>> Lem nhem KCN Xuyên Á
>> Lấy đất nông nghiệp làm khu dân cư ''ma''!
Tuy nhiên, đến nay nhiều KCN ở Nhơn Trạch rộng mênh mông bát ngát bỏ hoang vô cùng lãng phí. Các chủ đầu tư tranh thủ tận dụng cho dân thuê lại đất để trồng mì (sắn), bắp, mía…
QUY HOẠCH KCN ĐỂ… CHO THUÊ TRỒNG MÌ
Từ TP.HCM đi qua phà Cát Lái (quận 2) sang bên kia đã là địa bàn của huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Chúng tôi chạy xe qua hàng chục km đường nội bộ KCN ở Nhơn Trạch, chứng kiến hai bên đường những khu ruộng trồng mì rộng mênh mông, xanh ngút tầm mắt sắp vào thời kỳ thu hoạch.
Những “cánh đồng mì” của người dân thuê đất trong KCN bỏ hoang ở Nhơn Trạch.
Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vân, ở xã Phú Hội, gần Khu dân cư Long Tân - Nhơn Trạch buồn rầu tâm sự: “Ngày xưa khi người dân chúng tôi từ ngoài Bắc vào khai hoang ruộng rẫy rộng bao la không đủ sức mà làm. Ấy vậy mà, bây giờ đụng đâu cũng toàn là đất quy hoạch KCN cả, chúng tôi bị thu hồi hết đất chẳng còn miếng nào để trồng cấy. Nhà tôi có đàn dê, bò chẳng biết chăn thả ở đâu vì họ rào lưới B40 chắn hết quanh KCN nên đành phải bán gấp, không người cũng chết đừng nói dê, bò…!”.
Gia đình chị Vân, cũng như nhiều hộ dân khác có đất bị thu hồi làm KCN, nay phải tìm thuê từng miếng đất bỏ hoang trong KCN này trồng cấy kiếm nguồn thu. Với gia đình chị công việc trồng mì trồng bắp cũng cho thu nhập khá, đủ nuôi sống 5 miệng ăn. Tuy nhiên, chị rất lo lắng vì thuê đất ruộng bỏ hoang trong KCN thì bấp bênh, có thể sẽ bị “cắt” nguồn cơm bất cứ lúc nào.
Cách đó không xa là trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Hai, ở xã Long Thọ. Nhà bà Hai có 5 công đất trồng điều, cách đây 4 năm đã bị thu hồi đất làm KCN, chỉ được bồi thường gần 300 triệu. Sau khi chia cho con cái mua đất làm nhà, phần còn lại bà mua được 4 con bò và thuê mảnh ruộng trong KCN bỏ hoang để trồng mì, trồng bắp. Trước đó, hàng ngày bà thả bò vào khu đất vườn đã thu hồi, nhưng năm nay đất KCN đã được người ta cho thuê trồng mì kín hết diện tích nên chẳng còn đất chăn thả.
“Tình hình này tôi tính phải bán bò đi chứ cột mãi cũng không đủ sức cắt cỏ, nhưng bán bò rồi chỉ còn biết trông chờ vào mảnh ruộng thuê bấp bênh thế này chẳng biết cuộc sống thế nào...!”, bà Hai than.
Tương tự, hộ anh Trần Hữu Trí, nhà ấp 3, xã Phú Thạnh cũng từng bị “dính” trong quy hoạch KCN nên đất bị thu hồi hết, tiền đền bù nhận chẳng được bao nhiêu, không đủ mua một nền đất mới định cư. Mất đất sản xuất, gia đình anh đành phải đi thuê lại những khu ruộng bỏ hoang ở trong KCN này trồng mì, trồng mía sinh sống.
Dẫn chúng tôi vào ruộng mía, nằm sát Khu dân cư Long Tân – Nhơn Trạch (xã Long Tân - Phú Hội), anh Trí than vãn: “Thuê đất KCN để đầu tư trồng mía nhưng sắp đến ngày thu hoạch thì mới hôm trước cả ruộng mía nhà tôi bị cháy sạch. Vụ này coi như trắng tay rồi, không biết gì bù lỗ tiền phân thuốc…!”.
Theo anh Trí, khu ruộng gia đình anh thuê được của KCN Nhơn Trạch khoảng hơn hai năm nay có diện tích 2,8 ha, anh đầu tư trồng mì và mía.
May mắn hơn là hộ anh Nguyễn Xuân Phong, ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân, ngay sau giải phóng gia đình anh về vùng đất Nhơn Trạch định cư sinh sống theo diện kinh tế mới. Những năm gần đây, khi thấy nhiều đại gia mua đất đầu tư KCN rồi lại bỏ hoang, anh quyết định đi tìm ký hợp đồng thuê lại những mảnh đất ruộng ở khu vực này để cải tạo trồng mì.
Do đầu tư sản xuất tốt, năng suất mì khá cao (trung bình đạt 25 tấn/ha), những năm trước vợ chồng anh thu lãi gần chục triệu đồng/ha. Sau đó, anh Phong tiếp tục tìm thuê thêm được 15 ha đất ruộng trong các KCN bỏ hoang để tăng dần diện tích trồng mì và đến nay tổng cộng anh Phong thuê được khoảng 50 ha đất ruộng chuyên trồng mì.
Nhờ nguồn thu từ những “cánh đồng” mì này và xưởng chế biến, gia đình anh Phong cũng sinh lợi được cả tỷ bạc/năm bằng nghề nông trong... KCN
NÔNG DÂN CỐ THỦ GIỮ ĐẤT
Chỉ tính riêng tại xã Phú Hội và Long Tân, khu vực “trái tim” của huyện Nhơn Trạch, có hơn chục khu đô thị, khu dân cư đã triển khai. Tuy nhiên, không dự án nào xây dựng ra hình thù, bởi thi công dở dang, ì ạch... cả gần chục năm chưa xong vậy mà nhiều nơi vẫn còn tiếp tục xin mở rộng dự án.
Người dân bức xúc nói về KCN bỏ hoang suốt nhiều năm chỉ để nuôi cỏ.
Dẫn chúng tôi vào khu đất của nhà mình, anh Trần Quang Chiến, xã Phú Hội bức xúc than vãn: “Chúng tôi chẳng biết người ta quy hoạch kiểu gì mà cứ lấy hết đất của dân để xây dựng tràn lan các KCN, khu dân cư đô thị rồi lại bỏ hoang cho cỏ mọc thế này. Trong khi người dân cần đất ruộng trồng cấy, chăn nuôi chẳng có, thậm chí nay đi tìm thuê lại đất KCN cải tạo sản xuất cũng rất khó khăn vì không có quan hệ quen biết…!”.
Chỉ cho chúng tôi thấy dự án khu dân cư Long Tân - Nhơn Trạch giai đoạn 1 (rộng 83 ha trên địa bàn xã Long Tân, Phú Hội do Cty CP Licogi 16 làm chủ đầu tư) giờ vẫn còn mỗi một tấm bảng trên khu đất rộng mênh mông, một nhà đầu tư lắc đầu: “Bọn tôi nghe thông tin đất dự án vùng này đang tăng giá, nghĩ là đã đến cơ hội để đầu tư nhưng thấy cảnh hạ tầng trắng trơn, giá bán cao ngất trời kiểu này thì ai mà dám đầu tư vào đây”. |
Anh Chiến kể, những năm trước mấy “ông trùm” liên tục xuống đo đất, hối thúc dọa nạt xua đuổi, nhưng do không đền bù thỏa đáng nên gia đình anh quyết cố thủ giữ đất không chịu giao. Tuy nhiên, sau 4-5 năm rồi mà cũng chưa thấy Khu dự án này triển khai, anh Chiến bảo: “Đấy, nhìn họ xây dựng xong Khu dân cư Long Tân - Nhơn Trạch rồi bỏ hoang suốt nhiều năm nay chỉ có… chuột ở chứ ai vào mà ở được. Tôi khẳng định đến hai chục năm nữa chưa chắc đã bán được cho ai...”.
Gần đó, khu đất của hộ anh Nguyễn Tử Tánh, ấp Bình Phú, xã Long Tân cũng đang trong diện bị “quy hoạch treo” suốt nhiều năm. Anh Tánh phân trần: “Nhiều hộ dân khác quanh đây đã nhận tiền đền bù và đi nơi khác ở chỉ còn một vài gia đình chúng tôi vẫn chưa thấy “tính sổ” đến cho nên hiện còn sống vật vờ giữ đất, mệt mỏi lắm!”.
Theo anh Tánh, vườn rẫy nhà anh có 1.000 gốc xoài đã đến ngày hái quả thì bị rơi vào “quy hoạch” khiến gia đình chẳng dám đầu tư chăm sóc. Những năm trước vườn xoài còn thu được mấy tấn quả, thu nhập cũng khá ổn định, còn nay, với anh “nghiệp vườn” gần như đã tiêu tan.
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn