Trong đó, hồ thuỷ điện Hòa Bình có diện tích trên 10.450 ha nằm ở địa bàn TP. Hòa Bình và 4 huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Đà Bắc với chiều dài trên 80km là tiềm năng lớn phát triển nghề nuôi cá lồng.
Hồ thuỷ điện Hoà Bình được coi là kho tàng quý báu về thuỷ sinh vật và nguồn lợi thuỷ sản của vùng Tây Bắc, bởi sự đa dạng của các loài thuỷ sản. Theo điều tra, khảo sát, nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và khu hệ cá phân bố trên các loại thuỷ vực tự nhiên ở Hoà Bình tương đối phong phú, gồm 94 loài và phân loài, thuộc 712 giống, 21 họ trong 8 bộ.
Trong số này có 88 loài cá bản địa, chiếm 93,6%; 6 loài cá di nhập, chiếm 6,4% và 12 loài có trong Sách đỏ Việt Nam 2007, chiếm 12,8%.
Tỉnh Hòa Bình có tiềm năng phát triển thuỷ sản tương đối lớn với trên 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thuỷ lợi, thuỷ điện.
Ông Hoàng Văn Son, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Để nuôi trồng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả, những năm qua, chúng tôi đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè trên vùng hồ Thủy điện Hòa Bình. Nhờ đó, đã thúc đẩy người dân lòng hồ phát triển nuôi cá lồng khá mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng hàng năm”.
Nghề nuôi cá lồng đang được người dân nuôi và phát triển mạnh ở các huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Đà Bắc, TP. Hòa Bình.
Hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 523 hồ chứa thủy lợi. Các địa phương duy trì và phát triển diện tích nuôi thủy sản trên 2.700 ha, trong đó, nuôi trong ao nhỏ 1.635 ha, nuôi cá ruộng 5 ha, diện tích nuôi hồ 1.060 ha. Nổi bật là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020, đã đưa số lồng nuôi cá lên 4.673 lồng. Từ ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 2.602 lồng nuôi cá với số tiền 30,895 tỷ đồng, tương ứng 1.702 hộ dân vùng hồ sông Đà được hưởng lợi.
Nhiều nông hộ sinh sống ở lòng hồ Hòa Bình đã có của ăn của để, nhờ nghề nuôi cá lồng.
Thời gian qua, nhiều hộ gia đình triển khai nuôi cá lồng, cá sạch đã từng bước thoát nghèo tại địa phương. Anh Xa Diễu Hành, xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Sau khi triển khai việc nuôi cá lồng với sự hỗ trợ của địa phương, đến nay việc nuôi cá lồng của gia đình tôi cũng dễ dàng hơn, thu nhập bước đầu ổn định, mà giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với công việc làm nương ngô nương sắn”.
Để phát huy tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, diện tích lòng hồ thủy điện rộng lớn.Tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục mở rộng vùng nuôi thủy sản, giúp người dân tăng nguồn thu nhập.
Còn anh Đinh Văn Tường Lù, xóm Đá Đỏ (xã Tân Dân, huyện Mai Châu) phấn khởi cho hay: “Tôi nuôi 6 lồng cá trên lòng hồ sông Đà. Tôi chủ yếu nuôi cá chiên, chép, trắm cỏ, lăng đến giai đoạn thu hoạch có nhiều thương lái ở ngoài huyện Mai Châu và huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đánh xe tải và đỗ thuyền vào mua với giá cao. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lãi hơn 150 triệu đồng/năm, cuộc sống của gia đình ngày càng dư dả”.
Tại các lồng nuôi cá trên lòng hồ Hòa Bình, đa số bà con chủ yếu nuôi cá chép, rô phi, chắm cỏ, lăng, diêu hồng,...
Song song với việc nuôi cá lồng trên lòng hồ, hoạt động khai thác thủy sản cũng được đẩy mạnh, diễn ra chủ yếu trên hồ thủy điện sông Đà và các hồ, đập, sông suối lớn. Theo thống kê, phương tiện khai thác thủy sản trên toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 1.480 thuyền, 200 chiếc lưới 3 lớp và 440 vó đèn. Đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá, tôm.
Theo ông Hoàng Văn Son, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, năm 2019, toàn tỉnh Hòa Bình đạt sản lượng thu hoạch cá khoảng 9.205 tấn. Trong đó khai thác 1.704 tấn, nuôi 7.501 tấn, chủ yếu là các loại cá đặc sản như: Chiên, lăng chấm, lăng vàng, nheo Mỹ, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi, chép...
Để bảo vệ, phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhất là các loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao, bảo vệ các hệ sinh thái thủy sinh tại những vùng nước nội địa. Hàng năm, Chi Cục thủy sản phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức thả cá bổ sung, tái tạo nguồn lợi xuống lòng hồ Hòa Bình. Tổng số cá thả phóng sinh 67.580 con, gồm các loại cá truyền thống và một số loại đặc sản.
Hiện nay, số lượng lồng nuôi cá trên lòng hồ Hòa Bình không ngừng tăng mạnh.
Nhằm phát huy những lợi thế, thể mạnh về sông, suối và các điều kiện tự nhiên, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch cơ cấu con giống hợp lý, đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản. Cùng với con giống bản địa, truyền thống, sẽ tích cực đưa các giống mới, có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương để nâng cao năng suất sản lượng và giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, đối với hồ thủy điện Hòa Bình, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng vùng nuôi tập trung đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng chứng nhận lồng nuôi cá đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, truy xuất nguồn gốc, quan tâm quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Thời gian qua, nghề nuôi cá lồng đã và đang đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, cho biết: Hòa Bình có chuỗi cá sông Đà nổi tiếng, với nhiều loại cá đặc sản được thị trường ưa chuộng. Hiện có hơn 20 doanh nghiệp, HTX phát triển chuỗi liên kết mang lại hiệu quả cao.
Trong những năm qua, công tác sản xuất, xúc tiến thương mại qua việc tổ chức các hội chợ, tổ chức Tuần lễ cá sông Đà tại Hà Nội đã giúp người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm chất lượng của tỉnh. Từ hiệu quả nuôi trồng thủy sản, tỉnh Hòa Bình đang hướng tới xây dựng nhà máy chế biến thủy sản trên hồ Hòa Bình, mở ra cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp, HTX và người dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn