Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, tốc độ tăng đàn lợn của năm 2015 và năm 2016 từ 3,7-4,7%/năm là quá cao so với mức tăng trung bình từ 1,5-2%/năm của giai đoạn 2010 và 2014.
Chiều nay (29.8) Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển chăn nuôi lợn. Ảnh: An Nhiên
Sản lượng lợn hơi cũng tăng cao, năm 2016 tăng xấp xỉ 5% so với cùng kỳ năm 2015 là con số tăng cao nhất từ 5 năm trở lại đây. Mức tăng thực tế của năm 2016 có thể còn cao hơn khi nhiều địa phương có mức tăng đàn và tăng sản lượng lợn hơi xuất chuồng năm 2016 vượt trên 20% như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Đồng Nai…
Giá lợn hơi trong nước giảm thấp nhất từ quý 4.2016 và giảm sâu vào quý 1-2 năm 2017. Đây là mức giảm giá bất thường và cá biệt so với thị trường thịt lợn trong khu vực và trên thế giới. So với những lần biến động giá lợn khác thì lần này là lần giảm sâu và giảm lâu nhất.
Giá lợn đã tăng lên tuy nhiên người chăn nuôi cũng chỉ mời hòa vốn hoặc có lãi rất ít. Ảnh IT
Giá lợn đã có dấu hiệu phục hồi từ tuần đầu của tháng 5.2017, chỉ sau 2 tuần triển khai các biện pháp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì giá lợn hơi trong nước đã tăng lên từ 5.000-7.000 đồng/kg. Với mức tăng này đã giúp người chăn nuôi lợn trong nước đỡ thua thiệt từ 1.500-2.000 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên giá lợn hơi trong nước tăng cũng chỉ khiến người chăn nuôi bắt đầu hóa vốn và có lãi chút ít vào đầu tháng 7 trở lại đây.
Từ bài học trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc đánh giá đúng tình hình thực tế về nguồn cung và thị trường tiêu thụ là rất quan trọng. Khi cầu vượt khá lớn và thị trường tiêu thụ chính vẫn là nội địa.
Khi "cơn bão" thịt lợn đã tạm qua đi, ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, có lúc đàn lợn ở Đồng Nai đã lên tới 2,2 triệu con, giá giảm mạnh. Trong lúc này, vai trò của Hiệp hội Chăn nuôi là rất quan trọng, họ đã thành lập các cửa hàng bình ổn giá, giảm bớt các chi phí trung gian, tăng giá thịt lợn cho người chăn nuôi. Ngay sau đó, giá lợn đã tăng lên, người dân có cơ hội ăn thịt lợn giá rẻ. Vì vậy, vai trò của hiệp hội rất quan trọng, mang tính quyết định.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, việc giải cứu thịt lợn là không mong muốn, nhưng quan trọng là chúng ta phải làm thế nào để việc này không xảy ra trong tương lai. Như hiện nay, có quá nhiều thành phần tham gia vào việc cung cấp thịt lợn. Ví dụ, hiện có 1.200 trang trại chăn nuôi cung cấp thịt lợn cho TP Hồ Chí Minh, lực lượng thương lái, cơ sở giết mổ, tiểu thương ở chợ… khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn.
Tập trung chuỗi sản xuất kinh doanh
Muốn kiểm soát được số lượng và chất lượng thịt lợn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng phải tạo ra chuỗi an toàn thực phẩm. Ví dụ TP Hồ Chí Minh đã tạo ra chuỗi thịt lợn, mỗi người chăn nuôi lợn muốn tham gia vào chuỗi phải được ngành nông nghiệp công nhận an toàn dịch bệnh. Họ sẽ được cấp mã code. Hiện mỗi ngày TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn, trong đó 75% đã có truy suất nguồn gốc. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ quy hoạch lại hệ thống giết mổ, tới 2018 – 2019 sẽ quy hoạch hệ thống giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ việc quy hoạch này sẽ giúp người chăn nuôi biết được tín hiệu thị trường, người tiêu dùng cũng biết được nguồn gốc của thịt lợn. Chỉ có như vậy mới không lặp lại tình trạng phải giải cứu thịt lợn.
“Chuỗi sản xuất kinh doanh sẽ kết nối tất cả các chủ thể, để các chủ thể quảng bá thương hiệu kinh doanh của mình. Khi một chủ thể làm sai, sẽ bị TP Hồ Chí Minh thu hồi code, loại bỏ ra khỏi chuỗi và không có cơ hội cung cấp sản phẩm cho TP Hồ Chí Minh nữa.Việc hình thành chuỗi tạo cơ hỗi các chủ thể tham gia chuỗi để đỡ tốn kém hơn, hoạt động hiệu quả hơn; chuỗi cũng giúp cơ quan quản lý quản lý tốt hơn, truy xuất nguồn gốc tốt hơn.
Với cách làm này, TP Hồ Chí Minh và các địa phương xung quanh sẽ quản lý tốt hơn. Đối với nông dân, TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đeo vòng nhận diện sản phẩm khi tham gia chuỗi sản xuất kinh doanh” – ông Hòa cho biết thêm.
Các DN cho rằng, khâu giết mổ chế biến cần được tập trung đầu tư nhiều hơn để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng. Đại diện Công ty công nghệ thực phẩm Minh Anh cho hay: “Để giết mổ công nghiệp phát triển cần siết chặt tăng cường quản lý đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn. Khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia xây dựng giết mổ công nghiệp, dần xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Xây dựng chuỗi giá trị là quan trọng, cần khuyến khích hỗ trợ các DN, hợp tác xã tham gia chuỗi sản xuất. Để phát triển chuỗi bền vững, cần xây dựng hiệp hội sản xuất thịt lợn để kiểm soát tất cả nguồn thịt lợn và phân phối cho các chuỗi.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, ngành chăn nuôi sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết gắn với thị trường. Trong đó nhà nước tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng, tín dụng và miễn giảm thuế để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ; chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi; áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi.
Chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Cần tích cực khai mở thị trường, các giải pháp ngắn hạn để giải cứu ngành lợn là đúng đắn, nhằm đưa giá lợn tăng lên, lựa chọn đàn lợn giống, nái chất lượng, hạ giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh.
Phải nhận dạng lại chăn nuôi lợn trong bối cảnh mới từ nhu cầu thị trường và sức sản xuất trong nước. Phải cơ cấu lại sản xuất theo hai nhánh, nhánh sản xuất công nghiệp và nhánh sản xuất lợn đặc sản, nuôi hữu cơ. Coi phát triển bền vững là đòi hỏi ưu tiên. Tổ chức lại sản xuất, hộ sản xuất, DN sản xuất phải làm theo chuỗi, phát triển theo chuỗi là phát triển bền vững.
Theo báo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn