|
Việc chuyển đổi mô hình HTX theo Luật HTX năm 2012 được đánh giá không chỉ đơn giản là việc “thay tên, đổi sổ” mà xuyên suốt, đó là sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của bộ máy quản lý HTX.
Gắn kết thành viên
Một trong những thay đổi lớn nhất của mỗi HTX khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 chính là thay đổi cơ cấu bộ máy quản lý của HTX. Các tên gọi “Ban Chủ nhiệm” hay “Chủ nhiệm HTX” dù đã có những dấu ấn khó phai mờ nhưng cũng buộc phải thay đổi bằng các tên gọi khác như Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch hay Giám đốc HTX. Sự thay đổi này cho thấy, HTX giờ đây đã hoạt động như một doanh nghiệp. Nhưng khác với doanh nghiệp, ở HTX, lợi ích của các thành viên là như nhau và mỗi quyết định đều phải có sự thông qua của tất cả các thành viên. Sự liên kết bền chặt của các thành viên quyết định trực tiếp tới sự phát triển của từng HTX.
Đứng trước những thành công bước đầu hôm nay, bà Khuất Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại (Lâm Thao, Phú Thọ) chưa thể quên những ngày đầy khó khăn khi chưa chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới. Cũng như nhiều HTX khác trong tỉnh, HTX Vĩnh Lại lúc bấy giờ không có vốn, làm ăn thua lỗ, lại chỉ làm dịch vụ đơn thuần, chủ yếu là dịch vụ nông nghiệp. Trước thực trạng trên, sau khi chuyển sang mô hình mới, để có đủ vốn hoạt động, HĐQT tổ chức các cuộc họp với thành viên HĐQT và đại diện các xã viên tìm giải pháp để vừa huy động được nguồn vốn, vừa mở rộng sản xuất, kinh doanh, với mục tiêu đặt lợi ích của các thành viên lên trên hết.
“Sau khi chủ trương được đưa ra, 100% số hộ thành viên ủng hộ và nhất trí với kế hoạch sản xuất, kinh doanh của HTX, đồng thời tự nguyện viết đơn xin vào HTX và góp vốn để sản xuất, kinh doanh. Khi góp vốn, xã viên có toàn quyền với tài sản của mình, được hỗ trợ về dịch vụ đầu vào của sản xuất và đầu ra của sản phẩm, được hưởng lợi ích trong quá trình sản xuất, tiêu thụ”, bà Khuất Thị Ánh Tuyết chia sẻ.
Có vốn, HTX Vĩnh Lại với tổng số hơn 1.800 hộ thành viên đã mở rộng sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực nông nghiệp như cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất giống cây trồng, dịch vụ cơ giới, điện năng,... Nhờ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ngày càng hiệu quả. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng của HTX Vĩnh Lại đạt 24%, tăng ba lần so với trước khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012; doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng gấp bốn lần; lợi tức tăng 18%, lương bình quân của cán bộ quản lý 3,7 triệu đồng/người/tháng, thu nhập của thành viên đạt 2,7 triệu đồng/người/tháng.
Để có được thành công này, theo bà Khuất Thị Ánh Tuyết, yếu tố quyết định chính là đội ngũ cán bộ HTX phải có trình độ, có tâm và phải luôn nắm bắt thời cơ để đổi mới cho phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường. Đồng thời, phải phát huy tốt sức mạnh đoàn kết, gắn kết các thành viên và phải tìm được hướng đi mới như liên doanh, liên kết chặt chẽ với bạn hàng và đối tác.
Vai trò “người thuyền trưởng”
Việc phát huy sức mạnh đoàn kết, gắn kết các thành viên góp phần quan trọng để các HTX như Vĩnh Lại phát triển. Nhưng sức mạnh tập thể ấy sẽ không thể được phát huy, nếu thiếu đi vai trò “kết dính” của người đứng đầu. Đó chính là các cán bộ quản lý - một mấu chốt đã được bà Khuất Thị Ánh Tuyết cũng như nhiều lãnh đạo HTX đúc kết, nhìn nhận.
Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào - Anh Dao Co-op (Lâm Đồng) Nguyễn Công Thừa cũng chia sẻ: Việc xây dựng HTX kiểu mới không chỉ là câu chuyện thay tên, đó là chủ trương đúng đắn và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Như với HTX Anh Đào cách đây hơn mười năm, ngày mới thành lập, chỉ tập hợp được 7 thành viên. Tổng diện tích sản xuất chưa đến 12 ha, vốn điều lệ vỏn vẹn 100 triệu đồng. Sản phẩm tốt, nhưng việc tìm đầu ra không dễ chút nào trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay. Và quyết định chuyển hướng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, mở rộng liên kết để có được thị trường tiêu thụ rộng lớn, ổn định của những người đứng đầu HTX đã làm thay đổi hoàn toàn HTX này.
Nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nên các sản phẩm của HTX đã “lọt” vào hệ thống Co.op Mart với hợp đồng tiêu thụ 1,5 tấn/ngày, giá cao hơn rau sản xuất kiểu truyền thống từ 10 đến 15%. Đồng thời, để mở rộng quy mô và năng lực sản xuất, HTX cũng tiến hành kết nạp thêm thành viên. Đến nay, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX đã có 22 thành viên, 80 nông hộ liên kết, diện tích sản xuất lên tới 270 ha, cung ứng ra thị trường hơn 75 nghìn tấn rau/năm. Doanh thu năm 2015 đạt 170 tỷ đồng, trích lập quỹ 9,2 tỷ đồng. Và tính đến tháng 6-2016, HTX Anh Đào đã cung ứng 36 nghìn tấn rau ra thị trường, mang lại doanh thu hơn 220 tỷ đồng.
Qua những “cọ xát” thực tế từ thị trường trong nước cũng như nước ngoài, Chủ tịch Anh Dao Co-op Nguyễn Công Thừa cũng đã tích lũy được điều cốt lõi: tổ chức tốt để các “cổ đông nông dân” lo khâu sản xuất đạt chuẩn, HTX lo các khâu còn lại. Nhờ vậy mà giờ đây, những nông hộ trong chuỗi liên kết đã nắm được cách thức sản xuất tiên tiến và mở tầm nhìn ra thị trường rộng lớn. “Để có được thành công chung như vậy, ngoài những yếu tố trên, còn do HTX rất quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý. Mỗi khi có thông báo chương trình mở lớp đào tạo của các sở, ngành địa phương, HTX đều cử người tham gia, từng bước thực hiện bài bản hệ thống quản trị HTX”, Chủ tịch HĐQT Anh Dao Co-op Nguyễn Công Thừa cho biết. Hiện bộ máy điều hành HTX có 6 cán bộ có trình độ đại học, 4 cán bộ trình độ cao đẳng và hơn 300 lao động phổ thông.
Giống như HTX Anh Đào, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (Đà Lạt) cũng có bộ máy quản lý gồm 10 người, trong đó có ba cán bộ trình độ đại học, 5 cán bộ trình độ cao đẳng. Mặc dù nói vui “hiện phổ thông đang điều hành đại học, cao đẳng” nhưng Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Mai Văn Khẩn vẫn thẳng thắn nhìn nhận: “Mình lớn tuổi rồi, giờ vận động lớp trẻ đi học, chiêu mộ thêm lực lượng cử nhân về HTX. Nhưng việc này cũng khó, vì cần phải có những chính sách ưu đãi thỏa đáng mới được”.
Tương tự, Chủ nhiệm HTX mây tre lá Ba Nhất (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Cúc dù rất tận tâm, nhiệt huyết và tài tình khi chèo lái “con thuyền HTX” vượt sóng gió thị trường, nhưng tuổi tác cũng là một vấn đề ảnh hưởng không nhỏ. Đã 80 tuổi, nên bà Nguyễn Thị Cúc hiểu được việc đào tạo những cán bộ kế thừa quan trọng như thế nào. “Muốn HTX phát triển, điều đầu tiên phải yêu quý cả con người, lẫn sản phẩm mình làm ra, trong đó chú ý đào tạo đội ngũ cán bộ kế thừa. Trong nhiều năm qua, HTX mây tre lá Ba Nhất luôn tạo điều kiện, thậm chí trả chi phí cho cán bộ đi học quản lý, tiếng Anh, kế toán,… để phục vụ HTX và nâng cao trình độ của bản thân”, bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.
Nỗi lo “lớn tuổi” dường như không của riêng ông Mai Văn Khẩn hay bà Nguyễn Thị Cúc, mà là nỗi lo chung của nhiều lãnh đạo HTX hiện nay. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng Phạm Văn Tường cho hay, hiện tình trạng già hóa cán bộ trong đội ngũ lãnh đạo quản lý HTX rất đáng báo động. Tuy nhiên, việc thu hút cán bộ trẻ, trình độ chuyên môn cao tham gia HTX còn gặp nhiều khó khăn. Từ đó cũng cho thấy, việc làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý cũng như cần có những cơ chế gì nhằm thu hút lực lượng “chất xám” tham gia vào HTX đang là vấn đề cần giải quyết.
Tổng số thành viên HTX của toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 97,8 nghìn người, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Số lao động thường xuyên trong các HTX hơn 9.400 người. Đến tháng 6-2016, Lâm Đồng đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi và đăng ký lại các HTX theo Luật HTX năm 2012, đồng thời giải thể 26 HTX hoạt động không hiệu quả. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX của toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 995 người. Trong đó, cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chỉ chiếm 25%; đã qua đào tạo sơ cấp, trung cấp chiếm 28% và chưa qua đào tạo lên tới 47%.
(Nguồn: Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng)
Tác giả bài viết: BẢO LONG và THẨM ANH
Nguồn tin: www.nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn