Cơn mưa chiều bất chợt đổ dồn dập biến nông trại công nghệ cao rộng 3ha của bà Nguyễn Thị Kim Xuân (Củ Chi, TP.HCM) thành một biển nước. Mặc kệ nước ngang gối, vừa xỏ đôi ủng vào chân, bà Xuân đưa tôi đôi ủng khác, rồi cả hai lội vào nông trại.
Theo tiếng gọi nông trang
Bà Nguyễn Thị Kim Xuân đang kiểm tra ớt trước khi xuất bán. Ảnh: T.T
Ông Nguyễn Văn Tủi – Trưởng Ban kinh tế (Hội Nông dân TP.HCM) đánh giá, bà Nguyễn Thị Kim Xuân có tư duy làm nông rất đáng khuyến khích. Tư duy này sẽ là một bước đột phá sản xuất nông sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường với tiêu chuẩn chất lượng cao. |
Quả thật, khi bà Xuân hăm hở ngỏ lời mời tôi vào nông trại khi nước mưa ngang đầu gối, đổ xào xạt, tôi đã ái ngại. Tôi không ngại lội nước, nhưng mường tượng trong cái nhà lưới mênh mông kia rau ăn lá, ăn quả đã “thành bình địa” mất rồi.
Ló đầu qua cánh cửa lưới bà Xuân vén hộ để vào nông trại, tôi nhẹ cả lòng. Dù nước vẫn ngập mênh mông, nhưng ớt, mướp hương, bí, khổ qua, húng quế… đều vô hại vì được trồng trên những bầu giá thể kê cao hơn mặt đất 5 – 7cm. Theo bà Xuân, trồng hoa màu trên trên giá thể là lối canh tác tiết kiệm nhất với phân bón và ngăn ngừa hữu hiệu nấm bệnh. Tất cả hàng chục ngàn bầu giá thể này được “nuôi” bằng một hệ thống ống tưới tiết kiệm, được điều khiển từ trung tâm điều hành tự động hóa có thể định lượng hỗn hợp nước, phân phù hợp, cũng như khi nào cho cây “uống” nước và khi nào “ăn” phân bón.
Điều ngạc nhiên, nông trại rau sạch khá quy cũ vối vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng này lại được điều hành, quản lý dưới tay một nhà thời trang công nghiệp. Bà Xuân thổ lộ, mới chuyển sang làm nông khoảng một năm nay. Suốt hơn 20 năm qua bà là nhà thiết kế, sản xuất đồ thời trang cho các hệ thống siêu thị ở TP.HCM.
“Tôi khá thành công trong nghề thiết kế, sản xuất hàng thời trang. Tôi xuất hàng cho hệ thống siêu thị Big C, Winmart” - bà Xuân cho biết. “Vậy, tại sao bà lại quyết định rời bỏ công việc ăn nên, làm ra mà chọn làm nông, một nghề khá mạo hiểm, rủi ro?” - tôi hỏi. “Tôi ấp ủ nghề làm nông công nghệ cao 5 năm trước rồi. Khi ấy tôi định làm nhưng thấy chưa phải thời điểm chín muồi. Tôi nghĩ, thời điểm này mới là tốt nhất, khi nhu cầu thị trường khẩn thiết đòi hỏi phải được cung cấp nông sản sạch. Tôi là một người làm kinh tế, nhưng cũng rất yêu việc đồng áng. Thực tế, làm nông bây giờ đòi hỏi nhiều sáng tạo, với tư duy nhạy bén. Tôi nghĩ, nó còn đòi hỏi tư duy sáng tạo nhiều hơn cả làm nghề thiết kế thời trang”- bà Xuân chia sẻ.
Và một lý do nữa là bà Xuân có một “bà đỡ” hữu hiệu để bắt tay vào một công việc mới – làm nông nghiệp công nghệ cao. Ít ai biết rằng, kiến thức, công nghệ canh tác bà đang sử dụng trong trang trại chính là “copy” từ ngành nông nghiệp Australia.
Hiện giờ, tại Australia, chị kế của bà Xuân đang làm chủ một trang trại nông nghiệp cung cấp nông sản cho hệ thống siêu thị tại nước này. Bà đã có thâm niên làm nông hơn 15 năm. Bà Xuân thừa hưởng những kinh nghiệm, công nghệ làm nông tiên tiến của người chị này. “Tôi tận dụng kiến thức, kinh nghiệm quý báu canh tác nông nghiệp của chị tôi. Tuy nhiên, tôi không rập khuôn hoàn toàn công nghệ mà chị tôi đang sử dụng vì làm vậy sẽ phải đầu tư với giá rất cao. Tôi tận dụng những cái có sẵn tại Việt Nam và tư duy sáng tạo của mình để tạo ra một công nghệ hiệu quả cho riêng mình với giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá công nghệ nhập” - bà Xuân thổ lộ.
Giờ tôi mới hiểu vì sao tại khu vực trồng khổ qua, mướp hương chỉ thấy dây với dây còn lá bị hái sạch. Bà Xuân cho biết, lối canh tác mới là hái sạch lá để nuôi trái. Lúc đầu, khi bảo nhân công hái sạch lá mướp hương, họ rất ái ngại. Hỏi ra mới biết, họ cho rằng cây có lá để quang hợp nuôi cây. Hái hết lá là cây chết. Thực ra, quan trọng nhất là phân bón có hợp lý hay không, lá quang hợp để tạo chất xúc tác đưa phân bón đến nuôi cây. Mà tạo quang hợp thì dây mướp cũng làm được.
Trong nông trại, rau sạch được canh tác trên bầu giá thể giúp tiết kiệm lượng phân bón và ngăn ngừa nấm bệnh. Ảnh: T.T
Những ngày đầu mới vào nghề làm nông, bà Xuân ra thăm nông trại ngày đêm. Bà đánh dấu từng cây, ghi nhật ký cây phát triển khá kỹ càng… Bà nhận thấy, không phải cây cứ phát triển đều trong suốt thời trồng, mà có từng khoảng thời gian khác nhau. Sau khi hiểu tận tường từng loại cây, bà bón phân đúng thời điểm cây phát triển vừa tránh lãng phí phân, vừa thúc được cây phát triển đúng thời điểm.
Tạo sự khác biệt
Có thể nói, làm nông công nghệ cao, nông sản sạch hiện đang trở thành xu hướng ở Việt Nam. Tôi đi khá nhiều, gặp cũng khá nhiều người làm nông sản sạch. Tuy nhiên, sạch thì có sạch, nhưng nông sản tạo được sự khác biệt thu hút người tiêu dùng nhằm nâng giá trị sản phẩm thì rất hiếm.
Tại nông trại của bà Xuân, sẽ cho thấy sự khác biệt của nông sản sạch rất rõ ràng. Để có sự khác biệt này, theo bà Xuân, là tận dụng tất cả những kinh nghiệm được chuyển giao từ người chị ở Autralia, cộng với sự cần cù, sáng tạo của bà.
Tại nông trại này, khách tham quan sẽ được tận dụng hết “năm giác quan” để thấy trái ớt có màu sắc đỏ bóng láng, cay nồng, thơm hắc; húng quế thơm lừng, tươi rói; mướp hương thơm thoang thoảng, vỏ dày, và sơ chế không ngả màu đen…
Không ngẫu nhiên mà Công ty Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco lại bao tiêu mướp hương tại nông trại của bà Xuân nhằm phục vụ người tiêu dùng.
“Bây giờ, nông dân sản xuất nông sản không có sự khác biệt thì đừng mong bán được giá cao. Nông dân hiện trồng rau sạch khá nhiều, nhưng vì sao các hệ thống siêu thị không hồ hởi thu mua, bởi nông sản sạch thiếu sự khác biệt” - bà Xuân khẳng định. Theo bà Xuân, muốn tạo sự khác biệt cần phải có kinh nghiệm làm nông, đam mê và sáng tạo. Về đam mê và sáng tạo bà Xuân có thừa. Riêng kinh nghiệm bà được bù đắp từ người chị làm nông tận trời Úc. Thực tế, hiện nay tại nông trại của bà Xuân, lối canh tác vẫn không có gì đặc biệt, vẫn nhà lưới, tưới nhỏ giọt. Còn hạt giống thu mua trên thị trường với các loại giống thông dụng mà các nông dân khác đang trồng.
Bí quyết nằm ở chỗ tư duy làm nông tạo ra sự khác biệt mà cái chính là hỗn hợp phân bón. Nếu muốn cho mướp hương thơm và nấu không đen màu hay cho ớt có màu đỏ đẹp, bóng láng, cay xè… bà pha hỗn hợp phân bón làm sao kích thích bộ gen gốc để quả cho trái thơm, cay xè hay màu sắc bóng láng…
Bà Xuân quan niệm, lĩnh vực làm nông bao la tha hồ nghiên cứu, sáng tạo, thậm chí hơn cả lĩnh vực thời trang mà bà đã kinh qua.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn