Vào đầu tháng 11 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã tiến hành dán tem truy xuất nguồn gốc địa lý cho cam Vinh. Tuy nhiên, việc dán tem này chỉ mới thực hiện trên số ít diện tích trồng cam của tỉnh nên dư luận đang đặt câu hỏi, việc quản lý chất lượng trước thu hoạch và sau khi dán tem có được thực hiện đúng theo quy trình?
Những thùng hàng đầu tiên của Hợp tác xã cam Phùng Huyền ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp được hệ thống siêu thị BigC đặt hàng tiêu thụ trên toàn quốc.
Ông Phạm Đình Hùng, Giám đốc Hợp tác xã khẳng định: "Để sản phẩm cam Vinh đứng chân vào hệ thống siêu thi BigC, yếu tố quan trọng nhất đó là vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã cam Phùng Huyền thực hiện trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap, người dân phải chịu sự quản lý của Hợp tác xã, không được tùy tiện phun thuốc theo ý thích của cá nhân, phải tuân thủ sự chỉ định của Hợp tác xã. Trên thực tế, giá bán cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap và trồng theo phương pháp truyền thống không có sự chênh lệch không nhiều".
Chỉ với 10 sào cam xã Đoài nhưng tất cả diện tích đều được Ông Phạm Văn Lực ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp chăm sóc nghiêm ngặt theo hướng dẫn kỹ thuật. Mặc dù diện tích không lớn, nhưng đổi lại, sản lượng cao, giá bán sỷ tại gốc lên đến 50 ngàn đồng/kg nên gia đình ông yên tâm sản xuất cam sạch.
Là vựa cam của tỉnh, Quỳ Hợp hiện có 5 xã trồng cam với diện tích lên đến 2.000 ha và sản lượng mỗi năm đạt được hơn 17 ngàn tấn. Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay của nhiều hộ trồng cam tại Quỳ Hợp, đó là việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cam Vinh mới chỉ thực hiện tại xã Minh Hợp.
Trên thực tế, việc dán tem còn thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế, bởi số lượng cam được dán tem ít hơn nhiều so với tổng sản lượng chung của toàn huyện. Tâm lý người tiêu dùng cho rằng cam được dán tem tại xã Minh Hợp mới là cam Vinh, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng và thu nhập của người trồng cam nơi đây.
Chia sẻ của ông Dương Đình Mận ở xóm Minh Tâm, xã Minh Hồ, Quỳ Hợp: "Nếu hộ trồng cam không đăng ký gia nhập Hợp tác xã, không thực hiện các quy trình theo quy định thì khi thu hoạch không được kiểm nghiệm, đồng nghĩa với việc không được dán tem".
Nói về những bất cập trong việc dán tem cho cam, ông Quán Vi Giang - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Hợp cho biết: "Hiện tại việc dán tem truy suất nguồn gốc cam Vinh chưa có sự đồng bộ. Những đơn vị được dán tem và đơn vị chưa được dán tem có sự chênh lệch trên nhiều khía cạnh, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, giá cả, thị trường nên rất khó khăn trong việc quản lý".
Theo quy định, để cam Vinh được dán tem trích xuất nguồn gốc như đang thực hiện tại xã Minh Hợp thì yếu tố bắt buộc đầu tiên là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không còn tồn dư trên sản phẩm sau khi thu hoạch.
Nói về quy trình kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Văn Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm Thủy sản tỉnh cho biết: "Muốn chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi phải lấy mẫu để phân tích. Vừa qua, Chi cục đã lấy 10 mẫu để kiểm nghiệm, kết quả cả 10 mẫu đạt chất lượng, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi khẳng định những nơi đó đủ điều kiện, nên được cấp giấy chứng nhận đạt chất lượng. Và dựa trên giấy chứng nhận này, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành dán tem cho cam tại Quỳ Hợp".
Vậy đối với diện tích đang trồng các giống cam xã Đoài 1, xã Đoài 2, Vân Du và giống Sông Con tại 12 xã thuộc 5 huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh cách đây 10 năm có được lấy mẫu để kiểm định chất lượng?
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm Thủy sản Nghệ An khẳng định: "Nếu người tiêu dùng không có điều kiện truy xuất thì có thể tiếp cận với người có điều kiện. Còn trong việc quản lý, cơ quan chức năng phải thường xuyên giám sát, kiểm tra, phải dùng phương tiện truy xuất, nếu phát hiện tem giả sẽ xử lý."
Như vậy, về lâu dài bên cạnh việc dán tem truy xuất nguồn gốc địa lý, thì vấn đề đảm bảo chất lượng cam Vinh phải hướng đến quy trình bền vững, đó là sản xuất sản phẩm sạch, kết hợp xây dựng hệ thống chuỗi hàng hóa chất lượng cao. Trong đó, cần phải có các doanh nghiệp đầu mối thu mua tập trung, sơ chế, phân loại, dán tem, đóng thùng sản phẩm tại chỗ thì mới đáp ứng được chất lượng và giữ được thương hiệu cam Vinh.
Theo báo Nghệ An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn