Xu hướng tất yếu
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang đương đầu với những thách thức lớn do tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng, hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp. Ngành Y tế cho biết, mỗi ngày có khoảng 400 trường hợp phát hiện ung thư, phần lớn trong số này có nguyên nhân liên quan đến thực phẩm. Do đó, việc tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn và có lợi cho sức khỏe có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, là yêu cầu của xã hội hiện nay.
Ông Wouter Van Ravenhorst, đại diện Control Union, cho biết, nhu cầu thực phẩm hữu cơ trên thế giới có mức tăng trưởng khá cao, mỗi năm từ 10 - 15%. Đến năm 2014, trên toàn thế giới đã có trên 43 triệu ha canh tác hữu cơ, với tổng giá trị sản phẩm là 72 tỷ USD.
Ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ, với sản phẩm làm ra cũng rất đa dạng, từ lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức uống như: Mô hình sản xuất gạo thơm hữu cơ Hoa Sữa của Cty Viễn Phú tại Cà Mau, mô hình rau hữu cơ của ông Nguyễn Bá Hùng tại Đà Lạt, mô hình cam sành tại Hàm Yên (Tuyên Quang)…
Ông Nguyễn Bá Hùng - Giám đốc Cty Organic Đà Lạt cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng sản phẩm rau hữu cơ ngày càng tăng cao. “Có doanh nghiệp đặt chúng tôi 8 container ngò gai hữu cơ mỗi tuần để xuất khẩu sang Nhật Bản nhưng Cty không đủ hàng cung cấp. Ngoài ra, doanh thu từ các sản phẩm rau chức năng đạt chuẩn Organic như cà rốt baby, củ cải baby… cũng có thể đạt 500.000 - 1triệu USD/ha”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Võ Văn Khải, Tổng Giám đốc Cty Viễn Phú, cùng với việc phát triển trang trại 337ha để sản xuất nông sản, nuôi trồng thuỷ sản theo phương thức Organic gồm các loại gạo chức năng, cá, rau quả, nấm rơm, Viễn Phú kỳ vọng nếu vùng trồng mở rộng được 10.000ha thì có thể hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất bột Organic các loại, hay nhà máy phân bón hữu cơ…
Trước nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm nông sản sạch, ông Phạm Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, sẽ dành một khu vực quan trọng trong hệ thống bán lẻ để trưng bày các sản phẩm nông sản hữu cơ của các nhà cung cấp, sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng sẽ xây dựng mô hình bán lẻ phục vụ người tiêu dùng có nhu cầu cao về các sản phẩm nông sản sạch.
Cần chính sách hỗ trợ
Mặc dù nhu cầu ngày càng cao nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta hiện nay vẫn còn khiêm tốn. Theo số liệu thống kê, đến năm 2012, cả nước mới chỉ có khoảng 23.400ha đất nông nghiệp hữu cơ, chiếm 0,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
TS Võ Minh Khải cho rằng, thách thức đối với các doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ là ở chính sách. Hiện nay, các chính sách về đất đai, hỗ trợ tín dụng, thuế, hỗ trợ về thị trường cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ chưa có sự rõ ràng.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, các chuyên gia cho rằng cần có quy hoạch cụ thể vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tránh sự ô nhiễm chéo với vùng sản xuất vô cơ. Ngoài ra, cần có sự phân biệt giữa tiêu chuẩn VietGab, Golbal Gap, Organic trong sản xuất và cấp giấy chứng nhận để người tiêu dùng nhận diện.
Theo TS Võ Minh Khải, Nhà nước cần có chính sách cụ thể, mang tính đột phá. “Nếu chúng ta nhận thức hướng sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường là xu hướng, thì chúng ta cần một chính sách có sự rõ ràng, minh bạch và mang tính đột phá, để khuyến khích các thành phần trong xã hội chuyển dần từ nền nông nghiệp hóa học sang nền nông nghiệp thân thiện với môi trường. Từ đó, chúng ta mới có điều kiện cạnh tranh và xâm nhập thị trường thế giới”, TS Khải nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ lập tổ công tác để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, Bộ cũng sẽ rà soát lại các chính sách liên quan đến nông nghiệp hữu cơ để có những điều chỉnh cho phù hợp và bổ sung những chính sách mới tạo thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ. |
Theo Cảnh Nhật/thanhtra.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn