Nhật Bản là nước có dân số già, nông dân đa số là những người luống tuổi. Những năm gần đây, việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ kế cận và phát triển công nghệ lai tạo giống, cải tạo đất đang được nước này đẩy mạnh. Đây được xem là “giải pháp” để phát triển nông nghiệp ở Nhật Bản trong tương lai.
Bài 1: Chăm lo nguồn nhân lực kế cận
Lý thuyết đi đôi thực hành
Theo số liệu của Bộ Nông – Lâm – Thủy sản (Nhật Bản), diện tích đất nông nghiệp của Nhật Bản là 4,61 triệu ha (riêng Hokkaido là 1,16 triệu ha), trong đó đất cấy lúa là 2,51 triệu ha và đất trồng cây lâu năm là 320.000ha. Trung bình mỗi hộ dân ở Nhật Bản canh tác 2,1ha và Hokkaido là 22,3ha (số liệu năm 2012).
Chỉ tính riêng Hokkaido từ năm 2000 đến năm 2010, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đã giảm từ 2,862 triệu xuống còn 1,994 triệu người và dự báo năm 2015 chỉ còn khoảng 1,572 triệu người. Bên cạnh đó, độ tuổi của lao động trong nông nghiệp tăng từ 30 - 50 tuổi lên 60 – 65 tuổi. Đây là một bài toán đặt ra trong tương lai của nền nông nghiệp Nhật Bản.
Về vấn đề này, ông Omichi Masayuki – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hokkaido cho biết, những năm gần đây Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ những sinh viên tham gia học các chuyên ngành về nông nghiệp. Bên cạnh đó hệ thống các trường đào tạo chuyên ngành về nông nghiệp cũng nới rộng chi nhánh về địa phương nhằm giúp sinh viên có điều kiện học tập hơn. Cùng với đó là tạo việc làm sau khi ra trường.
Đến thăm Trường Cao đẳng Hokkaido, chúng tôi choáng ngợp với hệ thống cơ sở vật chất của trường. Trường có đầy đủ các phòng thí nghiệm, các khu cải tạo đất, khu trồng thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi… Trong hơn 2 giờ, chúng tôi chứng kiến, với các thiết bị hiện đại, sinh viên được các giảng viên hướng dẫn nhiệt tình và lần lượt thực hành thuần thục với các ống nghiệm...
Em Dương Minh Cường ở Đông Anh (Hà Nội) - học sinh Việt Nam duy nhất đang theo học năm thứ 3 tại trường chia sẻ: “Ở Nhật Bản bao giờ học lý thuyết cũng đi đôi với thực hành. Em được học từ cách chọn lựa, phân tích đất, khí hậu, thời tiết và những đặc điểm sinh trưởng của từng loại cây, cây nào phù hợp với đất, khí hậu nào... Ngoài ra, chúng em còn được học về cách chăm sóc, chữa bệnh cho một số loại gia súc, gia cầm”.
Sinh viên Sakuya Tamamura ở tỉnh Chiba cho biết: “Nông nghiệp không phải là nghề “sang” ở Nhật Bản, nhưng cũng không phải là nghề “nghèo”. Em lựa chọn học ngành nông nghiệp vì muốn góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản đến với tất cả mọi người trên thế giới”.
Chú trọng chất lượng
Ông Kumai Noriaki – Phó Giám đốc Tổ chức NPO Ủy ban Quốc tế Hokkaido cho biết thêm, ở Nhật Bản, ngoài những trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành về nông nghiệp, để hỗ trợ người dân trong việc sản xuất nông nghiệp còn có hàng nghìn trung tâm cải tạo đất, trung tâm phổ cập và cải tiến nông nghiệp và hàng chục viện nghiên cứu thí điểm nông nghiệp.
Ông Omichi cho hay: “Hầu hết các sinh viên đều thuần thục, trở thành kỹ sư nông nghiệp khi còn chưa tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân chủ yếu về gia đình làm nông nghiệp, phần còn lại làm cho các HTX (JA) hoặc các trung tâm, viện nghiên cứu giống, cải tạo đất nông nghiệp”. |
Ông Sato Takeshi - cán bộ của viện cho hay: “Ở đây thí nghiệm rất nhiều cây trồng khác nhau, với nhiều loại đất khác nhau. Ngoài ra, chúng tôi còn thí nghiệm những loại cây có khả năng chống chịu lại giá rét, băng tuyết vào mùa đông. Để thành công một loại cây trồng, chúng tôi phải mất 8 – 12 năm”.
Một cán bộ khác là ông Shimada Naonori cho biết thêm, mục tiêu của viện là nghiên cứu ra các giống lúa có khả năng chịu lạnh, có chất lượng cao và lai tạo một số giống lúa nếp, các giống lúa có khả năng gieo sạ trong điều kiện nhiệt độ thấp...