một khoản bằng khoản trích lập quỹ bình ổn giá đó. Khi đó, người dân sẽ không có cơ hội sử dụng xăng dầu với mức giá thấp.
Với khoản vốn 842 tỷ đồng như trên, thực chất là khoản dự phòng rủi ro nhưng cũng có thể hiểu là khoản “tồn đọng” vốn trong lưu thông xăng dầu. Hôm 22/4 vừa qua, nếu như không phải chi tiền thêm 300 đồng/lít cho quỹ thì sau khi trừ đi phần lỗ của DN, giá xăng dầu đến tay người dân đáng lẽ sẽ phải rẻ hơn 86 đồng/lít xăng, rẻ hơn 130 đồng/lít dầu diesel và dầu hỏa cũng sẽ rẻ hơn tới 170 đồng/lít so với mức giá trước khi tăng. Ngược lại, nếu như doanh nghiệp đã lỗ tới mức phải xả quỹ như hôm 6/3 với các mức xả từ 130-300 đồng/lít, thì có thể hiểu, trong mức lỗ này, đã bao gồm cả yếu tố “trích quỹ”. Giả sử, không phải trích lập quỹ, giá xăng dầu sẽ không lỗ và cũng không đến mức phải sử dụng quỹ để bù. Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận, cơ chế vận hành quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay là bất hợp lý. Đặc biệt là cơ chế trích quỹ ngay cả khi đang lỗ là một cách ‘ăn” vào giá vốn của doanh nghiệp, tạo ra quỹ ảo, gây méo mó cơ chế thị trường. Thế nhưng, Bộ Tài chính không đồng tình với quan điểm của bộ Công thương. Bộ Tài chính cho rằng, việc duy trì việc trích quỹ bình ổn phải là thường xuyên, liên tục nhằm mục đích tạo nguồn lực để bình ổn giá xăng dầu trong nước trong từng thời kỳ. Với lý do để linh hoạt trong điều hành, Bộ này đã đề nghị Bộ Công thương bỏ các quy định cơ bản về nguyên tắc trích lập, sử dụng Quỹ như trên trong dự thảo Nghị định. Thay vào đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương để ban hành Thông tư riêng để hướng dẫn riêng về Quỹ này.
Mặc dù vậy, Bộ Công thương vẫn bảo lưu quan điểm khi cho rằng, để bảo đảm việc công khai, minh bạch trong sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc quy định nguyên tắc đối với trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu ngay trong Nghị định là cần thiết. Điều này giúp người dân sẽ nắm bắt được được quy trình vận hành của quỹ bình ổn giá, cũng như giám sát được việc sử dụng quỹ này.
Theo vtc.vn