00:59 EST Thứ hai, 23/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nhiều vấn đề "nóng" được mổ xẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ năm - 19/07/2012 00:02
Tiếp tục ngày làm việc thứ 3 cũng là ngày cuối của kỳ họp thứ 3, sáng nay (19/7), HĐND tỉnh khóa XVI đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

 


Nhiều vấn đề `nóng` được mổ xẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
ĐB Nguyễn Thị Nữ Y nêu câu hỏi tại phiên chất vấn

Tiếp tục điều chỉnh để hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trả lời câu hỏi: "Năm 2011, tỉnh nhà có chính sách thu hút nhân tài, được nhân dân đồng tình cao. Tuy vậy còn chưa hợp lý, gây băn khoăn trong nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh cho biết thời gian tới cần bổ sung chính sách và giải pháp như thế nào để tiếp tục thu hút nhân tài về làm việc", ông Nguyễn Đức Hảo - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Để có cơ sở đánh giá bước đầu về chất lượng đầu vào thu hút, sau khi xin ý kiến góp ý của các cấp, các ngành, của Thường trực HĐND, các ban của HĐND, tháng 6 năm 2011, UBND đã ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND ngày 21/6/2011 bổ sung, sửa đổi chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phải dựa trên cơ sở chỉ tiêu biên chế của từng cơ quan, đơn vị đang còn và có cơ cấu chuyên phù hợp, có vị trí việc làm, và những ngành nghề tỉnh đang cần, theo đó người thuộc diện thu hút là những người tốt nghiệp đại học loại giỏi của các trường đại học công lập chính quy mà 4 năm gần đây thường lấy điểm chuẩn đầu vào từ 18 điểm trở lên.

Nhiều vấn đề `nóng` được mổ xẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Ông Nguyễn Đức Hảo - Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn

Theo ông Hảo, tháng 9/2011, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành thông báo số 102-TB/TU về chủ trương thu hút nguồn lực chất lượng cao không phụ thuộc chỉ tiêu, biên chế, cơ cấu, chuyên ngành đào tạo. Sau khi có Thông báo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ thông báo công khai trên mọi thông tin đại chúng để sinh viên đủ tiêu chuẩn thu hút nộp hồ sơ và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3802/QĐ-UBND qui định tạm thời về tuyển dụng theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong năm 2011. Năm 2011, khối nhà nước đã thu hút được 314 người, trong đó có 2 Tiến sỹ, 44 Thạc sỹ, 234 Đại học các ngành (7 xuất sắc, 191 giỏi, 36 đặc thù). Phân theo chuyên ngành: 43 Kinh tế, 79 kỹ thuật, 38 xã hội, 120 sư phạm, 34 bác sỹ đa khoa, dược sỹ đại học. Trong số 314 người (có 281 phù hợp cơ cấu chuyên ngành, 33 người không phù hợp cơ cấu, 146 người đủ điều kiện) theo Quyết định số 14, UBND tỉnh đã ra quyết định bố trí công tác về các đơn vị quản lý nhà nước và môt đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND huyện. Về ưu điểm, chính sách bổ sung kịp thời đội ngũ công chức, viên chức còn thiếu cho các cơ quan, đơn vị còn chỉ tiêu biên chế năm 2011 do chưa tổ chức thi tuyển. Đa số các đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh quyết định phân công công tác cho sinh viên kịp thời và cử công chức theo dõi hướng dẫn tập sự theo quy định…

Liên quan câu hỏi này, ĐB Nguyễn Trọng Quế hỏi thêm: "Nếu theo quyết định của tỉnh thì việc tiếp nhận đầu ra sẽ mất cân đối giữa các trường phía Nam với phía Bắc do chất lượng các trường phía Bắc tốt hơn. Vậy chúng ta phải giải quyết vấn đề này như thế nào?"; ĐB Đoàn Đình Anh hỏi: "Quyết định 14 quy định về tốp trường chúng ta thu hút nhưng đến năm 2011 lại để sang một bên? Vì sao? Đến nay, nhiều người đánh giá có nơi tiếp nhận rồi nhưng chất lượng chưa cao. Vấn đề nữa, lâu nay, nhiều địa phương tuyển sinh viên tốt nghiệp nhưng khi bố trí ở xã lại trái chuyên môn. Vậy có sửa quyết định này cho phù hợp?".

Nhiều vấn đề `nóng` được mổ xẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
ĐB Đoàn Đình Anh nêu câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ

Trả lời các câu hỏi này, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: ngày nay ngành giáo dục đào tạo theo thị trường. Để làm triệt để việc cân đối tuyển sinh viên tốt nghiệp phía Nam với phía Bắc là khó, bởi thường thì thu hút luôn gắn với cơ cấu. Vì thế, chung tôi luôn dự phòng nguồn từ 3-5%, nếu thấy xứng đáng thì trình lãnh đạo UBND tỉnh xem xét. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu điều chỉnh để thu hút được nguồn nhân lực tốt. Đối với ý kiến để Quyết định 14 sang một bên, thực ra nói thế không khách quan vì Quyết định 3802 chỉ quy định tạm thời cho năm 2011. Để nâng cao hiệu quả, lâu nay, Sở vẫn có các chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ xã mới tuyển và tới đây sẽ có đánh giá lại để điều chỉnh.

Dạy thêm do… người học muốn ngày một giỏi hơn

"Tình trạng dạy thêm, học thêm còn tràn lan, thu tiền học thêm cao trong khi quản lý nhà nước về vấn đề này còn bất câp. Đề nghị UBND tỉnh nêu rõ các giải pháp để quản lý và chấn chỉnh?".

Nhiều vấn đề `nóng` được mổ xẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời chất vấn

Thay mặt Sở GD&ĐT, Giám đốc Trần Trung Dũng cho biết: Vấn đề dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu của học sinh. Việc dạy thêm và học thêm có mặt tích cực là góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh, rèn luyện ý chí bền bỉ, phấn đấu vì ngày mai lập nghiệp của học sinh. Qua dạy thêm, giáo viên đầu tư nghiên cứu và trưởng thành về chuyên môn, đồng thời có thêm thu nhập chính đáng. Tuy nhiên, do hoạt động dạy thêm, học thêm có tính phức tạp của nó so với học chính khóa với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, dẫn đến việc quản lý dạy thêm, học thêm còn gặp không ít khó khăn, bất cập. Việc quản lý hạn chế dẫn đến tiêu cực trong dạy thêm, học thêm phát sinh, trong đó có việc người dạy thêm lạm dụng thu tiền quá cao.

Vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan diễn ra trên địa bàn cả nước, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trên địa bàn Hà Tĩnh cũng có tình trạng dạy thêm, học thêm, nhất là trên địa bàn thị trấn, thị xã và thành phố. Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định để quản lý việc dạy thêm, học thêm. Sau đó, Sở GD&ĐT lại có công văn 1220/SGDĐT-GDTrH chỉ đạo, chấn chỉnh dạy thêm, học thêm ở các trường học và các cơ sở giáo dục; Sở nhấn mạnh một số nội dung yêu cầu các trường và các cá nhân giáo viên thực hiện dạy thêm, học thêm. UBND Thành phố Hà Tĩnh, UBND các huyện, thị cũng đã có các qui định dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Ngày 16/5/2012, Bộ GD&ĐT có Thông tư số 17 Quy định dạy thêm, học thêm. Sở GD&ĐT đã tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản về việc quản lý dạy thêm, học thêm, nhằm thực hiện nghiêm túc Thông tư 17 của Bộ, tăng cường quản lý, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm kể từ đầu năm học mới 2012-2013, đảm bảo hài hòa lợi ích và nguyện vọng của học sinh.

Nhiều vấn đề `nóng` được mổ xẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
ĐB Đậu Thị Thủy nêu câu hỏi

Liên quan đến câu hỏi này, ĐB Đậu Thị Thủy hỏi: "Việc dạy thêm không chỉ ở bậc THPT mà còn trước khi vào lớp 1. Sở có cấp phép và đánh giá năng lực giáo viên dạy thêm không?"; ĐB Hoàng Thị Cẩm Tú nêu vấn đề chậm hướng dẫn thực hiện Thông tư 17 về dạy thêm, học thêm. Xung quanh 2 ý kiến hỏi thêm này, Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: Đúng là lâu nay chúng ta có hiện tượng cả tiểu học, mầm non trước khi vào lớp 1. Thực ra nhu cầu học luôn có và chính đáng. Nó vừa phát sinh trực tiếp, vừa gián tiếp. Người học muốn ngày một giỏi thêm nên cứ phải học, học hết sách, hết chương trình. Còn nhu cầu gián tiếp, từ nhà trường cũng có, rồi tư giáo viên, đặc biệt từ phụ huynh cũng có. Nếu không học thêm thì ở nhà chơi điện tử. Nhu cầu học là chính đáng, không có gì xấu, không có gì sai. Nhưng do nhu cầu dẫn đến việc dạy thêm. Con em Hà Tĩnh đỗ đạt cao cũng nhờ một phần của học thêm. Nhưng từ nội dung, chương trình thấy học sinh biết nhiều hơn, nhưng tư duy không như trước. Về cấp phép dạy thêm, tỉnh đã có Quyết định 96, nêu rõ trách nhiệm thuộc về UBND các huyện, thành, thị hoặc ủy quyền cho Phòng giáo dục cấp phép dạy thêm học thêm. Đối với khối THPT, ngành có chỉ đạo và các trường chủ yếu khoanh trong trường và quản lý dạy ngoài trường. Học ngoài trường thì người dạy và người học tự thỏa thuận, còn trong trường chỉ thu cao nhất 11.500 đồng/tiết. Về hướng dẫn thực hiện Thông tư 17 của Bộ, chúng tôi nhận lỗi chậm do thời gian qua phải tập trung một số vấn đề quan trọng khác. Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai sớm. Ngành giáo dục cũng sẽ có giải pháp cho việc hạn chế dạy thêm, học thêm. Kể cả thi cử cũng có điều chỉnh.

Giá nước kiểu lấy chỗ này bù chỗ kia là bất hợp lý

Dù đã được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều và kỹ trong thời gian qua nhưng vấn đề mất nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà tĩnh và vùng phụ cận cũng như việc cào bằng giá nước giữa các đô thị lớn, nhỏ trong tỉnh là không hợp lý. Trả lời câu hỏi: "Việc cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân TP Hà Tĩnh thời gian qua không tốt, chất lượng nước kém, áp lực nước yếu; một số vùng mất dày ngày gây khó khăn trong sinh hoạt của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân và hướng giải quyết", ông Trần Xuân Tiến - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho hay: Lượng khách hàng đăng ký dùng nước trên địa bàn tăng nhanh, tăng 1.800 hộ so với năm 2011. Mặt khác trong thời điểm hiện nay mùa hè nắng nóng nên nhu cầu dùng nước của khách hàng tăng đột biến trong khi công suất của Nhà máy Thạch Điền chỉ đạt 17.000m3/ngày đêm dẫn đến thiếu khoảng 2.000m3/ngày đêm. Thứ nữa là tiến độ dự án giai đoạn 2, trong đó tuyến đường ống nước thô từ Thạch Điền về Đại Nài bị chậm do vướng mặt bằng. Giải pháp trước mắt là điều tiết mạng lưới cấp nước phù hợp trong đó ưu tiên giảm bớt khối lượng tiêu thụ nội thành để tải tới vùng đang thiếu. Về lâu dài là sớm hoàn thành dự án giai đoạn 2 để bổ sung công suất.

Nhiều vấn đề `nóng` được mổ xẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Ông Trần Xuân Tiến - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh

Về chất lượng nguồn nước, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm, theo Công ty cấp nước đến nay chưa có đơn vị, khách hàng nào phản ánh. Nguyên nhân là ở những khu vực cuối mạng lưới do việc thiếu nguồn nên Công ty cấp nước phải điều tiết bơm tạo áp lực đẩy nước về cuối mạng dẫn đến một số cặn bám trong đường ống bị đẩy về cuối mạng nhưng chỉ một lát khi mở vòi.

ĐB Đinh Quốc Thị lại hỏi: "Căn cứ để tính giá nước khu vực TX Hồng Lĩnh? Nguồn nước của nhà máy này tự chảy trong khi ở thành phố lấy từ hồ Bộc Nguyên về phải bơm điện nên không thể cùng một giá", ĐB Nguyễn Thị Nữ Y hỏi:"Tình trạng nước sạch ở Lộc Hà khó khăn, nhiều xã bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt ở Hộ Độ có đầu tư đường ống nhưng bị cắt một phần cho xã Thạch Hạ. Vì sao?". Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Giá nước xây dựng tổng thành do Sở phối hợp các ngành liên quan them mưu tỉnh, căn cứ vào tiêu hao, hệ thống quản lý. Nước là hàng hóa đặc biệt. Chi phí cao Nhà nước bù lỗ. Vì thế căn cứ vào khấu hao, nhân công, chi phí khác. Giá năm 2012 bình quân 6.766 đồng/m3, giá thành 7.700 đồng/m3 nên lỗ 934 đồng/m3 nên hàng năm UBND tỉnh phải trích 6-7 tỷ đồng bù lỗ. Về giá giữa thị xã với thành phố, Công ty là đơn vị hạch toán độc lập nên quy định giá chung để san sẻ gánh nặng. Chúng tôi sẽ tham mưu giá hợp lý. Về nguồn nước cho Lộc Hà, chúng tôi chia sẻ khó khăn với địa phương. Đường ống xuống Hộ Độ qua Thạch Hạ, để tránh lãng phí, chúng ta phải chia nguồn còn áp lực nước sẽ không đổi.

ĐB Nguyễn Thị Hà Tân hỏi thêm: "Chúng tôi chia sẻ với ngành, nhưng thực tế chưa lúc nào mất nước kéo dài như lâu nay, có hôm phải thức cả đêm để lấy. Vậy đến bao giờ chấm dứt tình trạng này?"; ĐB Nguyễn Văn Hổ thì cho rằng bắt thị xã Hồng Lĩnh phải san sẻ với đô thị lớn như thành phố là không đúng. Thu cho này bù chỗ kia là không hợp lý?".Trả lời vấn đề này, ông Tiến cho biết: Nước thiếu thì chủ yếu là điều tiết nên không thể một lúc là được. Theo cam kết của Công ty, tháng 8, dự án xong nên sẽ cải thiện được vấn đề. Về giá nước giữa các vùng, Sở sẽ nghiên cứu và tham mưu xử lý. Xung quanh vấn đề nguồn nước và giá nước, ĐB băn khoăn và cử tri thắc mắc là có cơ sở. Chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh xem xét lại vấn đề giá nước.

Vẫn còn một bộ phận CBVC y tế khám bệnh qua loa, chẩn đoán sai

Trả lời câu hỏi: "Thông qua tiếp xúc, cử tri phản ánh y đức của một bộ phận CBNV tại một số tuyến khám, chữa bệnh chưa tận tình, chu đáo với bệnh nhân; việc phân cấp tuyển dụng viên chức vào ngành; tuyển cán bộ ở các khoa, phòng cấp huyện, đơn vị trực thuộc đã thực hiện như thế nào, có đảm bảo dân chủ, công khai chưa. Đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp khắc phục?", Giám đốc Sở Y tế Phan Thị Ninh cho biết: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, nỗ lực của ngành và các đơn vị, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc phục vụ người bệnh của ngành nói chung, bệnh viện đa khoa tỉnh nói riêng có nhiều chuyển biến, được các cấp, ngành, người dân ghi nhận.

Nhiều vấn đề `nóng` được mổ xẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Giám đốc Sở Y tế Phan Thị Ninh

Tuy nhiên, theo bà Ninh, do yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế chất lượng cao còn thiếu, nhất là đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học được đào tạo cơ bản, ảnh hướng đến chất lượng chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh cho bệnh nhân làm cho người bệnh không hài lòng như cử tri đã phản ánh. Ngành cũng nhận thấy có một bộ phận CBVC còn thiếu tâm huyết, nhiệt tình, chăm sóc thiếu chu đáo, khám bệnh còn qua loa, thậm chí chẩn đoán sai, điều trị hiệu quả thấp dẫn đến bệnh nhân chưa yên tâm khi đến các cơ sở khám chữa bệnh.

Về việc tuyển dụng cán bộ y tế, thời gian qua ngành có các đợt tuyển dụng viên chức và cán bộ y tế cấp xã. Theo đó, đối với bác sĩ, dược sĩ đại học hệ chính quy được tuyển thẳng theo Quyết định 14/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Trong tuyển dụng viên chức đều tổ chức công khai, dân chủ, công bằng, đảm bảo đúng pháp luật; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đai chúng. Tất cả thí sinh đúng chuyên ngành đều được nộp hồ sơ dự tuyển. Đối với cán bộ y tế xã hợp đồng làm việc theo quyết định 58, đây là loại hình có tính đặc thù, đến nay chưa có quy định cụ thể nào cho việc tuyển loại hình này nhưng Sở đã xây dựng quy chế xét tuyển, trong đó áp dụng chính sách ưu tiên theo Nghị định 116/2003/NĐ-TTg và các Thông tư hướng dẫn khác. Cả 2 kỳ tuyển dụng năm 2011 và 2012 đều được thực hiện theo hình thức xét tuyển theo quy chế chung cho các đơn vị trong ngành, giao Trung tâm y tế dự phòng cấp huyện sơ tuyển và gửi kết quả về Hội đồng tuyển dụng của Sở. Trong quá trình tuyển dụng có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ, Phòng PA 83 - Công an tỉnh và Thanh tra Sở y tế.

Sau phần trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Y tế, HĐND tỉnh tiếp tục phần chất vấn đối với Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Cao Thanh liên quan đến việc một số công trình XDCB chậm giải ngân; nguyên nhân, trách nhiệm?; Hà Tĩnh Online sẽ tiếp tục chuyển tải nội dung câu trả lời này và diễn biến tiếp theo của phiên chất vấn.

Theo NHÓM PV HÀ TĨNH ONLINE

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 192


Hôm nayHôm nay : 24238

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 975267

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72657976