Trong bối cảnh chủ trương tái cấu trúc ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nghịch lý và sự lãng phí trên cần phải có giải pháp giải quyết.
Khi ruộng đất được tích tụ mới có điều kiện để phát triển nền nông nghiệp mới.
Tại một số tỉnh thuộc vùng Nam sông Hồng như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam... ruộng đất bị bỏ hoang có mẫu số chung là do tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chi phí lớn, đầu ra bấp bênh, thu nhập thấp dẫn đến việc nhiều nông dân chán ruộng, bỏ đồng.
Nguyên nhân khác xuất phát từ những biến chuyển của khu vực nông thôn. Thứ nhất, họ là những hộ đời bố mẹ, ông bà làm nông nhưng đến đời con cháu thì thoát ly, trở thành cán bộ, công chức, viên chức, không còn nhân lực để sản xuất. Thứ hai là các hộ tuy không ”ly hương” nhưng cũng đã ”ly nông”.
Thu nhập từ ruộng đồng thấp, họ chuyển qua kinh doanh, làm dịch vụ cho chính cộng đồng làng quê của mình như mở một cửa hàng tạp hóa, một hàng ăn, một quán internet, cho thuê phông bạt, bàn ghế phục vụ đám cưới, đám ma...
Ruộng đồng, từ lâu với các hộ này chỉ là ”có cũng nên, quên cũng thôi”. Với những thôn làng có nghề truyền thống thực tế này còn rõ hơn, người dân sinh sống chính bằng nghề truyền thống của làng, coi ruộng đất chỉ là phụ.
Thứ ba là những hộ dù có ruộng nhưng lao động chính không làm nông mà đã và đang có việc làm ổn định tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài làng quê của mình.
Thứ tư là những hộ dù có ruộng nhưng lao động chính đều ly hương, tìm về các đô thị, gia nhập vào khu vực lao động không chính thức (làm thợ xây, thợ mộc, lái taxi...).
Cũng cần nói thêm, có một lượng lớn ruộng đất dù muốn người nông dân cũng không thể canh tác do nằm ven làng, ven thổ, xen kẹp trong các khu dân cư, các công trình xây dựng, các khu, cụm công nghiệp đã và đang được xây dựng ngày một nhiều ở địa bàn nông thôn, không đảm bảo các điều kiện về tưới tiêu, buộc họ phải bỏ hoang.
Với thực tế trên, tưởng như nếu có nhu cầu thuê gom, tích tụ ruộng đất để triển khai các dự án nông nghiệp tập trung, các cá nhân, tổ chức sẽ rất dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy, họ đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nguyên nhân một phần do ruộng đất bị bỏ hoang thường nằm rải rác, xen kẹp.
Việc dồn đổi những diện tích này thành những diện tích lớn, tập trung là một việc vô cùng khó khăn. Ông Nguyễn Phùng Hoan- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định kể rằng, khi Tập đoàn Vingroup về địa phương này đầu tư một dự án nông nghiệp trên địa bàn huyện Xuân Trường, để “gom” được 140 ha đất bãi cho doanh nghiệp, cả phía chính quyền và doanh nghiệp đều rất mệt.
Không giống như quy trình triển khai một dự án công nghiệp, để có đất thực hiện các dự án nông nghiệp, chính quyền và doanh nghiệp phải thực hiện theo cơ chế vận động nông dân cho doanh nghiệp thuê lại ruộng đất.
Với cơ chế này, ở dự án nông nghiệp trên, chính quyền và doanh nghiệp đã phải vận động, đàm phán với khoảng 3.000 hộ nông dân.
Trong số 3.000 hộ này, có hộ đồng ý cho thuê, nhiều hộ khác lại không. Khi đó chính quyền phải thực hiện thêm một thao tác rất khó khăn, phức tạp là dồn đổi ruộng đất của những hộ đồng ý cho thuê tập trung về một nơi, dồn đổi ruộng đất của những hộ không đồng ý về một nơi, sau đó mới có mặt bằng bàn giao cho doanh nghiệp. Khó khăn, phức tạp như vậy nên cả chính quyền và phía doanh nghiệp đều rất ngại ”đụng” vào.
Với những dự án lớn, có sự hậu thuẫn tích cực từ phía chính quyền còn gặp nhiều khó khăn như vậy, với những dự án nhỏ, khó khăn của những cá nhân tiên phong tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp tập trung gặp phải cũng không ít.
Câu chuyện của anh Trần Trọng Việt ở xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) là một ví dụ. Tốt nghiệp đại học, anh về quê cùng ước mơ, quyết tâm làm giàu bằng sản xuất rau, quả sạch công nghệ cao.
Tuy nhiên, bắt tay thực hiện, khó khăn đầu tiên anh Việt gặp phải không phải là tiền, kỹ thuật, nhân công hay việc tìm đầu ra cho sản phẩm mà là việc việc thuê gom đất.
Theo đó, phải mất nhiều công vận động, đàm phán với hàng chục hộ dân địa phương mới thuê được 1,2 ha đất ven sông (hiện đang được anh đầu tư khu sản xuất rau quả công nghệ cao trong nhà lưới). Đáng nói là thuyết phục thế nào bà con cũng chỉ cho thuê trong thời hạn 1 năm, sau đó lại tính tiếp.
Theo anh Việt, làm nông nghiệp cần nhiều thời gian mới hết một chu trình, mới cho kết quả. Việc gia đình anh bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư sản xuất trên diện tích đất thuê quá ngắn hạn là một rủi ro rất lớn.
Nguyên nhân khác là khi thuê ruộng đất của nông dân, doanh nghiệp thường trả giá rất thấp. Như một dự án tại huyện Lý Nhân (Hà Nam), doanh nghiệp chỉ trả cho nông dân giá trị bằng 120 kg ngô/sào/năm.
Ở Thái Bình nông dân chỉ được trả khoảng 600.000 đồng/sào/năm, rất ít nông dân cho thuê ruộng sau đó được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc trong các dự án nông nghiệp... khiến họ e dè với việc cho thuê ruộng đất, chấp nhận bỏ hoang, phòng khi gặp thất bại, rủi ro vẫn còn ”đường lùi” về làm ruộng mưu sinh.
Mô hình nông dân liên kết với doanh nghiệp bằng việc góp cổ phần bằng ruộng đất được nói nhiều, ý tưởng về ngân hàng ruộng đất cũng chưa được bàn thảo thấu đáo và cũng chưa xuất hiện trên thực tế...
Đó là những lý do khiến những dự án nông nghiệp tập trung, quy mô lớn chưa xuất hiện. Nghịch lý người có ruộng đất thì bỏ hoang, người cần ruộng đất thì phải khoanh tay đứng nhìn do vậy vẫn tồn tại.
Thực tế cho thấy sẽ ngày càng có nhiều lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều hộ dân được giao ruộng đất nhưng không còn nhu cầu sử dụng. Như vậy, rõ ràng đây không còn là chuyện nhỏ mà cần phải sớm được nhìn nhận và có giải pháp.
Trần Duy Hưng/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn